Chưa tính tiền chậm nộp nếu số thuế tạm nộp 3 quý chưa đủ 75%

Thời điểm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021 đã và đang diễn ra, trong khi diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước vẫn khá phức tạp. Để đảm bảo quyền lợi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện quyết toán thuế năm 2021, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) xung quanh việc quyết toán thuế TNDN năm 2021.

PV:Ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH. Xin bà chia sẻ cụ thể về điều kiện được giảm 30% thuế TNDN phải nộp và cách xác định doanh thu tính thuế làm cơ sở xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng giảm thuế TNDN hay không?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Nghị định 92 có các nội dung quy định cách xác định doanh thu tính thuế làm cơ sở xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng giảm thuế TNDN hay không, đó là:

Bà Lê Thị Duyên Hải

Điểm thứ nhất, doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của pháp luật thuế TNDN, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Quy định này nhằm hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn, mở rộng hơn các trường hợp được hưởng chính sách giảm thuế, do đã loại trừ ra khỏi doanh thu xem xét điều kiện giảm thuế các khoản giảm trừ hay các doanh thu bất thường trong kỳ.

Điểm thứ hai, đối với các doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN hoạt động không đủ 12 tháng: doanh thu được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp mà doanh thu thực tế không tương ứng với thời gian 12 tháng của một năm.

Điểm thứ ba, doanh nghiệp có kỳ tính thuế năm đầu tiên là năm 2020, hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng là năm 2022 mà có thời gian ngắn hơn 3 tháng và doanh nghiệp được cộng vào kỳ tính thuế năm 2021, khi đó thì doanh nghiệp sẽ hình thành một kỳ tính thuế TNDN năm 2021 lớn hơn 12 tháng. Trong trường hợp này, doanh thu và số thuế được giảm chỉ áp dụng đối với 12 tháng của kỳ tính thuế năm 2021. Như vậy thì doanh nghiệp cần theo dõi và tính chính xác doanh thu và thu nhập của 12 tháng của kỳ tính thuế 2021 để xác định số thuế được giảm.

Doanh nghiệp có chi phí liên quan đến chống dịch được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: NM

Điểm cuối cùng, nếu doanh nghiệp có chi nhánh, địa điểm kinh doanh, thì doanh thu tính thuế để xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng giảm thuế phải bao gồm toàn bộ doanh thu của các đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

PV: Xin hỏi, với doanh nghiệp thành lập trong năm 2019 mà hoạt động thực tế không đủ 12 tháng thì doanh thu năm 2019 được xác định thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Để xem mình có thuộc trường hợp được giảm thuế hay không, doanh nghiệp sẽ quy đổi doanh thu năm 2019 bằng cách lấy doanh thu thực tế của doanh nghiệp chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động và nhân với 12 tháng, sau đó so sánh doanh thu này với doanh thu năm 2021. Nếu doanh thu năm 2021 thấp hơn, đồng thời dưới 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp được giảm 30% số thuế phải nộp.

Chi ủng hộ, tài trợ chống dịch được tính vào chi phí được trừ

Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tính vào chi phí được trừ trong kỳ tính thuế năm 2020, 2021 đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định tại Nghị định.

PV: Tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế TNDN theo quý, theo đó tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Xin bà cho biết, quy định này có áp dụng ngay với kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2021 không? Và với quy định này thì Tổng cục Thuế có hướng sửa đổi chính sách như thế nào?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Trong thời gian thực hiện Nghị định số 126 năm 2020, chúng tôi cũng đã ghi nhận các ý kiến đề nghị xem xét lại quy định này. Hiện nay, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, đại diện một số doanh nghiệp và đang hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Chính phủ sửa quy định này theo hướng “tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 4 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm”. Trước mắt chưa tính tiền chậm nộp số thuế tạm nộp 3 quý chưa đủ 75%, đồng thời Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng quy định này từ kỳ tính thuế năm 2021 để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định tại Nghị định 126.

Trường hợp các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ việc tạm nộp thuế 3 quý theo quy định tại Nghị định 126 thì chúng tôi cũng sẽ báo cáo Chính phủ không thực hiện điều chỉnh lại đối với các doanh nghiệp này nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chua-tinh-tien-cham-nop-neu-so-thue-tam-nop-3-quy-chua-du-75-102939.html