Địa phương chủ động bố trí kinh phí cho phổ biến giáo dục pháp luật

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Trong đó, Bộ đã báo cáo về nội dung đề xuất hướng dẫn hoặc có chủ trương về việc áp dụng thống nhất quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện một số hoạt động PBGDPL trọng tâm, trọng điểm”.

Theo Bộ Tài chính, khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP đã quy định về nguyên tắc ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho các địa phương. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo đó định mức phân bổ chi thường xuyên cho ngân sách địa phương theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg đã bao gồm toàn bộ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành đến ngày 31-5-2016.

Triển khai Luật PBGPDL, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực cho nhiệm vụ PBGDPL. Ảnh minh họa

Triển khai Luật PBGPDL, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực cho nhiệm vụ PBGDPL. Ảnh minh họa

Mặt khác nhiệm vụ PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tại Thông tư của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán hàng năm đã quy định các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ dự toán ngân sách được giao, chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác PBGDPL.

Trước đó, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp quy định rõ kinh phí của công tác PBGDPL trong trường hợp nếu địa phương không bố trí được thì Trung ương cấp. Bởi trên thực tế địa phương thường chờ Trung ương, hoặc đợi cuối năm cân đối tài chính, nếu còn mới cấp kinh phí cho công tác PBGDPL nên gây khó khăn cho quá trình triển khai, thực hiện.

Trả lời kiến nghị của địa phương, Bộ Tư pháp cho biết: Luật PBGDPL Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL, trong đó có các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Đồng thời tại Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của các Đề án. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình này theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do Luật Ngân sách Nhà nước quy định về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách đã xác định nguyên tắc: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015). Ngoài ra, Thông tư số 132/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng đã quy định cụ thể: “Căn cứ dự toán chi ngân sách được giao năm 2018, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác PBGDPL theo Luật PBGDPL; công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở” (tại điểm b khoản 2 Điều 3).

Vì vậy Bộ Tư pháp cũng đã hướng dẫn các địa phương, trong quá trình tham mưu lập dự toán ngân sách bố trí cho công tác PBGDPL của năm sau (tháng 6, 7 của năm trước liền kề), cần chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện công tác này; gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Tài chính phân bổ ngân sách hàng năm. Đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dia-phuong-chu-dong-bo-tri-kinh-phi-cho-pho-bien-giao-duc-phap-luat-152726.html