Dịch bệnh Covid-19 có làm tan rã Liên minh châu Âu (EU)?

Đại dịch Covid-19 khiến Liên minh châu Âu bộc lộ rất nhiều điểm yếu và có nguy cơ tan rã. Một Italy lúc lâm nguy đã không trông cậy được vào khối này.

Đại dịch Covid-19 khiến Liên minh châu Âu bộc lộ rất nhiều điểm yếu và có nguy cơ tan rã. Một Italy lúc lâm nguy đã không trông cậy được vào khối này.

Đại dịch Covid-19 khiến Liên minh châu Âu bộc lộ rất nhiều điểm yếu và có nguy cơ tan rã. Một Italy lúc lâm nguy đã không trông cậy được vào khối này.

C

hỉ vài tuần sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội ở Trung Quốc, nay đến lượt châu Âu rơi vào tình thế này. Đại dịch đã xâm nhập cả Italy và Tây Ban Nha. Các quốc gia khác tại châu Âu nơm nớp chờ đợi, hy vọng đà lây lan của bệnh sẽ chậm lại. Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) đã và đang giết chết nhiều người châu Âu. Và virus này đang giết không chỉ con người châu Âu cụ thể mà còn có khả năng giết chết cả mô hình Liên minh châu Âu, đẩy khối này tới bờ tan rã.

Italy lâm nguy và lời kêu gào thống thiết

Trên tinh thần đoàn kết, Italy đã nhờ cậy các hàng xóm trợ giúp trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 vượt quá khả năng, nguồn lực y tế của Italy. Thiếu giường bệnh cho việc điều trị cấp cứu, các bác sĩ Italy nhận được lệnh phải phải “tập trung nguồn lực cho những bệnh nhân có cơ hội thành công trong điều trị”, tức là những người yếu sẽ có thể bị bỏ mặc đến chết trong bất lực.

Điều đáng nói là điều này xảy ra trên một châu lục phát triển, hiện đại, đã công nghiệp hóa và được tiếng là tự do. Rome đã khẩn thiết kêu gọi các láng giềng cũng đã gia nhập Liên minh châu Âu, kể cả những nước có kinh tế mạnh. Nhưng than ôi, người Italy chỉ thấy các số điện thoại của hàng xóm báo bận. Chẳng ai nhận lời giúp đỡ cả. Áo đóng cửa biên giới với Italy. Đức cấm xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế (trong đó có khẩu trang). Công ty 3M viện dẫn lệnh cấm để giải thích việc họ không thể cung cấp hàng theo yêu cầu của Italy. (Chỉ khi EU ra sức ép, Đức mới bán cho Italy 1 triệu khẩu trang).

Cuối cùng Italy đã nhận được sự trợ giúp chủ động, nhưng lại là từ phương trời xa – Trung Quốc, đất nước đã gửi 1 máy bay chở 31 tấn hàng cùng các y bác sĩ tới giúp đỡ Italy.

Italy đã từ lâu là một trong các đất nước ốm yếu về kinh tế của châu Âu. Mặc dầu Hy Lạp được công luận chú ý hơn, mối đe dọa từ Italy được đánh giá là lớn hơn. Nền kinh tế của Italy có năng suất và hiệu quả thấp. Vì Italy là nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Âu, với GDP thậm chí lớn hơn của nước Nga, nên Italy nằm ngoài khả năng cứu trợ của EU.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu không muốn trợ cấp cho điều mà họ coi là lối sống hoang phí ở Italy.

Cây viết Tony Barber của tờ Financial Times nhận xét: “Trong số 19 nước thành viên của khối Eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu), Italy nổi bật lên với tư cách là nước chưa bao giờ phục hồi đầy đủ sau các cuộc khủng hoảng ngân hàng và nợ quốc gia càn quét khối này sau năm 2000. Ngành sản xuất của Italy co ngót lại 1/4. Nhiều ngân hàng - chồng chất nợ chính phủ, vẫn mong manh”. Đại dịch Covid-19 hiện nay càng có khả năng dồn nền kinh tế Italy vào chân tường.

Italy đã hứng chịu khủng hoảng Eurozone, khủng hoảng người nhập cư 2015-2016, và giờ đây là khủng hoảng virus corona chủng mới (gây bệnh Covid-19).

Một EU chia rẽ và cách ly hơn bao giờ hết

Thay vì mềm lòng trước các tuyên bố của Rome, người châu Âu càng siết chặt cách ly với không chỉ người Italy mà cả người các nước khác. Cộng hòa Séc, Ba Lan, và Slovakia đã đóng cửa biên giới với các nước xung quanh. Đan Mạch cấm xuất cảnh đối với những ai không có mục đích thiết yếu. Áo ngừng các chuyến bay không chỉ với Italy mà còn cả với Pháp, Tây Ban Nha, và Thụy Sĩ. Croatia đang xét nghiệm một số vị khách trong khi yêu cầu những người khác, đến từ Italy và nơi khác, hãy tuân thủ sự cách ly chính thức của chính phủ trong 14 ngày.

Síp làm điều tương tự với công dân Italy khi cho công dân một số quốc gia châu Âu khác tự cách ly có giám sát. Estonia hướng dẫn cư dân đến từ Italy và 7 nước châu Âu khác tự cách ly trong 2 tuần.

Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu) đã ngừng tiếp nhận phần lớn người đến từ Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg, và Thụy Sĩ. Hungary từ chối tiếp nhận người Italy và công dân của những nước khác ghi nhận những ca nhiễm bệnh nặng. Malta yêu cầu du khách tự cách ly trong 14 ngày và cấm cửa đối với công dân của Italy, cũng như của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Thụy Sĩ.

