Địa phương chọn sách giáo khoa: Khó khách quan, công bằng

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, cần xem lại việc cơ quan quản lý nhà nước vừa tổ chức biên soạn sách giáo khoa (SGK), vừa tham mưu cho UBND cấp tỉnh chọn SGK. Như vậy, sẽ khó đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc lựa chọn SGK sắp tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, trong danh mục 32 cuốn SGK lớp 1 do Bộ GDĐT công bố mới đây, không có cuốn sách nào do Bộ GDĐT biên soạn mà 5 bộ sách này do 3 NXB biên soạn. Về lý do của việc không thể thực hiện việc biên soạn, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết là do không tuyển chọn được tác giả biên soạn. Cụ thể, hầu hết các tác giả có khả năng viết SGK đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo Chương trình GDPT tổng thể được công bố để xin ý kiến. Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Bộ GDĐT.

Tại buổi họp báo công bố danh mục SGK mới đây, đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định việc Bộ GDĐT không thực hiện được việc biên soạn SGK, cũng không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xã hội hóa việc biên soạn cũng như sự phong phú của các bộ sách. “Bộ cũng không chọn bộ SGK nào trở thành bộ sách thay thế bộ sách Bộ GDĐT biên soạn theo Nghị quyết 88. Tất cả các bộ SGK đã được Bộ thẩm định đều có giá trị như nhau và các địa phương được quyền chủ động lựa chọn sách phù hợp với địa phương mình”- đại diện Bộ GDĐT cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn dù Bộ GDĐT không trực tiếp biên soạn SGK nhưng một số cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương lại tham gia biên soạn SGK thì liệu có đảm bảo công bằng, khách quan? Liệu có xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Tác giả viết sách không được vào hội đồng chọn sách

Theo quy định, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Các quy định cụ thể sẽ được đề cập tại Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làm sao để ngăn chặn được lợi ích nhóm trong việc chọn sách, để các cuốn sách được chọn là bởi phù hợp với địa phương đó chứ không vì một nguyên nhân nào khác.

Trong đó, hiện nay một số bộ sách đang gặp phải băn khoăn từ phía dư luận khi một trong những tác giả viết sách, tham gia biên soạn SGK lại đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử như ngay sau khi Bộ GDĐT công bố khung Chương trình GDPT mới, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin về việc TP HCM đã bắt tay phối hợp cùng NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ SGK. Đầu tháng 11, trong buổi hội thảo do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tại TP HCM, đơn vị này cũng giới thiệu 4 bộ sách trong đó có 1 bộ sách do Sở GDĐT TPHCM làm đầu mối phối hợp biên soạn. Cũng tại Hội nghị này, một lãnh đạo của Sở GDĐT TP HCM cũng phát biểu quan điểm về bộ sách với nhiều lời khen. Như vậy, liệu sau đây khi Sở GDĐT là đơn vị tham mưu cho UBND lựa chọn SGK có thực sự khách quan, công bằng?

Trả lời vấn đề này, ông Thái Văn Tài-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định trong các hồ sơ của các bộ SGK gửi thẩm định, không có bộ SGK nào có sở GDĐT liên quan trong quá trình biên soạn. Trong trường hợp, nếu có tác giả nào đang làm việc ở sở GDĐT tham gia biên soạn SGK thì chắc chắn người đó sẽ không được có tên trong thành viên hội đồng chọn SGK tới đây.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, việc này tương tự như việc khó phân biệt rạch ròi giữa vai trò của đơn vị xuất bản SGK với người biên soạn, thành viên hội đồng thẩm định SGK… Nếu một người làm cả hai vai thì sẽ khó xây dựng niềm tin về việc khách quan, công bằng.

“Trước đây, khi Bộ GDĐT chưa công bố chương trình đã có thông tin rằng, có đơn vị viết xong SGK! Nay, địa phương chưa chọn sách nhưng một số cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước đã bày tỏ sự ca ngợi đối với bộ sách A thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, tác động đến việc chọn sách sau này. Dù tác giả viết sách không tham gia hội đồng chọn SGK nhưng mối quan hệ chồng chéo, chằng chịt như vậy thật khiến người ta quan ngại”- vị này nói.

Mặc dù đến nay chưa có quy định cụ thể ai được - không được tham gia biên soạn SGK nhưng nhìn vào danh mục 32 cuốn SGK đã được công bố, không khó để nhận ra nhiều chuyên gia quen thuộc với việc xây dựng Chương trình GDPT mới. Liệu điều này có làm ảnh hưởng đến việc chọn sách của các địa phương sau này khi chỉ nhìn tên tác giả thay vì nhìn vào nội dung cuốn sách có thực sự phù hợp với thầy và trò địa phương mình hay không?

Câu hỏi vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn chọn SGK do Bộ GDĐT sắp ban hành với kỳ vọng có thể ngăn chặn được tình trạng này.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/dia-phuong-chon-sach-giao-khoa-kho-khach-quan-cong-bang-tintuc453303