Dịch bệnh thông tin

Con người vốn ham sống sợ chết. Đó là đặc trưng tâm lý thuộc bản năng sinh tồn của loài người và cũng là ước vọng chính đáng, bởi vì như cổ nhân từng đúc kết: 'Người ta là hoa đất'; 'Còn người là còn của'.

Tất nhiên, cần hiểu cái chết ở đây không vô nghĩa, bởi có những cái chết vì lý tưởng cao đẹp, vì đạo đức cộng đồng, vì những giá trị nhân văn cho số đông thì cái chết trở nên ý nghĩa và mãi được trân trọng, ghi danh.

Bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy mạnh mẽ trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Đại dịch Covid-19 đang lây lan, bùng phát trên toàn cầu khiến hầu hết mọi người phải tìm cách đối phó và thoát thân khỏi con virus SARS-CoV-2 tàng hình nhưng có sức đe dọa tính mạng, sự an toàn của con người đến mức khủng khiếp. Thế nên, những ngày này, hầu như đi đâu, ở chỗ nào, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bắt gặp nhan nhản những câu chuyện xung quanh con virus quái đản kia.

Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội (MXH), thông tin về dịch Covid-19 được cập nhật không phải từng phút mà từng giây. Có chuyên gia mạng đã tính toán, kể từ khi Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo là đại dịch, mỗi giây trên MXH xuất hiện hàng nghìn thông tin về dịch này. Con người đã tìm đến thông tin như tìm nước uống để giải tỏa cơn khát của mình. Thông tin càng mới lạ, càng khiến con người tò mò và nó được ví như một chất doping kích thích rất nhiều người, càng theo dõi thì càng sa vào ma trận thông tin thực-hư, thật-giả, đúng-sai, tốt-xấu, lợi-hại… không biết đâu mà lần.

Vì quá dễ dãi chia sẻ, kích hoạt, lan truyền thông tin về dịch bệnh trên MXH khiến một bộ phận không nhỏ người dân ở các quốc gia rơi vào tình trạng hoảng loạn, rối trí chỉ vì bị nhiễu thông tin về Covid-19. Mới đây, WHO đã đưa ra khái niệm “infodemic”, nghĩa là “dịch bệnh thông tin” ("infodemic" là từ ghép của “information”-thông tin và “epidemic”-dịch bệnh). Khái niệm “dịch bệnh thông tin” được lý giải là tình trạng quá dư thừa thông tin, bao gồm cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác, khiến mọi người rất khó tìm ra nguồn tin đáng tin cậy khi họ cần.

Có câu châm ngôn đại ý: Con người là tác giả của lịch sử, đồng thời là nỗi đau của chính mình. Trong khi cả nhân loại đang căng sức gồng mình để chống chọi với đại dịch Covid-19 thì không ít người do ngộ nhận, do thiếu hiểu biết, do vô tâm, do mơ hồ, do a dua, do thiếu đạo đức, do vô trách nhiệm nên đã tùy tiện tạo dựng, chia sẻ, lan truyền đủ thứ thông tin “thượng vàng hạ cám” về dịch bệnh khiến môi trường thông tin bị bội thực và nhiều người bị “ngộ độc thông tin” mà không hề hay biết. Khi trong tay sở hữu một thiết bị có kết nối internet (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng…) mà người ta thiếu ý thức, thiếu cẩn thận hay tự ảo tưởng về “quyền lực bàn phím” của mình thì có thể trở thành người tạo ra mầm mống tán phát, lây truyền “dịch bệnh thông tin” lợi bất cập hại.

Nếu như nhiều loại dịch bệnh có thể làm suy giảm, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng con người thì “dịch bệnh thông tin” tuy không là “lưỡi hái tử thần” nhưng dễ biến thành con “ngoáo ộp” có thể hù dọa, quấy nhiễu, làm rối loạn đời sống tâm lý, tinh thần xã hội và gây bất an lòng người. Đây chính là mầm mống của nguy cơ khủng hoảng thông tin, khủng hoảng truyền thông rồi dẫn tới trạng thái khủng hoảng niềm tin xã hội mà chúng ta không bao giờ được phép xem nhẹ, làm ngơ.

“Dịch bệnh thông tin” là “quái thai” của MXH và chính là mặt trái của thời đại “thế giới phẳng”. Trong khi các quốc gia, các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan đang “vò đầu bứt tai” tìm ra phương thuốc đặc trị nhằm thanh toán dịch bệnh này thì mỗi người rất nên/cần phải tăng cường rèn luyện, bồi đắp tâm thế, bản lĩnh, trí tuệ để đủ sức đề kháng, đủ minh mẫn, đủ lý trí vững vàng nhằm phòng ngừa và không bị cuốn theo cũng như chịu những ảnh hưởng, hệ lụy, tác hại tiêu cực từ “dịch bệnh thông tin”.

Và một trong những cách thiết thực nhằm phòng ngừa, tránh xa “dịch bệnh thông tin” trong thời điểm này là mỗi người nên lắng nghe lời khuyên của người đứng đầu WHO, đó là hãy giữ sức khỏe tinh thần lành mạnh bằng cách tăng cường nghe nhạc, đọc sách, tham gia những trò chơi thú vị và đừng cố đọc/xem quá nhiều tin tức về dịch bệnh nếu nó làm mình lo lắng.

NGÔ DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dich-benh-thong-tin-613423