Dịch chuyển nhà máy, xây dựng khu đô thị có phù hợp?

Sau khi Phó tổng giám đốc đi tù, Công ty Gia Sàng tiếp tục nợ nần chồng chất, người lao động tan tác không có lương, không được giải quyết chế độ…

Nhiều khoản nợ khủng bị ngân hàng siết nợ và kê biên, đấu giá tài sản. Lúc này người ta nhắc đến Công ty CP Thương mại Thái Hưng với mong mỏi vực dậy một thương hiệu đã dần rơi vào quên lãng.

Cuộc vật lộn giữa đống nợ

Từ năm 2008, Công ty Gia Sàng đã vay của Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Lưu Xá và chi nhánh Thái Nguyên hơn 33 tỷ đồng nợ gốc để kinh doanh nhưng cơn bĩ cực càng khiến đơn vị này không thể trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Vì thế, Ngân hàng đã kiện Gia Sàng ra tòa.

Ngày 8/1/2014, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên Công ty Gia Sàng phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên nhưng đơn vị này vẫn bế tắc không có nguồn tài chính xử lý nợ, khoản nợ không có khả năng thanh toán lên tới hơn 120 tỷ đồng. Hàng trăm công nhân không có công ăng việc làm.

Tháng 7 năm 2016, Công ty Thái Hưng bất ngờ tham gia mua đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng thông qua Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên, và trúng đấu giá theo thông báo số 219/TB-ĐGTS ngày 11/7/2016 của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Sau đó, Công ty Thái Hưng đã thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ngày 28/12/2016 Nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại.

Theo lãnh đạo thép Gia Sàng, sau một thời gian sản xuất, Nhà máy đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, sản xuất không ổn định, không mang lại hiệu quả kinh tế, nguyên nhân do quy mô của Nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu không đồng bộ làm cho chi phí sản xuất cao, năng suất, chất lượng, sản lượng sản xuất thấp, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh Nhà máy.

Trước thực trạng này, ngày 10/7/2017, Ban lãnh đạo Công ty thép Gia Sàng đã tiến hành cuộc họp tìm giải pháp cho nhà máy. Tại cuộc họp này, ông Trần Quang Minh, Quản đốc phân xưởng Cán có nhiều năm gắn bó với nhà máy cho rằng: Nhà máy đã hỏng hóc, thất thoát nhiều, không còn đồng bộ nên không thể hoạt động lâu dài và hoạt động thì thua lỗ nhiều quá nên cần tạm dùng sản xuất để tìm giải pháp. Nhiều ý kiến đã đề xuất đầu tư dây chuyền công nghệ mới hiện đại.

Công nghệ thép Gia Sàng quá lạc hậu không còn phù hợp với quy hoạch công nghệ mới khi tái cấu trúc

Chủ tịch Công đoàn, ông Bùi Quang Sáng nêu thực tế, nếu không tìm giải pháp sớm thì không một nhà đầu tư nào có thể tiếp tục duy trì hoạt động liên tục thêm trong vòng 3 tháng.

Cuộc họp đã biểu quyết thống nhất phương án di dời kết hợp với cải tạo nâng cấp nhà máy lên 500.000 tấn/năm bằng công nghệ hiện đại.

Ông Bùi Long Xuyên, Tổng giám đốc công ty Gia Sàng được giao lập phương án báo cáo nhà đầu tư là Công ty Thái Hưng trước 31/7/2017.

Phương án được lập và thông qua hội đồng do ông Bùi Long Xuyên làm Chủ tịch Hội đồng, ông Vũ Sơn Đông – Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Sàng làm Phó chủ tịch Hội đồng, các ủy viên khác là Chủ tịch Công đoàn, đại diện Đoàn thanh niên, Ban nữ công, chuyên viên xây dựng...

Sơ đồ Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City)

Về lý do tại sao không đầu tư nâng cấp công nghệ tại chỗ để không phải di dời nhà máy, lãnh đạo Công ty Gia Sàng cho biết thêm: Để khắc phục được tình trạng trên, phương án tốt nhất là cải tạo nâng công suất lên 500.000 tấn/năm với công nghệ tiên tiến hiện đại nhất. Do chi phí đầu tư cũng như khối lượng thiết bị rất lớn nên đòi hỏi địa điểm lắp đặt nhà máy phải ổn định lâu dài. Không thể đặt nhà máy nằm giữa trung tâm thành phố lâu dài vì theo Quyết định số 2846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/12/2016 về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 đã chỉ rõ đến năm 2035, “các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực đô thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị”. Đây là phương án tối ưu nhất không chỉ đảm bảo lâu dài cho chủ đầu tư mà còn đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người lao động trong thời gian di dời, cải tạo, lắp đặt đến khi vận hành đi vào sản xuất.

