Địa ốc Alibaba: Vốn điều lệ tăng gấp 1.600 lần trong một năm, giám đốc có hai chữ ký

Vốn điều lệ lớn nhanh như 'thổi', phụ lục hợp đồng không có hiệu lực, chữ ký người đại diện có sự sai lệch là những mập mờ về pháp lý chưa thể giải thích được của công ty Alibaba.

Sự thật về vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng

Với 14 dự án từ Long Phước 1 đến Long Phước 14 đang được triển khai tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đang trở thành một doanh nghiệp “nổi đình nổi đám” tại thị trường này.

Tuy nhiên, với việc đưa ra mức cam kết lợi nhuận cao, lên đến 28%, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là điều gần như bất khả thi.

Lý do là bởi, với 1 dự án bất động sản, tỷ lệ sinh lời có thể đạt mức 100% hoặc cao hơn nữa, nhưng đó đều là những dự án có quy mô vừa và nhỏ và có tính thời điểm. Việc công ty Alibaba đưa ra cam kết lợi nhuận 28%/năm cho toàn bộ khách hàng mua đất nền tại 14 dự án gần như là việc “đào hố chôn mình”.

Tới đây, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, là liệu công ty này có phải đang làm bài toán huy động vốn, dùng tiền của người sau để trả lợi nhuận cao cho người trước. Đến một lúc nào đó, khi công ty không thể xoay vòng nguồn tiền hoặc cố tình ôm tiền bỏ trốn, khách hàng sẽ là người lãnh chịu những hậu quả do Alibaba gây ra?

Để khẳng định uy tín, thương hiệu của mình, trong những lần tư vấn cho khách hàng hoặc thông tin từ website công ty, công ty Alibaba nhiều lần công bố giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng để khách hàng an tâm, tin tưởng.

Dù công ty Alibaba liên tục quảng cáo về số vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng của mình, nhưng liệu số vốn đó có thật hay không, khách hàng cần phải chờ đến ngày 29/12/2017 thì mới rõ

Theo tìm hiểu từ Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập ngày 5/5/2016 do ông Nguyễn Thái Lĩnh (SN 8/7/1989) làm người đại diện theo pháp luật. Số vốn điều lệ lúc thành lập công ty chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Đến ngày 3/12/2016, Công ty tiến hành đăng ký thay đổi thông tin lần thứ nhất, trong đó nâng vốn điều lệ lên thành 20 tỷ đồng, số cổ phần cũng thay đổi từ 100.000 lên 2.000.000. Người đại diện theo pháp luật vẫn là ông Nguyễn Thái Lĩnh.

Mới đây nhất, ngày 26/9/2017, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tiến hành đăng ký thay đổi thông tin lần thứ 2.

Điều đặc biệt, trong lần đăng ký thay đổi này, công tyAlibaba đã nâng vốn điều lệ lên thành 1.600 tỷ đồng, với tổng số cổ phần là 160.000.000.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, vốn điều lệ của Alibaba đã tăng 1.600 lần, một con số “thần kỳ”. Thế nhưng, con số 1.600 tỷ đồng vốn điều lệ đó, là thực hay là “ảo”?

Theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp, “vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty”.

Điều này có nghĩa, một doanh nghiệp cổ phần muốn đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thì chỉ cần có trong tay biên bản “hứa mua” của một số cổ đông, sao cho đủ “có người đã đăng ký mua 100 tỷ đồng cổ phần” là sẽ được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ đó.

Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp thì “các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Tức là, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc đăng ký vốn điều lệ mới chỉ là “hứa mua”. Nhưng sau khi có giấy phép, trong vòng 90 ngày các bên phải thực hiện việc mua bán này và phải gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của công ty, làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Trong trường hợp việc “hứa mua” không thực hiện đúng như cam kết, sau 90 ngày, Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ điều chỉnh lại giấy phép theo đúng số tiền mà các cổ đông của công ty thực hiện việc mua bán.

Chẳng hạn, nếu trong vòng 90 ngày, những người “hứa mua” chỉ tiến hành mua được 1 tỷ thay vì 100 tỷ như đăng ký ban đầu, thì doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh vốn điều lệ lại thành 1 tỷ đồng.

Như vậy, đối với việc công ty Alibaba điều chỉnh vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên thành 1.600 tỷ đồng, liệu có phải là sự phát triển thật sự của công ty hay không, phải chờ đến 3 tháng sau (tính từ ngày 26/9/2017) mới có được sự kiểm chứng rõ ràng. Những thông tin được ban lãnh đạo cũng như nhân viên công ty quảng cáo về số vốn điều lệ đều chưa hoàn toàn là sự thật.

Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp Công ty TNHH Luật Vega, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đang có một kẽ hở. Đó là trước dây, khi đi đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ quan chức năng sẽ thu hồi lại giấy phép cũ, nhưng bây giờ lại không thu lại. Điều này khiến cho một doanh nghiệp vô tình có 2 giấy phép. Nếu công ty làm ăn không uy tín, hoàn toàn có thể mang giấy phép cũ đi lừa đối tác, khách hàng nếu không có sự kiểm chứng lại thông tin.

Phụ lục hợp đồng cam kết lợi nhuận không có giá trị pháp lý

Trong quá trình tìm hiểu viết bài, PV đã nhiều lần được nhân viên công ty giới thiệu về chương trình cam kết lợi nhuận 28%/năm. Tuy nhiên, trong bản “hợp đồng mẫu” được nhân viên công ty cung cấp, không hề có bất cứ điều khoản nào liên quan tới việc cam kết lợi nhuận này.

Đem thắc mắc này hỏi nhân viên tư vấn, chúng tôi được A.S, một “quyền giám đốc sàn” cho biết: “Hợp đồng bên công ty em phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, do đó, việc cam kết lợi nhuận không thể đưa vào hợp đồng. Nếu anh đầu tư vào đất của công ty, bên em sẽ ra phụ lục hợp đồng, trong đó ghi rõ cam kết lợi nhuận 28%/năm cho anh”.

Đồng thời, A.S cũng cung cấp cho chúng tôi bản phụ lục hợp đồng của một khách hàng đã mua đất của Alibaba, có đóng dấu đỏ và chữ ký của ông Nguyễn Thái Lĩnh với chức vụ giám đốc công ty.

Tuy nhiên, trong phụ lục hợp đồng nói trên, chỉ có một số thông tin cơ bản về Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, người đại diện của công ty và nội dung “Công ty cam kết thu mua lại lợi nhuận 28%/12 tháng, trên số tiền đầu tư, khi khách hàng đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 – Nơi đầu tư chắc ăn” cùng chữ ký của khách hàng. Ngoài ra, không còn bất cứ thông tin nào khác.

Theo Luật sư Lê Ngô Trung, về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý.

Cụ thể, với một bản phụ lục hợp đồng, ít nhất phải thể hiện rõ là phụ lục của hợp đồng nào (“phụ lục số… của hợp đồng số…”), chỉnh sửa hay bổ sung phần nào của hợp đồng đó…

“Ở phụ lục hợp đồng nói trên, do không thể hiện là phụ lục thuộc hợp đồng nào, chỉnh sửa hay bổ sung phần gì của hợp đồng, nên nếu có xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng cũng sẽ không thể có căn cứ để giải quyết do phụ lục không có hiệu lực pháp lý. Khách hàng vì thế mà cũng mất đi quyền lợi chính đáng của mình”, Luật sư Trung nói.

Chữ ký của ông Nguyễn Thái Lĩnh, người đại diện theo pháp luật của công ty có sự khác biệt trong Phụ lục hợp đồng và thông báo đăng ký mẫu dấu gửi cơ quan công an được lưu trữ trên cổng thông tin dữ liệu quốc gia

Một điều cũng đáng phải lưu tâm, đó là trong chữ ký được ông Nguyễn Thái Lĩnh thể hiện trong phụ lục hợp đồng nói trên, lại có sự khác biệt so với mẫu chữ ký mà ông Lĩnh sử dụng trong thông báo đăng ký mẫu dấu gửi cơ quan công an được lưu trữ trên cổng thông tin dữ liệu quốc gia.

Một người, một chức vụ nhưng lại có 2 chữ ký khác nhau, vậy liệu khi tranh chấp xảy ra, khách hàng liệu có được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Từ những phân tích trên, có thể nói, dù mức cam kết lợi nhuận 28%/năm là khá cao, đáng mơ ước với nhiều nhà đầu tư bất động sản, nhưng với những mập mờ pháp lý như thế, việc khách hàng đầu tư vào đất nền của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba cũng cần phải cẩn trọng, bởi nếu không tỉnh táo, khách hàng có thể “mất cả chì lẫn chài”.

Theo Báo Cung Cầu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/bat-dong-san/dia-oc-alibaba-von-dieu-le-tang-gap-1600-lan-trong-mot-nam-giam-doc-co-hai-chu-ky-251465/