Dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm vận tải hành khách từ 50-80%

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) đã khiến vận tải hành khách và hàng hóa tại Hà Nội sụt giảm nghiêm trọng.

Các bến xe Hà Nội đều sụt giảm hành khách nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh COVID. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các bến xe Hà Nội đều sụt giảm hành khách nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh COVID. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sản lượng hành khách vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) tính trong tháng Hai vừa qua đã sụt giảm mạnh nghiêm trọng.

Cụ thể, đối với vận tải hành khách liên tỉnh, khách đi xe giảm từ 40-50%, trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%; bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%.

Riêng vận tải bằng xe taxi giảm từ 50-60%; vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70-80% do không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội Xuân không tổ chức..., chủ yếu vận chuyển công nhân, khách du lịch phương Tây; vận tải hàng hóa giảm 30% so với cùng kỳ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, các đơn vị vận tải đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); tìm đối tác, thị trường mới, qua đó tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải…

Cơ quan quản lý Nhà nước xem xét các giải pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí cầu đường; giãn, hoãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, ... để giảm bớt gáng nặng cho doanh nghiệp vận tải; có kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát triển hoạt động giao thông vận tải an toàn và bền vững khi hết dịch.

Các đơn vị vận tải cũng đề nghị cho phép được chủ động cắt giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 “thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt” sẽ bị thu hồi phù hiệu.

Thực tế, để phòng chống dịch bệnh, các bến xe, đơn vị quản lý bến xe, điểm trung chuyển hành khách, nhà chờ xe buýt đã thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với đơn vị Y tế triển khai phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn... tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Các bến xe tăng cường công tác tuyên truyền đến các nhà xe, lái, phụ xe, nhân viên phục vụ và hành khách về việc phòng chống dịch bệnh; có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho lái xe, phụ xe và nhân viên nhà xe (như trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt trùng...) theo hướng dẫn của ngành y tế; thường xuyên duy trì đảm bảo vệ sinh phương tiện vận tải sạch sẽ (rửa xe, lau chùi, phun thuốc khử trùng...).

Bên cạnh đó, đơn vị vận tải quán triệt đến từng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chủ động phát hiện những người có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, ho... để kịp thời có biện pháp cách ly, quản lý và thông báo ngay cho lực lượng y tế cơ động để có biện pháp ứng phó hiệu quả; tuyệt đối không được phép hoặc cho phép hành khách vận chuyển các loài động vật hoang dã, động vật sống.

Các đơn vị vận tải khuyến cáo hành khách sử dụng các biện pháp phòng tránh theo hướng dẫn của cơ quan y tế như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, ăn thực phẩm chín, không khạc nhổ bừa bãi.../.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-benh-covid19-lam-sut-giam-van-tai-hanh-khach-tu-5080/626643.vnp