Địa ốc 7AM: Lo thất thoát khi bán nhà đất trung tâm phố cổ, cao ốc bóp nghẹt cửa ngõ Sài Gòn

Lo thất thoát khi bán nhà đất trung tâm phố cổ, cao ốc bóp nghẹt cửa ngõ Sài Gòn, khu tập thể G6A Thành Công có nguy cơ sụp đổ... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Đòi “quyền lợi kép”, một khách hàng của dự án De Capella có thể thiệt hại lớn

Một trường hợp khá hy hữu xảy ra với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai khi một khách hàng mua nhà trong dự án De Capella đưa ra nhiều yêu sách để đòi quyền lợi kép theo kiểu “vừa được nhà, vừa được tiền”.

Hai tòa tháp trong dự án De Capella.

Hai tòa tháp trong dự án De Capella.

Mới đây, một khách hàng của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là bà Nguyễn Phạm Kim Ngân gửi đơn đến các cơ quan truyền thông phản ánh về việc chủ đầu tư dự án De Capella vi phạm hợp đồng mua bán nhà, không chịu giao nhà cho khách hàng. Đặc biệt, khách hàng này cho rằng, dự án không thể giao nhà cho khách hàng vì chưa hoàn thành các thủ tục nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, bà Ngân là người đã ký hợp đồng mua bán căn hộ số A08-05 thuộc dự án De Capella. Tuy nhiên, những gì mà khách hàng này phản ánh về việc công ty không giao nhà cho khách vì lý do không đủ điều kiện là không đúng với những gì đang diễn ra trên thực tế.

Bán nhà đất trung tâm phố cổ Hà Nội: Lo thất thoát

Chuyên gia ngạc nhiên và đặt nhiều câu hỏi về mức giá chuyển nhượng 3 cơ sở nhà, đất ở trung tâm phố cổ cho doanh nghiệp.

Liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất, đất ở trung tâm phố cổ, trong văn bản trả lời báo Tiền phong mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, 3 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 56 phố Hàng Gai, 46 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm và số 7 phố Đội Cấn, quận Ba Đình đã được UBND TP chấp thuận bán cho đơn vị đang thuê nhà là Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á) theo nguyên tắc giá bán nhà và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất sát giá thị trường, với thời hạn cho thuê đất là 50 năm để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Giá trị chuyển nhượng công trình trên đất và giá trị quyền sử dụng đất 3 cơ sở nhà, đất này được liên ngành xác định như sau: Cơ sở nhà đất tại 56 Hàng Gai (diện tích nhà, đất là 18,03m2) với tổng giá trị là 1,616 tỷ đồng; Cơ sở nhà đất tại 46 Hàng Trống (diện tích nhà, đất là 20,28m2) với tổng giá trị là 1,731 tỷ đồng; Cơ sở nhà đất tại số 7 Đội Cấn (diện tích nhà, đất là 10,2m2) với tổng giá trị là 507 triệu đồng.

Trước đó, vào năm 2015, Công ty Đông Á đã làm văn bản đề nghị TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cùng lúc 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng tại 3 vị trí mặt phố đắc địa của các quận nội đô lịch sử, nơi có giá nhà đất cao nhất của Thủ đô nói trên.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ sự ngạc nhiên trước những con số trên vì giá của chúng... rẻ quá.

Cơ sở nhà đất tại 46 Hàng Trống (diện tích nhà, đất là 20,28m2) được chuyển nhượng lại cho Công ty Đông Á với tổng giá trị là 1,731 tỷ đồng. Ảnh: Tiền phong.

Khu tập thể G6A Thành Công có nguy cơ sụp đổ

Khu tập thể G6A Thành Công (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) hiện đã bị nghiêng, khiến hai đơn nguyên 1 và 2 của “tháp nghiêng” này không còn đứng sát nhau mà tách ra tạo thành hình chữ V ở khoảng trống giữa. Tuy nhiên, vài năm qua tình trạng trên vẫn chưa thể xử lý, khiến “tháp nghiêng” này ẩn chứa hiểm họa.

Khu tập thể G6A Thành Công. Ảnh: KIẾN NGHĨA.

Tiền Phong số 86 (ngày 27/3/2019) đăng bài báo trên, phản ánh việc năm 2105, khu tập thể (KTT) G6A Thành Công được Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) kiểm định đạt mức độ D (nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ), nhưng nhiều hộ dân nơi đây cho rằng đánh giá trên chưa chính xác nên không chịu di dời đến nơi tạm cư để xây dựng lại KTT, đồng thời yêu cầu được kiểm định lại KTT G6A Thành Công.

