Dịch bệnh mở ra cơ hội cho ngành thương mại điện tử Trung Quốc

Trong hai thập kỷ qua, sự nhạy bén trong kinh doanh của Sun Laichun đã giúp đỡ anh rất nhiều, tuy nhiên dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát đã phá hỏng rất nhiều dự án kinh doanh của Sun.

Người đàn ông 46 tuổi này là chủ sở hữu và giám đốc điều hành của Forest Cabin Cosmetics, một thương hiệu chăm sóc da và làm đẹp Trung Quốc với hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, gần một nửa chuỗi cửa hàng của Sun đã phải đóng cửa trong dịp Tết năm nay. Những cửa hàng còn lại dù có mở nhưng cũng chẳng có khách tới, khiến Sun gần như phá sản.

Đây không phải lần đầu dịch bệnh trở thành vật cản cho các dự án kinh doanh của anh, vào năm 2003 khi dịch SARS bùng phát toàn châu Á, các đối tác Malaysia của Sun đã rút vốn khỏi công ty do không còn niềm tin vào thị trường Trung Quốc hậu dịch bệnh.

"Tết luôn là thời điểm bận rộn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho chúng tôi, khi các công ty thương mại điện tử lớn ngừng dịch vụ giao hàng còn người tiêu dùng có cả thời gian và tiền bạc để đi mua sắm", Sun nói. "Nhưng năm nay, mỗi sáng mở mắt ra là tôi đã mất 1 triệu nhân dân tệ. Dòng tiền của tôi sẽ cạn kiệt sớm. Đến tháng 3, tôi có thể bị phá sản".

Hai người đàn ông bị câm điếc livestream bán hàng ở thị trấn Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: Weibo

Hai người đàn ông bị câm điếc livestream bán hàng ở thị trấn Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: Weibo

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn chưa dừng lại, doanh số của Forest Cabin đã giảm 90% vào cuối tháng 1. Gần như mất trắng, Sun đã thử đăng nhập vào một nền tảng phát trực tiếp, bật webcam của mình và tiếp thị các sản phẩm.

Livestream đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp giải trí bùng nổ Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng gần đây nó mới được thương mại hóa, các nhãn hàng không tiếc tiền thuê những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng trên mạng để tiếp thị cho sản phẩm của họ.

Ngành công nghiệp livestream thương mại Trung Quốc đạt 433,8 tỷ nhân dân tệ trong năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính Zhongtai Securities, số người trung bình điều chỉnh để phát trực tiếp trên trang thương mại điện tử Alibaba đã tăng 43% trong khoảng thời gian người dân Trung Quốc đang tự cách ly trong nhà.

Sun không hề xa lạ gì với khái niệm này. Trước đây, ông đã từng hợp tác với cái tên được cho là lớn nhất trong ngành kinh doanh - "hoàng tử son môi" Li Jiaqi, trong một số sự kiện mua sắm trực tuyến năm ngoái. Kỹ năng bán hàng của Li đã khiến Sun há hốc mồm theo đúng nghĩa đen. "Chúng tôi đưa ra 70.000 bộ mỹ phẩm và anh ta đã bán sách chỉ trong 7 giây".

Tuy nhiên, bất chấp màn trình diễn ấn tượng của Li về sức mạnh của livestream thương mại, Sun vẫn coi trọng kiểu kinh doanh truyền thống. Đối với ông, việc trực tiếp gặp mặt khách hàng và tự tay chăm sóc họ là không thể thay thế.

Bị mắc kẹt tại nhà, không ít chủ doanh nghiệp chọn cách livestream để bán hàng.

"Giấc mơ của tôi là thành lập một thương hiệu cổ điển, hoài cổ và tôi hy vọng các cửa hàng của mình sẽ có hàng thế kỷ giống như các cửa hàng thủ công lịch sử ở Nhật Bản", Sun nói.

Cho đến năm 2017, Sun cuối cùng đã chịu thua trước cám dỗ công nghệ và đưa doanh nghiệp của mình lên mạng. Kể từ đó, doanh số bán hàng kỹ thuật số đã chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số của công ty ông.

"Mọi người đều biết livestream là một xu hướng thương mại điện tử mới nổi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ đặt nó lên hàng đầu", theo ông Sun. "Dịch vụ đã thúc đẩy chúng tôi nắm lấy kênh sáng tạo này".

Sun chọn ra khoảng 470 nhân viên của mình để bắt đầu dự án kinh doanh mới trên mạng. Khởi đầu là hết sức khó khăn bởi hầu hết những người này có rất ít kinh nghiệm livestream và không thu hút được người xem.

Zhang Juanjuan, 30 tuổi, cho biết chỉ có 13 người theo dõi buổi livestream của mình, điều này khiến cô không khỏi cảm thấy khó chịu. "Những người theo dõi đã bao gồm cả bố mẹ tôi, anh em họ và bạn bè của tô", Zhang chia sẻ.

Hai tháng trước, Zhang là cố vấn sắc đẹp tại một cửa hàng Forest Cabin mới khai trương ở Gia Định, một khu dân cư yên tĩnh ở ngoại ô Thượng Hải. Trước khi tìm được những khách hàng thân thiết, những người có thể đảm bảo việc làm của cô ổn định, dịch bệnh đã tấn công thành phố, khiến những khách hàng tiềm năng cất tiền trong nhà. Bị mắc kẹt tại nhà, Zhang cho rằng livestream có thể là cách duy nhất để thu hút khách và đáp ứng mục tiêu bán hàng của cô.

