Dịch bệnh thúc đẩy cuộc cách mạng đi xe đạp tại châu Âu

Mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều khu vực sản xuất và kinh doanh, đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy cho hoạt động đầu tư chưa từng thấy về đi lại bằng xe đạp trên khắp châu Âu.

Một phụ nữ đi xe đạp ở Paris. Ảnh: BBC

Một phụ nữ đi xe đạp ở Paris. Ảnh: BBC

Theo hãng tin BBC, hơn 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD) đã được chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến việc đi xe đạp và 2.300km làn đường xe đạp mới đã được triển khai từ khi COVID-19 bùng phát tại châu Âu. Như tại Milan - trung tâm công nghiệp ở miền Bắc nước Ý, giới chức đã mở 35km đường xe đạp mới, dù có nhiều đoạn trong đó chỉ dùng tạm thời. Milan cũng là một trong những thành phố châu Âu đầu tiên rót tiền đầu tư vào xe đạp như là một phương tiện giúp người dân lưu thông trở lại.

Ông Pierfrancesco Maran, Phó Thị trưởng Milan phụ trách mảng quy hoạch đô thị, mảng xanh và nông nghiệp cho biết: “Hầu hết những người đi xe đạp trước đây sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng bây giờ họ cần một giải pháp thay thế. Trước khi COVID-19 bùng phát, thành phố chỉ có 1.000 người đi xe đạp nhưng hiện nay tăng lên 7.000 người”. Bên cạnh đó, giới chức vùng còn chi 115 triệu euro để kích thích hoạt động đi xe đạp. Chính phủ cũng cam kết trợ cấp tới 500 euro cho những ai muốn mua xe đạp hoặc xe điện, nhằm khuyến khích người dân không dùng phương tiện công cộng hoặc xe hơi trong lúc dịch bệnh hoành hành.

Tương tự, Thủ đô Brussels của Bỉ cũng mở thêm 40km làn xe đạp, bên cạnh một số làn đường đông đúc nhất của thành phố. Hồi tháng 8, Bộ trưởng Giao thông Elke Van den Brandt còn viết thư ngỏ yêu cầu người dân tránh dùng các phương tiện công cộng. Tỷ lệ sử dụng xe đạp đã tăng 44% vào năm ngoái.

Cũng từ khi bùng phát dịch bệnh, Phó Thị trưởng Paris David Belliard đã thông báo về một sự chuyển đổi to lớn tại thủ đô nước Pháp với khoản đầu tư 20 triệu euro cho việc đi xe đạp và nhận xét điều này giống như “một cuộc cách mạng”. So với cùng thời điểm này năm ngoái, tỷ lệ sử dụng xe đạp tại Paris đã tăng 27%, một phần là nhờ cách tiếp cận sâu rộng của chính phủ xứ gà trống Gaulois, trong đó có việc trợ cấp 50 euro chi phí sửa chữa xe đạp.

“Bây giờ giống như thiên đường dành cho tôi vậy. Nó (xe đạp) thực sự trở nên quá phổ biến”- Rémy Dunoyer, một thợ sửa xe đạp ở trung tâm Paris, nói. Cửa hàng của Dunoyer vẫn mở cửa suốt giai đoạn phong tỏa, thậm chí còn thuê thêm người trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải sa thải bớt nhân viên. Ðược biết, trong nỗ lực thiết lập nền văn hóa đạp xe, giới chức Pháp đang mở các lớp dạy đi xe đạp miễn phí cho người dân có nhu cầu. “Bình thường, chúng tôi chỉ có khoảng 150 người lớn học đạp xe mỗi năm và hiện nay con số này dễ dàng tăng lên gấp đôi”- Joël Sick, một giáo viên dạy đi xe đạp tại Paris, tiết lộ.

Giống như Chính phủ Pháp, Chính phủ Anh hồi cuối tháng 7 đã phát hành 50.000 voucher trị giá 50 bảng cho người đi xe đạp sửa chữa phương tiện của họ. Ðây cũng là thời gian Thủ tướng Boris Johnson thông báo kế hoạch lên đến 2 tỉ bảng về một “cuộc cách mạng trong việc đi xe đạp và đi bộ”.

Trong khi đó, khác với các thành phố lớn tại châu Âu, Thủ đô Amsterdam của Hà Lan có sẵn cơ sở hạ tầng cho xe đạp từ trước khi xảy ra COVID-19. Thành phố này nổi tiếng có nhiều xe đạp hơn người dân, với 767km làn đường xe đạp. Nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động đi lại tại đây vẫn rất sâu rộng và vẫn tiếp diễn. Ðược biết, doanh số bán xe đạp dùng chở hàng đã tăng tới 53% kể từ khi dịch bệnh
bùng phát.

NGUYỆT CÁT

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dich-benh-thuc-day-cuo-c-cach-mang-di-xe-dap-tai-chau-au-a126027.html