Được biết, tháng 10/2017, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Ba Đình đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, đề xuất lựa chọn Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) để kiểm định lại nhà G6A Thành Công. Tháng 11/2017, đề xuất này được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Theo đó UBND quận Ba Đình có trách nhiệm tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách quận để tổ chức thực hiện, đồng thời hướng dẫn cộng đồng dân cư thực hiện việc giám sát theo quy định, đảm bảo công khai, khách quan.

Hàng chục cao ốc trên 1km đường, cửa ngõ Sài Gòn đang bị 'bóp nghẹt' như thế nào?

Với vị trí thuận tiện di chuyển vào trung tâm, các cửa ngõ TP HCM là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư phát dự án bất động sản (BĐS). Tuy nhiên tốc độ phát triển các dự án nhà ở đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa khiến 4 cửa ngõ chính vào trung tâm Sài Gòn đang bị "bóp nghẹt" bởi các tòa cao ốc.

Quận 2, quận 10, quận 7 và quận Tân Bình là 4 cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc cách trung tâm Sài Gòn khoảng 5 – 7km. Tuy nhiên thời gian trung bình để di chuyển từ các khu vực này vào trung tâm giờ cao điểm có thể lên đến gần 1 tiếng đồng hồ vì mật độ dân cư ở các khu vực này tăng lên quá nhanh. "Bi kịch đô thị" ở các cửa ngõ TP HCM đang hiển thị ngày một rõ nét với những con đường kết nối trung tâm "oằn lưng" gánh hàng chục cao ốc.

'Thành lũy tỷ đô' trấn cửa đông

Cầu Sài Gòn được xem là một trong những cầu nối khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) với trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, người dân tại khu Đông di chuyển qua cầu Sài Gòn vào trung tâm thành phố rất khó khăn, dù khoảng cách chỉ hơn 1 km.

Ngay chân cầu Sài Gòn hướng Bình Thạnh đang san sát hàng chục tòa nhà cao tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những dự án "tỷ USD" nhanh chân án ngữ cửa Đông thành phố. Đây được đánh giá là một trong những vị trí vàng để phát triển nhà ở siêu sang nên các chủ đầu tư BĐS (những người vốn nhạy cảm về cơ hội) tìm cách chen chân đầu tư vào những vị trí đảm bảo lợi nhuận cao nhất trong tương lai.

2km đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh đang "gánh" hàng chục dự án tỷ đô.

Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2019: Bạn nhỏ các nước lạc lối trên đảo dân gian tại Vinpearl Land Nam Hội An

Được mệnh danh là điểm giao thoa văn hóa độc đáo bậc nhất Việt Nam, Vinpearl Land Nam Hội An thật sự trở thành thiên đường đối với thiếu nhi thế giới khi tới đây tham dự Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2019. Một trong những điểm đến gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho các bạn nhỏ 4 phương là Đảo Dân gian độc nhất vô nhị nằm trong quần thể khu vui chơi giải trí này.

Chăn trâu, gặt lúa, dệt lụa, nuôi tằm, làm giấy dó, tranh Đông Hồ… thậm chí còn là những câu chuyện xa lạ với rất nhiều trẻ em Việt Nam. Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi các bạn nhỏ đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc đều phấn khích và thích thú khi khám phá không gian văn hóa dân gian Việt Nam hội tụ tại Vinpearl Land Nam Hội An.

Bước qua cánh cổng đình làng xưa, khu Làng truyền thống phục hiện những nghề thuần Việt công phu và trực quan khiến các đại biểu nhí liên tục “wow”! Nhà dệt đưa chân các bạn nhỏ Philippines lạc từ những nong tằm chăm chỉ đang miệt mài nhả tơ vàng óng đến khung cửi lách cách sợi đay.

“Em từng đọc về nghề dệt của các dân tộc tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Nhưng phải đến đây em mới hiểu rõ sự khác biệt của từng cách dệt vải khác nhau. Những con tằm nhỏ bé mới nhìn có vẻ đáng sợ nhưng lại làm thành những sợi vải thật mềm mại”.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-lo-that-thoat-khi-ban-nha-dat-trung-tam-pho-co-cao-oc-bop-nghet-cua-ngo-sai-gon-d98727.html