Địa ốc 7AM: Dân chung cư COWA bực vì căn hộ biến thành văn phòng , thị trường BĐS đang ở giai đoạn cuối chu kỳ?

Dân chung cư COWA dài cổ chờ thang máy, thị trường BĐS đang ở giai đoạn cuối chu kỳ?... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Thị trường bất động sản có đang ở giai đoạn cuối của quy luật chu kỳ?

Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cụ thể cho thấy kết thúc một chu kỳ tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam. Có thể có một chu kỳ mới nhưng nó là diễn biến của chu kỳ cũ.

Năm 2019 nổi lên những lo ngại về một kịch bản vỡ bong bóng. (Ảnh minh họa).

Năm 2019 nổi lên những lo ngại về một kịch bản vỡ bong bóng. (Ảnh minh họa).

Thực tế, trước khi hình thành một chu kỳ mới, thị trường BĐS thường trải qua 4 giai đoạn là phục hồi – tăng trưởng – sốt nóng – đóng băng. Thị trường BĐS hơn 20 năm qua (từ năm 1993 đến nay) cũng trải qua các giai đoạn phát triển đúng theo quy luật chu kỳ.

Trong đó, cơn sốt BĐS xảy ra vào giai đoạn 1993 – 1994 và đặc biệt là giai đoạn 2000 – 2002, giá BĐS ghi nhận ở mức cao nhất trong chu kỳ.

Thị trường BĐS bị khủng hoảng, suy thoái (đóng băng) vào giai đoạn 1995 - 1999, nặng nề nhất là từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009, và giai đoạn năm 2011 – 2013.

Tiếp đó, thị trường BĐS tăng trưởng trở lại vào các giai đoạn 2003 – 2007, cuối năm 2009 đến giữa năm 2010 và từ năm 2013 cho đến nay. Đặc biệt, năm 2017 được đánh giá là một năm khá thành công với thị trường BĐS và thời điểm này cũng vừa đúng ở đỉnh của chu kỳ phát triển 10 năm của thị trường.

Chung cư COWA số 199 Hồ Tùng Mậu: Dân dài cổ chờ thang máy vì căn hộ biến thành văn phòng

Các căn hộ cho thuê để làm văn phòng, sử dụng sai mục đích ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và an ninh trật tự của tòa nhà.

Nhiều cư dân căng băng rôn phản đối việc hàng loạt căn hộ bị biến thành văn phòng cho thuê.

Có không ít các chung cư trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng, các căn hộ chung cư được thiết kế, xây dựng nhằm mục đích để ở bị sử dụng sai mục đích, cho thuê để làm văn phòng đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và an ninh trật tự chung của tòa nhà.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm đó là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Được biết, ngày 13/4/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng có Thông báo về việc không được kinh doanh tại căn hộ chung cư trên cổng thông tin điện tử. Theo đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội không thực hiện việc đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư, trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Quảng Ninh: Công ty 507 chậm trễ, chính quyền thu hồi dự án, dân chịu thiệt

Gom góp tiền mua đất từ nhiều năm trước nhưng doanh nghiệp chậm triển khai khiến dự án bị thu hồi, người dân chịu thiệt đủ đường.

Dự án khu biệt thự, khách sạn đồi truyền hình phía Đông cầu Bãi Cháy do Công ty cổ phần Xây dựng công trình 507 (Công ty 507) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Quảng Ninh giao thực hiện từ tháng 3/2003.

Tháng 11/2003, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định phê duyệt địa điểm đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị đồi truyền hình phía Đông cầu Bãi Cháy, TP.Hạ Long cho Công ty 507.

Trụ sở Công ty 507 - Chi nhánh Quảng Ninh. (Ảnh: H.H).

Tháng 1/2004, Công ty 507 ra quyết định giao Chi nhánh Công ty Xây dựng công trình 507 tại Quảng Ninh (Công ty 507 Quảng Ninh) quản lý thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh, khai thác khu biệt thự.

