Địa ốc 7AM: Doanh nghiệp nhận đất rừng rồi bỏ hoang, Đà Nẵng 'trảm' phố nhậu đêm cầu Rồng

Doanh nghiệp nhận đất rừng rồi bỏ hoang, Đà Nẵng 'trảm' phố nhậu đêm cầu Rồng... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Doanh nghiệp nhận đất rừng rồi bỏ hoang

Gần 1.000 ha đất rừng ở vị trí trọng yếu tại Nghệ An được giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc bỏ hoang từ 10 năm nay, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-7, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, cho biết UBND tỉnh sẽ kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với dự án trồng rừng nguyên liệu trên diện tích gần 1.000 ha ở huyện Quế Phong bị chủ đầu tư Trung Quốc bỏ hoang từ 10 năm nay.

Ngày 28-5-2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 180/QĐ-UBND đồng ý cho Công ty TNHH InnovGreen Nghệ An (thuộc Công ty TNHH MTV InnovGreen, do người Trung Quốc làm chủ) thuê hơn 978,5 ha đất rừng tại 2 xã Cắm Muộn và Nậm Nhoóng của huyện Quế Phong để trồng rừng làm nguyên liệu.

Gần 1.000 ha đất rừng giao doanh nghiệp Trung Quốc bị bỏ hoang từ 10 năm nay. Ảnh: VŨ VĂN XOÀI.

Gần 1.000 ha đất rừng giao doanh nghiệp Trung Quốc bị bỏ hoang từ 10 năm nay. Ảnh: VŨ VĂN XOÀI.

Sau khi được giao đất, trong năm 2010, Công ty TNHH InnovGreen Nghệ An rầm rộ triển khai, phát dọn thực bì 345 ha, đào hố 327 ha, trồng rừng được 294 ha và làm đường công vụ 5,8 km. Tuy nhiên, từ năm 2011, doanh nghiệp này dừng hẳn hoạt động trồng rừng, phần diện tích đã trồng không được chăm sóc, bảo vệ. Cả ngàn hecta đất rừng bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Sau loạt hàng quán hải sản "bự", Đà Nẵng "trảm" phố nhậu đêm cầu Rồng

9 quán tạm "mọc" bên cầu Rồng đã gây nhếch nhác cho biểu tượng du lịch địa phương. Việc tháo dỡ là cần thiết.

Ngày 24/7, UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng tiến hành cưỡng chế tháo dỡ 9 quán tạm xây dựng không phép tại khu vực phía nam cầu Rồng.

Đây là những hàng quán nằm trong tuyến "phố nhậu đêm" của TP.Đà Nẵng. Việc hoạt động không trong quy hoạch, quản lý không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan cầu Rồng - một trong những biểu tượng của "thành phố đáng sống" Đà Nẵng.

Có 9 hàng quán tạm bợ hình thành nên phố nhậu đêm bên hông cầu Rồng.

Theo lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, việc tháo dỡ hàng quán nhằm xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè, gây ô nhiễm, lập lại trật tự đô thị tại khu vực cầu Rồng. Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có công yêu cầu sớm dẹp bỏ loạt hàng quán nhếch nhác này.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây cho biết, qua công tác vận động, đa số các hộ đã chấp hành theo chủ trương. Tuy nhiên, họ chỉ tháo dỡ cầm chừng, cố tình hoạt động kinh doanh. Lực lượng sẽ tháo dỡ dứt điểm 9 quán tạm này.

"Chúng tôi cũng sẽ có đề nghị UBND quận Sơn Trà tiếp tục có kế hoạch sau tháo dỡ, đảm bảo cảnh quan khu vực trên”, ông An nói.

Quận Nam Từ Liêm thừa nhận nhiều vi phạm tại KĐT Xuân Phương - Tasco Forrresa Villa

UBND quận Nam Từ Liêm có công văn gửi Báo Pháp luật Việt Nam.phản hồi về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại KĐT sinh thái Xuân Phương Tasco-Forrresa Villa.

Một góc Khu đô thị sinh thái Xuân Phương Tasco - Forrresa Villa.

