Địa ốc 7AM: 'Điểm danh' dự án BĐS tại TP HCM đang bị điều tra hình sự

Dự án BĐS tại TP HCM đang điều tra hình sự, Đồng Nai 20 năm UBND tỉnh ra quyết định bị 'thối'... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

“Điểm danh” dự án BĐS tại TP HCM đang bị điều tra hình sự

UBND TP HCM vừa có báo cáo về tình hình thi hành pháp luật về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn giai đoạn từ đầu năm 2018 đến 30/6/2019.

Bảy Hiền Tower là một trong ba dự án có nhiều sai phạm đang được chuyển CQĐT.

Bảy Hiền Tower là một trong ba dự án có nhiều sai phạm đang được chuyển CQĐT.

Báo cáo này được thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Trong giai đoạn này, UBND TP HCM đã thực hiện 333 cuộc thanh tra, ban hành 256 kết luận thanh tra và đang tiếp thục thực hiện 77 cuộc.

Qua thanh tra, UBND TP HCM đã phát hiện nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân sai phạm. Đáng chú ý, có 3 dự án bất động sản được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và xây dựng Thăng Long (tên gọi khác là Bảy Hiền Tower); Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court, phường Tân Thuận Tây, quận 7; Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc.

Dự án Bảy Hiền Tower ở đường Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình có quy mô 20 tầng gồm 170 căn hộ. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã thi công sai thiết kế được duyệt, tăng diện tích xây dựng, bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng nhưng không chấp hành mà tiếp tục hoàn thiện rồi rao bán và bàn giao căn hộ, thậm chí còn cho người dân vào ở khi chưa hoàn thiện các hạng mục về điện nước, phòng cháy chữa cháy...

Nở rộ tình trạng dự án “ảo” phân lô bán nền vùng ngoại thành Hà Nội

Một số khu đất ở các huyện của Hà Nội, mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng... nhưng lại được “hô biến” thành dự án nhà ở, khu dân cư sinh thái, sau đó phân lô, bán đất nền trên "giấy".

Thời gian qua, trên mạng xã hội và nhiều chuyên trang bất động sản đã quảng cáo rầm rộ như: Golden Lake Hòa Lạc; Hòa Lạc Lake View; Adoland Capital 8; Tiến Xuân Green… tại các huyện, thị xã quanh Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây. Các dự án nói trên đều được quảng cáo hấp dẫn như: Hạ tầng đồng bộ; gần “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc”; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vĩnh viễn…

Hấp dẫn hơn, dự án được giới thiệu là đã được phân lô, diện tích 70-150m2/lô, giá 9,5-18,5 triệu đồng/m2, có cơ hội sinh lời cao.

Đơn cử, tại huyện Thạch Thất có hai dự án đang rao bán, gồm Tiến Xuân Green và Hòa Lạc Lake View. Trong đó, khu đất rộng hơn 9.000m2 được quảng cáo là Dự án khu dân cư sinh thái Hòa Lạc Lake View, thôn Linh Sơn, xã Bình Yên, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hightech Việt Nam phân phối quảng cáo đã phân thành 68 lô với hạ tầng đồng bộ, nhìn ra hồ sen, giá bán từ 12 đến 18,5 triệu đồng/m2… Thế nhưng, theo lãnh đạo UBND xã Bình Yên, thửa đất quảng cáo đất dự án thuộc quyền sở hữu của hộ bà Nguyễn Thị Kim Thanh (gồm một phần đất ở, còn lại là đất vườn).

Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng đã quảng cáo, mở bán rầm rộ khu đất Golden Lake Hòa Lạc.

Tương tự, tại thôn 6, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai cũng có dự án đang rao bán rầm rộ trên các trang mạng với tên gọi Dự án Adoland Capital 8. Trong khuôn viên dự án này trồng một số cây ngắn ngày và cũng không có bất cứ dấu hiệu gì của việc dự án đang triển khai xây dựng.

Đồng Nai: 20 năm UBND tỉnh ra quyết định bị ‘thối’

Gần 20 năm sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định 770/CV/UBT xem xét, xử lý việc tranh chấp đất đai của ông Lý Văn Hơn nhưng không được giải quyết, vậy trách nhiệm thuộc về ai?.

Theo tài liệu phóng viên có được, năm 1998, sau nhiều lần cụ Lý Văn Hơn gửi đơn thư “cầu cứu”, “vượt cấp” lên Chính phủ và được phúc đáp phản hồi. Ngày 10/03/2000, ông Võ Văn Một, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có công văn số 770/CV/UBT gửi văn phòng chính phủ; Văn phòng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư; Bộ Nông Nghiệp và PTNN; Tổng Cục địa Chính.

