Dịch bùng lại, Trung Quốc nâng mức phòng chống nghiêm ngặt nhất

Không chỉ khiến doanh nghiệp nước ngoài lao đao vì phòng dịch gắt gao, dịch Covid-19 tại Quảng Đông còn làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả của vaccine nội địa với các biến thể.

Phong tỏa nghiêm ngặt theo khu vực; cách ly hàng nghìn người; xét nghiệm hàng triệu mẫu trong vài ngày; người nước ngoài bị mắc kẹt trong các khu vực có dịch trong nhiều tuần, đôi khi cả tháng... là quy tắc phòng chống Covid-19 mà Trung Quốc đã tuân thủ trong hơn một năm qua.

Trung Quốc dường như đã kiểm soát được virus corona từ gần một năm trước. Tuy nhiên, hàng trăm triệu người ở đại lục vẫn chưa được tiêm chủng. Trong bối cảnh này, các biến thể mới của virus corona liên tiếp xuất hiện, làm dấy lên những ngờ vực rằng liệu vaccine Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả với biến chủng mới hay không.

Xét nghiệm diện rộng

Những ngày gần đây, thành phố Quảng Châu liên tiếp ghi nhận hàng chục ca mắc Covid-19 mới. Các nhà chức trách đổ lỗi cho biến thể Delta - biến chủng được xác định lần đầu ở Ấn Độ (B.1.617.2).

Các cơ sở xét nghiệm ở Quảng Châu hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Dòng người xếp hàng chờ đợi xét nghiệm dài dằng dặc. Người dân cố thức dậy từ sớm để được xét nghiệm trước, nhưng vẫn phải chờ rất lâu để tới lượt.

Mandy Li - cư dân sinh sống tại quận Lệ Loan, nơi phát hiện hầu hết ca nhiễm mới lần này - cho biết cô phải đặt đồng hồ báo thức từ 3h30, nhưng vẫn phải đợi hẳn một tiếng.

“Cùng đợi với tôi có một gia đình ba người”, cô nói. “Nhiều người đánh thức con cái họ từ sớm để xếp hàng, số ít khác thì dùng xe đẩy. Mọi người đều hợp tác (dù đợi chờ rất lâu) vì chúng tôi biết tất cả tình nguyện viên và nhân viên y tế làm việc rất chăm chỉ. Họ thậm chí còn không hề nghỉ ngơi”.

Thành phố Quảng Châu thực hiện một cuộc xét nghiệm trên diện rộng với toàn bộ 18,7 triệu người, từ ngày 6/6 đến ngày 8/6. Thậm chí, nhiều người trong số họ được xét nghiệm lần hai. Giới chức cũng đóng cửa hơn 180.000 khu dân cư. Không ai được phép ra ngoài trừ trường hợp kiểm tra y tế.

 Các phòng thí nghiệm để kiểm tra mẫu xét nghiệm mới được xây dựng trong sân vận động ở Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 3/6. Ảnh: New York Times.

Các phòng thí nghiệm để kiểm tra mẫu xét nghiệm mới được xây dựng trong sân vận động ở Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 3/6. Ảnh: New York Times.

Nhà chức trách ban đầu xác định các ca lây nhiễm bắt đầu từ một quán ăn. Theo Zhang Zhoubin - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Quảng Châu, đợt dịch lần này lây truyền mạnh nhất trong tất cả đợt bùng phát trước đây mà Trung Quốc từng đối mặt.

“Lần này Quảng Châu phải đối mặt một đối thủ mạnh chưa từng có. Vì vậy cần phải có nhiều biện pháp kiên quyết và dứt khoát hơn nữa để đối phó với nó”, ông nói.

Cách tiếp cận của Trung Quốc với Covid-19 đã có sự thay đổi. Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, chính quyền trung ương đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với hàng trăm triệu người.

Hiện nay, phong tỏa chỉ áp dụng theo khu vực chứ không phải theo thành phố hoặc tỉnh. Ngoài ra, Trung Quốc coi tiêm chủng trở thành chiến lược trọng tâm quốc gia.

Tuy nhiên, một số cách làm cốt lõi vẫn được áp dụng tại quốc gia rộng lớn và đông dân này. Đó là xét nghiệm diện rộng, giới hạn nghiêm ngặt việc di chuyển, và giám sát chặt chẽ khách đến từ quốc gia khác.

Mất quá nhiều thời gian

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại những biện pháp đối với khách quốc tế có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch của họ.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu được công bố trong tuần này cho thấy 75% công ty thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh hạn chế đi lại. Các kỹ sư hoặc giám đốc điều hành chủ chốt thường bị cản trở hoặc không thể nhập cảnh.

Bắc Kinh yêu cầu công dân từ hàng chục quốc gia phải trải qua hai tuần kiểm dịch có sự giám sát của người sử dụng lao động ngay cả trước khi bay đến quốc gia này.

Sau khi nhập cảnh, họ phải dành ít nhất hai tuần, đôi khi lâu hơn, trong khu cách ly, ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ. Các đợt xét nghiệm có thể ra kết quả dương tính giả, khiến họ phải xét nghiệm thêm nhiều lần và thời gian cách ly bị kéo dài.

Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ vào tháng 5. Ảnh: New York Times.

Tháng 5 vừa qua, một công dân Đức bay đến Thượng Hải đã phải cách ly tại bệnh viện trong ba ngày vì xét nghiệm dương tính, dù anh tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 từ 16 ngày trước.