Tại những bài viết trước, Pháp luật Plus đã thông tin về tình trạng xuất hiện một số công trình nhà ở liền kề, biệt thự có hình dáng, kiến trúc “kỳ lạ”, khác biệt so với tổng thể tại Dự án Xuân Phương Tasco - Forrresa Villa do Công ty CP Tasco, nằm trên địa bàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Ngày 20/11/2017 Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ra Văn bản số 8030/QHKT-TMB-PAKT-P1 đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc mới cho mẫu nhà tại lô BT9-1.

Mới đây nhất, ngày 11/7/2019, UBND quận Nam Từ Liêm đã có công văn số 1368/UBND-QLĐT gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam về việc cung cấp thông tin vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị sinh thái Xuân Phương Tasco - Forrresa Villa, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Theo đó, Dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 28/5/2015, đơn vị Chủ đầu tư là Công ty CP Tasco. Thời gian vừa qua, tại một số công trình nhà ở liền kề, biệt thự thuộc dự án đã xảy ra vi phạm trật tự xây dựng của chủ đầu tư (Người mua nhà).

Một hộ dân bị “dồn vào chân tường” vì mua đất bằng giấy tay: “Một giọt máu đào không hơn ao nước lã”?!

Đứng trước căn nhà sắp bị cưỡng chế, ông Dư chỉ biết ngậm ngùi trách mình vì đã quá tin vào người chú họ (ông Phan Quý) khi giao dịch mua bán.

Ông Dư bên cạnh ngôi nhà của mình sắp bị cưỡng chế.

Như Pháp luật Plus đã thông tin ở loạt bài trước đó, liên quan đến vụ việc:Một hộ dân bị dồn vào chân tường vì mua đất bằng giấy viết tay?!” và gia đình này đang phải đối diện với cảnh “màn trời chiếu đất”.

Khi mà dư luận đang quan tâm đến kết quả giải quyết từ Tòa án nhân dân (TAND) quận Gò Vấp, thì mới đây ông Lê Văn Dư (ngụ tại số 3/31 đường số 4, phường 15, quận Gò Vấp) lại tiếp tục nhận được Thông báo số 865/TB-UBND của UBND phường 15 về thời gian thi hành Quyết định cưỡng chế số 15/QĐ-CCXP ngày 4/1/2019 của UBND quận Gò Vấp, buộc ông Dư phải thực hiện việc tháo dỡ nhà cửa trước ngày 29/7. Nếu hộ gia đình ông Dư không thực hiện sẽ buộc phải cưỡng chế.

Trao đổi với phóng viên, ông Dư ngậm ngùi: “Tôi là cháu họ của ông Quý và cũng là người làm thuê, kẻ ở giúp việc cho ông Quý hơn 20 năm qua, cũng vì tin tưởng là người một nhà nên khi mua đất không nghĩ sẽ bị trở mặt. Người ta nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã” thế nhưng tình thân nay đã không còn.

Khi sự việc đã đành, tôi nhiều lần gõ cửa chính quyền mong được sự giúp đỡ, đòi lại công bằng. Thế nhưng, càng mong đợi bao nhiêu thì tôi càng thất vọng bấy nhiêu khi lần lượt cầm trên tay từng Quyết định cưỡng chế, phá bỏ căn nhà, đẩy tôi đến đường cùng, ngõ cụt”.

Tiếp tục hoàn thiện GCN quyền sử dụng đất cho cư dân Khu đô thị Đặng Xá

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc CĐT hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận để sớm hoàn thiện cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân.

UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội, về việc cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường đôn đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm theo quy định.

Khu đô thị Đặng Xá. (Nguồn: kinhdoanhnet.vn).

Pháp luật Plus xin trích đăng:

Ý kiến cử tri: Hiện nay, tiến độ công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm chậm.

Theo báo cáo của Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera, nguyên nhân chính do số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố nhiều dẫn đến tình trạng quá tải, không thẩm định hồ sơ kịp thời.

Đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường đôn đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm theo quy định.

Trả lời:

(1) Theo số liệu thống kê, từ tháng 01/2018 đến hết tháng 02/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp 571 Giấy chứng nhận tại dự án Khu đô thị Đặng Xá. Trong đó:

Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 571 Giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể: Đã trả 282 Giấy chứng nhận; Chưa trả 289 Giấy chứng nhận (đang lưu tại Văn phòng Đăng ký đất đai), lý do:

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-doanh-nghiep-nhan-dat-rung-roi-bo-hoang-da-nang-tram-pho-nhau-dem-cau-rong-d103111.html