Dịch bệnh thời gian tới còn nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng chống dịch bệnh, công tác phòng chống phải đặt lên hàng đầu. Song song với đó phải làm tốt công tác tiêm chủng.

 Các gia đình phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng

Các gia đình phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, do Bộ Y tế tổ chức sáng 11/6 với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Bộ trưởng Tiến nêu rõ: “Tại một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế”.

Cũng theo bà Tiến, thời gian này thời tiết nóng bất thường và mưa nhiều, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan gia tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta, các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể ghi nhận số mắc gia tăng do các nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động…

Để làm được điều này, Bộ trưởng Tiến yêu cầu cần phải truyền thông chủ động phòng bệnh, an toàn tiêm chủng và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song song với đó, cần phải quan tâm đến công tác phòng chống dịch và tiêm chủng.

“Toàn ngành y tế phải đặc biệt quan tâm đến công tác điều trị, nhất là việc dự phòng, an toàn ở các bệnh viện, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần sàng lọc phân loại, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị... để giảm quá tải, tránh nhẹ hóa nặng, không để quá tải gây hoang mang dư luận” - bà Tiến nói.

Ngoài ra, ngành y tế cần phải đổi mới toàn diện, khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất và tình trạng nhếch nhác ở các bệnh viện, thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng, thiết kế phòng đợi bệnh nhân ở tuyến xã rộng thoáng, có phương tiện truyền thông ở đầu cuối...

Cũng tại hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế cần sự chung tay của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là của mỗi người dân trong cộng đồng.

Đặc biệt, các gia đình phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của các cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dich-benh-thoi-gian-toi-con-nhieu-tiem-an-dien-bien-phuc-tap-164581.html