"Một trong những đồng nghiệp của tôi đã bán thành công các sản phẩm trị giá khoảng 10.000 nhân dân tệ trong vài ngày, gần bằng một nửa số tiền tôi đã bán được trong suốt tháng 1. Vì vậy, bất cứ khi nào có thêm một người xuất hiện để xem tôi livestream, tôi cảm thấy phấn khích và tự tin hơn. Càng ngày tôi càng kiên trì, số lượng người xem tăng lên chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều đơn hàng hơn", Zhang nói.

Forest Cabin chỉ là một trong hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh năm nay. Chuỗi cửa hàng bách hóa Intime đã yêu cầu khoảng 50.000 nhân viên ở nhà trong và sau Tết Nguyên đán và khuyến khích gần 1.000 cố vấn sắc đẹp thử sức mình trong việc livestream cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

Theo báo cáo từ nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh Van Sound Club, khoảng một nửa trung tâm mua sắm Trung Quốc đã đóng cửa và gần như tất cả những địa điểm còn lại đã điều chỉnh giờ hoạt động. Zhu Min, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, gần đây ước tính rằng mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ giảm 1,38 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 1 và tháng 2.

"Nếu trận dịch kéo dài trong ba tháng, chỉ có một vài công ty có thể sống sót", theo ông Ding Liye, phó chủ tịch cấp cao của Vanke, tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này. "Đặc biệt là đối với tài sản thương mại. Họ phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về khách hàng, giảm tiền thuê từ các nhà bán lẻ và đối mặt với áp lực trả nợ".

Nhiều nhà phát triển bất động sản đã thiết lập các chính sách đặc biệt để giảm phí cho thuê cũng như quản lý tài sản mà người thuê của họ phải trả. Vào ngày 28/1, Wanda, công ty sở hữu hơn 300 trung tâm mua sắm trên cả nước, đã tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các khoản phí kể trên trong một tháng bắt đầu từ ngày 24/1, với chi phí ước tính hơn 3 tỷ nhân dân tệ.

Ngay cả những nỗ lực to lớn như vậy cũng chưa thể làm giảm bớt sự căng thẳng của dịch bệnh. Khi nhiều ngành công nghiệp tìm kiếm cơ hội trực tuyến, thì các "ông lớn" kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc cũng không ngần ngại giúp đỡ các doang nghiệp truyền thống.

Taobao, JD.com, Douyin, Kuaishou, WeChat và Suning đều đã hạ thấp các yêu cầu đối với những đơn vị muốn bán hàng trực tuyến. Bên cạnh các cố vấn sắc đẹp trên nền tảng đám mây, giờ đây còn có đại lý bất động sản trên nền tảng đám mây, đầu bếp trên nền tảng đám mây, các chương trình thực tế trên nền tảng đám mây.

Xiaolongkan, một chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng, chỉ giữ 57 trong số 800 cửa hàng của mình mở trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - khi công ty dự kiến sẽ kiếm được 15% doanh thu cho cả năm. "Nhiều cửa hàng đã chuẩn bị trước khá nhiều nguyên liệu và thực phẩm, nhưng bây giờ họ phải đưa ra giải pháp để xử lý đống nguyên liệu thừa", ông Bai Jie, người làm việc trong bộ phận thương mại điện tử của Xiaolongkan đã nảy ra ý tưởng về đầu bếp đám mây.

Vào ngày 16/2, một đầu bếp Xiaolongkan đã lần đầu tiên livestream nấu ăn, dạy người xem cách thưởng thức một món lẩu ngon với gia đình ở nhà trong khi bán gia vị lẩu và nồi lẩu tự động. Trong 10 phút, đầu bếp đã bán được hơn 10.000 nồi lẩu tự sưởi ấm.

"Livestream đã giúp đỡ công ty chúng tôi rất nhiều để xử lý đống thực phẩm và giảm bớt chi phí", ông Bai nói.

Đối với "gã khổng lồ" thương mại trực tuyến như Alibaba, dịch bệnh đã đẩy nhanh việc sáp nhập kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến. "Khái niệm của đầu bếp đám mây là để làm cho công chúng chú ý đến nỗ lực tồn tại của các nhà hàng và công ty", một nhân viên Alibaba đã giúp lập kế hoạch cho chiến dịch đầu bếp đám mây, cho biết.

Vào ngày lễ tình nhân năm nay, ông Sun đã quyết định trở thành một streamer bán hàng. Mặc một chiếc áo sơ mi trắng và chọn cho mình một cặp kính, ông đã bán hàng trong khoảng hai tiếng rưỡi trên Taobao chỉ bằng một chiếc điện thoại. "Tôi nhớ có một bình luận thế này: 'Nhìn kìa, ông chủ cũng phải livestream để bán hàng cơ đấy. Ông nên bỏ cuộc và phá sản đi", ông Sun nhớ lại.

Bỏ qua các lời bình luận tiêu cực, Sun đã tìm được niềm vui cho mình: Trong lần livestream đầu tiên, ông đã thu về 400.000 nhân dân tệ tiền bán hàng.

"Thật ra, từ bỏ rất dễ dàng. Tôi đã kiếm đủ tiền cho đến hết đời. Tôi có thể chọn cách sa thải nhân viên của mình và ngừng điều hành doanh nghiệp, nhưng tôi muốn chiến đấu chống lại dịch bệnh và tôi hy vọng mình có thể sống sót", người đàn ông khẳng định.

Bắc Hiệp

Theo Sixth Tone

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/dich-benh-mo-ra-co-hoi-cho-nganh-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-166606.html