Địa ốc Alibaba gây náo loạn: Hình thái đa cấp BĐS

Tập đoàn địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo khi đưa ra các dự án 'ma' rồi mời gọi khách hàng đầu tư.

Nhiều người là nạn nhân của địa ốc Alibaba

Ngày 21/6/2019, cơ quan chức năng Thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã niêm yết quyết định cưỡng chế tại các khu đất trên địa bàn xã Châu Pha do ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ TP. Hà Nội) đứng tên.

Địa điểm niêm yết là trụ sở Tập đoàn địa ốc Alibaba đóng trên địa bàn - đây là đơn vị đã phân phối sản phẩm đất nền với đối tác dưới tên dự án "Alibaba Tân Thành Center City 1".

Nhắc đến địa ốc Alibaba, chị Lê Kiều Thanh (ngụ Q. 6, TP. HCM) vẫn chưa hết sợ hãi. Vào tháng 4/2019, nghe theo nhân viên môi giới của Tập đoàn địa ốc Alibaba, chị Thanh đã bỏ ra số tiền 150 triệu đồng để mua một khu đất nền tại dự án thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai.

Nhân viên địa ốc Alibaba ngăn cản cơ quan chức năng cưỡng chế sai phạm ngày 13/6.

Nhân viên địa ốc Alibaba ngăn cản cơ quan chức năng cưỡng chế sai phạm ngày 13/6.

"Nhân viên môi giới hứa hẹn chỉ trong vòng vài tuần sẽ tìm được người mua lại khu đất đó với giá cao hơn vài trục triệu đồng. Khi tôi hỏi đến tính pháp lý của dự án, các nhân viên của địa ốc Alibaba tìm cách lảng tránh và chỉ nói tới khả năng sinh lời và đưa ra những con số hấp dẫn" - chị Thanh nhớ lại.

Tuy nhiên, khi đóng tiền được 5 tháng thì chị Thanh không liên lạc được với nhân viên địa ốc Alibaba nên đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Rất may sau đó chị Thanh đã được địa ốc Alibaba trả lại tiền.

Không may mắn được như thế, anh Võ Minh Trung - quê Quảng Ngãi đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai về dấu hiệu lừa đảo của địa ốc Alibaba. Vì nghe theo lời của nhân viên môi giới của đơn vị này, anh Trung đã bỏ ra 900 triệu đồng để mua đất nền tại dự án Long Thành, Đồng Nai.

Khi biết được dự án này chỉ là dự án "ma" do chính Tập đoàn Alibaba vẽ ra nên đã yêu cầu đơn vị này trả lại tiền. Tuy nhiên, Tập đoàn Alibaba thông tin, đúng 6 tháng hoặc 1 năm mới lấy lại được tiền.

"Hiện số tiền này của tôi vẫn chưa được Tập đoàn Alibaba trả lại, phía cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sau khi thụ lý đơn tố cáo của tôi cũng chưa có kết luận cụ thể như thế nào" - anh Trung cho biết.

Dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế

Luật sư Phạm Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: "Đứng tên thửa đất là cá nhân đã có thỏa thuận miệng hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp là Tập đoàn Alibaba đứng ra thay đổi hiện trạng đất, tự ý xây hạ tầng, phân lô bán nền cho nhiều người.

Việc cá nhân ủy quyền quản lý khu đất cho một doanh nghiệp không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc tự ý thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất của Tập đoàn Alibaba là vi phạm pháp luật. Vì thế, việc ra quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng Thị xã Phú Mỹ là chính xác".

Địa ốc Alibaba vẽ ra nhiều dự án "ma" để bán.

Ông Hướng cho biết, hoạt động của Tập đoàn Alibaba giống như một công ty đa cấp, mặt hàng ở đây chính là BĐS đã được bán đi, bán lại với nhiều cấp độ khác nhau. Bằng hình thức cam kết, hứa hẹn với khách hàng khi đầu tư chắc chắn sẽ sinh lời cao của Tập đoàn Alibaba đã khiến những nhà đầu tư mê muội, thiếu kiến thức đổ tiền vào.

"Nhà đầu tư đổ tiền mua khu đất đó sẽ là F1, sau đó những nhà đầu tư thứ cấp khác lần lượt là F2, F3, F4... nhưng ai là những nhà đầu tư thứ cấp? Rất có thể đó chính là người của Tập đoàn Alibaba" - vị luật sư này nhận định.

Mặc dù vậy, ông Hướng cho rằng, mô hình này sẽ chẳng có gì là hiểm họa nếu như những thông tin mà Tập đoàn Alibaba đưa ra đúng sự thật. Thế nhưng đó đều là những dự án "ma" chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Đến mục lúc nào đó, thông tin này lộ ra thì "quả bóng" sẽ vỡ và người bị thiệt hại chính là nhà đầu tư ban đầu.

Luật sư Nguyễn Hoàng Nam - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hình thức kinh doanh BĐS theo mô hình đa cấp thực chất đã có từ lâu nhưng không đem lại quá nhiều rủi ro khi đó là dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý. Nhưng nếu là dự án "ma" thì lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và đơn vị phát triển dự án có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Để chứng minh lãnh đạo Tập đoàn Alibaba cấu thành tội lừa đảo thì phải làm rõ đơn vị này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp hay không, hoặc hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung của giấy chứng nhận này nếu thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc làm thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy định kinh doanh đa cấp nhưng chưa xóa án tích mà tiếp tục vi phạm" - ông Nam nói.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, quy định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án BĐS sẽ khắt khe hơn so với việc cá nhân tự ý xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình cố định, lâu dài.

Doanh nghiệp thực hiện dự án BĐS với mục đích thương mại, sinh lời vì thế sẽ phải chịu một mức thuế khác. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét việc các vấn đề quy hoạch, kiến trúc của dự án có phù hợp với định hướng phát triển của địa phương hay không mới cho phép xây dựng.

Tập đoàn Alibaba đã lợi dụng điều này, nhận ủy quyền từ các cá nhân để vẽ ra nhiều thông tin dự án BĐS trên khu đất được ủy quyền để bán lại. Trong trường hợp rủi ro, Tập đoàn Alibaba hoàn toàn có thể nói không phải của công ty mà của cá nhân.

Tiến Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dia-oc-alibaba-gay-nao-loan-hinh-thai-da-cap-bds-3382369/