Trong công văn 770/CV/UBT - UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ, hiện trạng khu vực đất tranh chấp của ông Lý Văn Hơn còn lại có thể cấp là 172 ha (bao gồm đất trồng, đất trồng tràm, đất trồng cỏ...), 34 ha còn lại là trại bò sữa đang sử dụng, khu đất này nằm trong 206 ha đất tranh chấp mà cụ Lý Văn Hơn kiếu nại trước đó nhiều năm.

Khu đất tranh chấp người dân vô tư xây nhà, chính quyền bất lực giữ nguyên.

UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo các Sở, Phòng, Ban lập thủ tục giao cấp cho ông Lý Văn Hơn 172 ha để thực hiện phương án trang trại nhằm giải tỏa khiếu nại, tranh chấp nếu được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi quyết định giao cấp đất, cụ Lý Văn Hơn có trách nhiệm bồi hoàn giải tỏa cây trái, hoa màu trên đất được cấp theo đơn giá của hội đồng định giá và không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đà Nẵng: Thu hồi nhiều ngàn mét vuông đất công viên bị xẻ bán trái phép

Việc TP.Đà Nẵng xẻ bán 5.314m2 đất của công viên 29.3 dọc đường Điện Biên Phủ cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam và sau đó tiếp tục bán 666m2 đất tại khu vực góc sân bay Đà Nẵng ra cho Công ty cổ phần Đại lý Jean Desjoyaux với giá rất thấp khiến cử tri rất bức xúc và yêu cầu chính quyền phải thu hồi trả lại cho công viên.

Trước đó, TP.Đà Nẵng xẻ bán khu nhà đất 5.300m2 ở 27 Điện Biên Phủ, nằm trong khu vực công viên 29.3 cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam với giá 46,7 tỉ đồng (được giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất). Sự việc đã gây bức xúc cho người dân, cử tri liên tục yêu cầu lãnh đạo TP.Đà Nẵng phải thu hồi khu đất trên để trả lại cho công viên phục vụ mục đích công cộng.

Ngoài việc thu hồi khu nhà đất trên, TP.Đà Nẵng cũng tiến hành thủ tục thu hồi khu đất rộng 666m2 tại khu vực góc sân bay Đà Nẵng của Công ty cổ phần Đại lý Jean Desjoyaux để trả lại đất cho công viên 29.3.

Công viên 29.3, Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Theo đó, Sở TN-MT đề xuất TP.Đà Nẵng thống nhất chủ trương thu hồi khu đất của Công ty cổ phần Đại lý Jean Desjoyaux để mở rộng công viên 29.3 và giao Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch tiến hành lập quy hoạch tổng mặt bằng mở rộng công viên trình UBND thành phố. Đồng thời, giao UBND quận Thanh Khê lập thủ tục chuyển Sở TN-MT để báo cáo UBND thành phố xem xét trình HĐND TP.Đà Nẵng thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất.

Nâng cấp sân bay Chu Lai đến 2030 đón 5 triệu khách/năm

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030.

Mục tiêu quy hoạch sân bay Chu Lai (Quảng Nam) giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I. Công suất của sân bay đến năm 2030 sẽ đạt 5 triệu lượt hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sau khi nâng cấp, sân bay sẽ đón được các loại máy bay khai thác là máy bay code F và tương đương trở xuống. Điều này đồng nghĩa sân bay Chu Lai vào năm 2030 dự kiến đón được những máy bay thân rộng như Airbus A380 hay Boeing 747-8.

Sau quá trình nâng cấp, sân bay sẽ có 16 vị trí đỗ được máy bay code F trở xuống. Sân bay Chu Lai cũng sẽ có quỹ đất mở rộng khi có nhu cầu và phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II.

Cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030, cơ quan điều hành cảng sẽ điều chỉnh phân kỳ đầu tư một số hạng mục công trình như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phía tây của sân bay gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác... đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác 5 triệu hành khách/năm.

Tới năm 2030, sân bay Chu Lai dự kiến hoàn thành 3 đợt nâng cấp, có khả năng đạt công suất 5 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ảnh: Alotrip.

Đối với các công trình quy hoạch mở rộng về phía đông sẽ được xem xét, đầu tư xây dựng khi có nhu cầu.

Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng nêu chọn phương án 2 trong hồ sơ quy hoạch mặt bằng chi tiết một số công trình phía tây của sân bay trong giai đoạn đến năm 2030. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng sẽ bổ sung khu đậu biệt lập cho máy bay khi có sự cố xảy ra và khu xử lý bom mìn, vật nguy hiểm.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-diem-danh-du-an-bds-tai-tp-hcm-dang-bi-dieu-tra-hinh-su-d105595.html