Cũng trong tháng 1/2004, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định giao 168.277m2 đất cho Công ty 507 Quảng Ninh để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Dự án Khu đô thị đồi truyền hình phía Đông cầu Bãi Cháy, TP.Hạ Long.

Đến tháng 8/2006, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định phê duyệt điều chỉnh mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500 dự án.

Dự án Mở rộng, nâng cấp Đường tỉnh 254 (Bắc Kạn): Chọn nhà thầu không đủ năng lực

Sau khi trúng Gói thầu số 20 thuộc Dự án Mở rộng, nâng cấp Đường tỉnh 254 có quy mô gần 170 tỷ đồng, Liên danh Công ty CP Xây dựng Thăng Long - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức Tuấn - Công ty TNHH MTV Thành Quý - Công ty TNHH Long Khánh - Công ty CP Đầu tư phát triển HUGIA bị Công an tỉnh Bắc Kạn kết luận là không đủ năng lực để thực hiện Gói thầu. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm “dậy sóng” dư luận về những sai phạm của Dự án.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet.

Dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, tính đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Bắc Kạn (chủ đầu tư) đã công khai kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) của 18 gói thầu thuộc dự án nêu trên. Trong đó, có 4 gói thầu xây lắp (số 18, 19, 20 và 21) với tổng giá gói thầu gần 600 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, 4 gói thầu lớn này được đấu thầu rộng rãi trong nước, đóng thầu ngày 8/6/2018.

Sau nhiều điều tiếng, lùm xùm từ dư luận trong quá trình thực hiện Dự án, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc. Ngày 8/4/2019, Công an tỉnh Bắc Kạn đã kết luận về việc xử lý sai phạm trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu tại một số gói thầu thuộc Dự án, trong đó có Gói thầu số 20 Thi công xây dựng nền, mặt đường cấp phối đá dăm và các cầu trên đoạn tuyến Km81-Km92; hệ thống an toàn giao thông, công trình phòng hộ toàn tuyến; di chuyển hệ thống điện.

Người dân tái định cư Khu Công nghiệp Mỹ Trung 12 năm chờ sổ đỏ

Năm 2007, thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng Khu Công nghiệp Mỹ Trung, 76 hộ dân xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã nhường hơn 50.000 m2 đất, chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ về mặt pháp lý cũng như sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền, mà từ đó tới nay người dân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Năm 2004, UBND tỉnh Nam Định có chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng Khu Công nghiệp Mỹ Trung.

Trong quá trình lập phương án giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, huyện Mỹ Lộc đã thu hồi đất của 76 hộ dân, đồng thời xét duyệt cho 110 hộ được giao đất tái định cư với tổng diện tích trên 22.000 m2; trong đó, 76 hộ bị thu hồi đất và 34 hộ phát sinh theo diện tách hộ. Năm 2007, các hộ dân bắt đầu xây dựng nhà và sinh sống tại khu đất tái định cư cách nơi ở cũ từ 500 - 800 m.

Khu tái định cư trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Ảnh: nhandan.com.vn.

Ông Bùi Văn Tiến, người dân trong khu tái định cư thôn 12 xã Mỹ Trung cho biết, phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp, gia đình ông đã nhường hơn 1.100 m2 đất. Sau khi được đền bù với số tiền trên 850 triệu đồng, năm 2007 gia đình chuyển đến khu tái định cư mới để xây dựng nhà ở. Tưởng chừng sau khi ổn định cuộc sống 1 - 2 năm sẽ được cấp sổ đỏ, nhưng đến nay đã 12 năm vẫn chưa nhận được.

Theo ông Tiến, để có được mảnh đất rộng 200 m2 trong khu tái định cư, ông đã phải chi số tiền 150 triệu đồng cho Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Sau khi nộp tiền, ông Tiến nhận được tờ phiếu thu từ Công ty này cùng lời hứa sẽ sớm nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy đâu. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-dan-chung-cu-cowa-buc-vi-can-ho-bien-thanh-van-phong-thi-truong-bds-dang-o-giai-doan-cuoi-chu-ky-d102058.html