Người này cho biết y tá lấy máu của anh hai lần một ngày và thực hiện tổng cộng 6 lần ngoáy họng, 4 lần ngoáy mũi và 2 lần lấy mẫu từ hậu môn. Phòng bệnh không có khăn tắm, không có giấy vệ sinh và không có tivi. Giường như một tấm thép cùng với một tấm chiếu mỏng.

Sau khi liên tục xét nghiệm và có kết quả âm tính, người này dành 11 ngày còn lại cách ly tại một trung tâm kiểm dịch do chính phủ giám sát.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng Trung Quốc có thể duy trì các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt cho đến hết tháng 2/2022 - khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa đông, thậm chí đến tận mùa thu - khi nước này tổ chức Đại hội Đảng.

Nhiều người nước ngoài ở Trung Quốc phải đối mặt với lựa chọn: Nếu họ rời Trung Quốc để thăm người thân, họ không thể sớm nhập cảnh trở lại đất nước này.

“Người nước ngoài ngày càng cảm thấy mệt mỏi khi ở đây”, Jacob Gunter, Giám đốc Truyền thông và Chính sách cấp cao tại Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu ở Trung Quốc, cho biết.

Thúc đẩy tiêm phòng

Lãnh đạo Trung Quốc cố gắng thúc đẩy người dân đi tiêm phòng. Chính phủ hiện quản lý khoảng 800 triệu liều vaccine, so với con số 300 triệu của Mỹ.

Yin Weidong - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sinovac Biotech, một trong những nhà sản xuất vaccine chủ chốt của Trung Quốc - ngày 4/6 cho biết Cơ quan quản lý Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine với đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi.

Tuy nhiên, việc sử dụng 800 triệu liều - hầu như loại vaccine nào cũng yêu cầu tiêm hai mũi - có nghĩa là hầu hết người Trung Quốc chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Một số người vẫn do dự trong việc tiêm phòng. Phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhắm vào lần bùng phát dịch bệnh Quảng Châu lần này để khuyến khích những người hoài nghi đi tiêm chủng.

Sự lây lan tại Quảng Châu đã đặt ra câu hỏi mới về hiệu quả của vaccine nội địa, đặc biệt là đối với các biến thể. Seychelles và Mông Cổ trong thời gian qua đều ghi nhận nhiều ca mắc mới dù tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao.

Cả hai đều đã sử dụng vaccine Sinopharm từ Trung Quốc, mặc dù người dân Seychelles cũng tiêm vaccine AstraZeneca.

Vaccine Covid-19 do Sinovac phát triển được sản xuất tại một nhà máy ở Bắc Kinh năm 2020. Ảnh: New York Times.

Biến thể Delta đang “thống trị” tại Quảng Châu chứng minh khả năng nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine tại nhiều quốc gia khác. Hiện tượng này gọi là khả năng lẩn tránh vaccine.

Đó là vấn đề mà những người mới tiêm một mũi vaccine - đối với loại vaccine phải tiêm đủ hai liều - phải đối mặt khi tiếp xúc với biến thể Delta, theo Raina MacIntyre - người đứng đầu chương trình An toàn Sinh học tại Viện Kirby của Đại học New South Wales ở Sydney, Australia.

Sau khi được tiêm đủ hai liều, hiệu quả dường như tăng lên 60% với vaccine AstraZeneca và 88% với Pfizer-BioNTech. “Với khả năng lẩn tránh vaccine của biến thể Delta, mọi người cần phải được tiêm chủng đầy đủ”, bà nói.

Chủ tịch Sinovac ngày 5/6 khẳng định mũi tiêm tăng cường sau khi đã tiêm đủ hai liều có thể tăng lượng kháng thể trong cơ thể lên đến gấp 10 lần trong vòng một tuần.

Tuy nhiên các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc vẫn chưa đưa ra khuyến nghị về liều lượng mũi thứ ba.

“Đối với Trung Quốc, trên thực tế, chúng tôi cần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là tiêm chủng đủ hai mũi vaccine cho toàn bộ người dân trước”, ông nói.

Trong khi đó, Quảng Châu cố gắng chuyển sự chú ý của công chúng sang công nghệ hiện đại.

Các quan chức sử dụng 31 xe tải và xe đưa đón không người lái để gửi thực phẩm và các nguồn cung cấp thiết yếu khác vào khu dân cư bị phong tỏa, nhằm tránh lây nhiễm chéo cho người giao hàng.

Giao hàng tại một khu vực phong tỏa ở Quảng Châu. Ảnh: New York Times.

Tính đến ngày 8/6, Quảng Đông ghi nhận 157 bệnh nhân mắc Covid-19 và trung bình có thêm 10 trường hợp mới mỗi ngày.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu cấm người dân rời khỏi khu vực này, trừ khi có lý do chính đáng, và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 tiếng trước đó.

Không giống như nhiều nơi trên thế giới, Quảng Châu ít nhất không phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung y tế thiết yếu trong đại dịch. Đây là trung tâm sản xuất và xuất khẩu thiết bị y tế.

Trong một cuộc họp báo ngày 9/6, Chen Jianhua - nhà kinh tế học của Cục Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Quảng Châu - cho biết năng lực sản xuất hàng ngày của thành phố ở mức 91 triệu khẩu trang và 7 triệu bộ xét nghiệm Covid-19.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-bung-lai-trung-quoc-nang-muc-phong-chong-nghiem-ngat-nhat-post1225441.html