Na Uy thì đóng cửa biên giới với tất cả, trừ đối với các công dân láng giềng của vùng Scandinavia.

Bồ Đào Nha hạn chế dòng người từ Tây Ban Nha sang. Ukraine cấm tất cả các du khách nước ngoài.

Các hạn chế nữa có thể sẽ còn được tung ra khi mà mỗi đất nước châu Âu đều đặt dân tộc mình lên trước.

Chủ nghĩa dân tộc EU quá yếu ớt?

Tất cả những điều này đều đã được dự đoán trước. EU ra đời với tư cách là một công cụ hạn chế giúp kết hợp nền kinh tế của Đức và Pháp. Sau đó nó trở thành một “thị trường chung”, và mở rộng thành một khu vực thương mại tự do.

Tất nhiên đã có những biện pháp hợp tác không xâm phạm lên chủ quyền mỗi quốc gia. Tuy nhiên, EU đang đứng trước áp lực phải tạo ra một phiên bản tương tự như “Hợp chủng quốc châu Âu” – một quốc gia dân tộc mới để cạnh tranh với Hợp chủng quốc châu Mỹ (tức Hoa Kỳ).

Nhưng lại có những trở ngại.

Tổng thống Séc Vaclav Klaus và nhiều người khác nữa đã cảnh báo về sự thiếu hụt dân chủ trong EU. Khi một bản hiến pháp EU được đưa cho các cử tri Hà Lan và Pháp, họ đã bác liền. Và thế là những người ủng hộ EU đã quay trở lại với một hiệp ước chỉ đòi hỏi sự phê chuẩn của các cử tri ở Ireland nhưng vẫn bị người dân Ireland bác nốt.

Bản đồ cập nhật mới (đến ngày 19/3/2020) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình dịch Covid-19. Có thể thấy khu vực EU (Liên minh châu Âu) đang là tâm dịch lớn của thế giới. Nguồn: WHO.

EU tiếp tục muốn bỏ phiếu lần nữa, và lần này giải pháp của họ được thông qua. Ít người châu Âu bỏ phiếu cho các nghị sĩ của Quốc hội châu Âu dựa trên các vấn đề tầm châu Âu – đa phần bỏ phiếu xuất phát từ những gì mà các nghị sĩ này thể hiện ở nước họ.

Ngoại trừ một số công dân mất gốc đang sống ở Brussels (nơi đặt trụ sở EU), gần như không có người châu Âu nào tự xem mình là người EU. Không ai chào cờ EU, không ai hát quốc ca EU. Cũng không ai cổ vũ cho đội bóng đá EU.

Và giờ đây như ai cũng thấy, không ai bày tỏ tình đoàn kết với các nước láng giềng khi họ đối mặt với khủng hoảng Covid-19.

Italy hiện nay thực sự rất cô đơn. Cũng như mỗi quốc gia thành viên khác của EU.

Tổng thống Pháp Macron đã làm việc bền bỉ để xây dựng sự ủng hộ dành cho một EU mạnh mẽ hơn với các quyền ngân sách độc lập nhưng đã vấp phải sự chỉ trích từ Đức và các quốc gia khác.

Việc Anh rời EU được kỳ vọng giúp cho kế hoạch của Macron suôn sẻ hơn nhưng hóa ra hầu hết các nước châu Âu vẫn muốn có quyết định của riêng mình. Mặc dù trước mắt ít có khả năng sẽ có một nước nữa tách khỏi EU, khối này ít nhận được hỗ trợ trong việc mở rộng quyền lực. Đã vậy, ông Macron còn làm chậm quá trình gia nhập của các nước Balkan.

Tình hình Covid-19 nghiêm trọng ở Italy và Tây Ban Nha. Video: Arirang.

Cơn tức giận trước phản ứng thờ ơ với lời kêu gọi của Italy có thể sẽ tiếp tục vượt qua ngoài cuộc khủng hoảng y tế này. Có thể EU sẽ hứng chịu tiếp một cuộc khủng hoảng tài chính. Italy đã suy yếu; chi phí cho điều trị hàng ngàn bệnh nhân Italy cùng tổn thất từ việc đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh có thể phá nát nền kinh tế của quốc gia Địa Trung Hải này.

Trong tình trạng bí bách, Rome có thể yêu cầu trợ giúp từ quỹ giải cứu eurozone của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, khi đó bên giúp đỡ sẽ phải chi ra hàng trăm tỷ euro – điều rất khó nhận được cái gật đầu của các chính quyền châu Âu khác.

Đức, Anh, Pháp là 3 nền kinh tế lớn nhất của EU nhưng đang hứng chịu nặng nề đòn tấn công của Covid-19. Các quốc gia nhỏ hơn cũng gặp khó khăn về kinh tế.

Trong khi đó, các chính phủ ở Áo, Hungary, Ba Lan, và một số nơi khác thì chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và sẽ không dễ dàng chìa tay giúp đỡ.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 này sẽ để lại nhiều hậu quả không mong muốn, trong đó có sự suy yếu của khối EU ở cấp trung ương. Mỗi thành viên EU giờ không còn có thể trông cậy nhiều vào khối này khi rơi vào hoạn nạn./.

Lược dịch từ National Interest: Trung Hiếu | Đồ họa: Quang Huy
Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dich-benh-covid19-co-lam-tan-ra-lien-minh-chau-au-eu-1023724.vov