Ngày 23/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản số 5322/UBND-CNN đồng ý thực hiện Dự án di dời, cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng lên 500.000 tấn/năm đến khu vực đất công nghiệp sản xuất tập trung, phù hợp với quy hoạch tại quyết định 694/QĐ-BCT ngày 31/01/2013 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoach phất triển sản xuất và hệ thống phân phối ngành thép đến 2010.

Theo đó, dây chuyền cán thép công suất tối thiểu phải 500 nghìn tấn/ năm. Đến năm 2020, cơ bản loại bỏ các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, dây chuyền cán thép công suất nhỏ. Vì vậy, không thể tiếp tục triển khai phục hồi nhà máy Gia Sàng trên dây chuyền cũ với quy mô cũ ở vị trí hiện tại.

Vén màn hy vọng

Cùng với việc di dời, nâng cấp, cải tạo nhà máy, để phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất, Công ty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện một dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 23/11/2017.

Lãnh đạo Công ty Thái Hưng cho biết, đây là dự án khu được quy hoạch đồng bộ, với sự kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nhân tạo và các công trình kiến trúc nhằm tạo ra khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở văn minh hiện đại, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với đầy đủ các tiện ích như trường học, trung tâm thương mại, thể thao văn hóa …, gắn kết hài hòa với các khu đô thị lân cận...

Đặc biệt, gắn với dự án Công ty đầu tư dự án trường liên cấp quốc tế Thái Hưng ngay trong khu đô thị. Dự kiến đây sẽ là khu đô thị hiện đại, đúng quy hoạch và hấp dẫn các nhà đầu tư, trở thành một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giữ gìn an ninh trật tự địa phương

Quỹ đất trên 22 ha trước đây tại phường Gia Sàng nhà đầu tư sẽ thực hiện Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Dự án Thái Hưng Eco City đầu tư với tổng số vốn trên 2.100 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 3.800 người, với các hạng mục như: trường học, nhà ở xã hội, đường giao thông, bãi đỗ xe… góp phần hình thành khu đô thị mới với môi trường sống đẳng cấp, văn minh, hiện đại tại Thành phố Thái Nguyên.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, UBND Thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành liên quan, chủ đầu tư công bố, công khai quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) theo Quyết định 4060/QĐ-UBND, ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Dự án Thái Hưng Eco City có các hạng mục như: Đất công cộng diện tích trên 21.596 m2 chiếm tỷ lệ 6,1% tổng diện tích; đất trường học hơn 11.283 m2 chiếm tỷ lệ 3,19%; đất ở trên 125.000 nghìn m2 chiếm 35,48%; đất nhà ở xã hội hơn 20.324 m2 chiếm 5,74%; mặt nước, cảnh quan hơn 21.198 m2 chiếm 5,98%; đất đường giao thông hơn 122.640 m2 chiếm 34,62%; bãi đỗ xe hơn 4.821 m2 chiếm 1,36%...

Phía Bắc dự án giáp khu dân cư hiện trạng, chợ Gia Sàng; Phía Nam dự án giáp khu dân cư hiện trạng và Lữ đoàn….; Phía Đông dự án giáp đường Cách mạng Tháng 8 và phía Tây dự án giáp tuyến đường quy hoạch, khu dân cư hiện trạng.

Dự án tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên có cảnh quan đẹp, bố trí khu cây xanh, công viên đô thị đóng góp tối đa cho cảnh quan chung...

Sau khi công bố quy hoạch, phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng sẽ khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo để triển khai Dự án trong quý II năm 2018. Hiện nay dự án mới dừng ở việc được phê duyệt xong quy hoạch 1/500 và đang triển khai các bước tiếp theo nên thông tin đã phân lô bán nền phía chủ đầu tư khẳng định là bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật!?

PV (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dich-chuyen-nha-may-xay-dung-khu-do-thi-co-phu-hop-237978.htm