Địa ốc 7AM: Đà Nẵng quy hoạch bãi đỗ xe giậm chân tại chỗ, Quảng Bình nghi án khai thác khoáng sản trái phép

Đà Nẵng quy hoạch bãi đỗ xe giậm chân tại chỗ, Quảng Bình nghi án khai thác khoáng sản trái phép... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Đà Nẵng: Quy hoạch bãi đỗ xe giậm chân tại chỗ

Sau hai năm kêu gọi xã hội hóa đầu tư bãi đỗ xe, đến nay TP Đà Nẵng mới chỉ có thêm một bãi đỗ xe đang xây dựng từ ngân sách TP.

“Qua giám sát nhận thấy tiến độ triển khai dự án các bãi đỗ xe công cộng đã có quy hoạch còn rất chậm. Đến nay TP mới chỉ đầu tư xây dựng được bãi đỗ xe tại vị trí 255 Phan Chu Trinh, 18 vị trí đỗ xe còn lại đang kêu gọi xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa xây dựng được cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư”. Báo cáo giám sát mới đây của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận định như trên về công tác kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo ghi nhận của PV, 8 giờ sáng 6-8, tuyến đường Pasteur (quận Hải Châu) chật ních ô tô đỗ hai bên đường để chủ xe ăn sáng, uống cà phê. Trong vòng 30 phút có không dưới 50 lượt ô tô ra vào, tranh nhau từng mét đường đỗ xe trên con đường chỉ dài 350 m.

Không riêng gì Pasteur, các tuyến đường nội thành sầm uất khác như Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt… cũng chung cảnh kín ô tô nhiều giờ trong ngày. Trên tuyến Bạch Đằng - Trần Phú thu phí đỗ xe, các tài xế taxi dù chấp nhận mất phí để chờ khách nhưng vẫn khó khăn tìm chỗ đỗ xe.

Tấp vào đón khách từ một quán cà phê đường Pasteur, anh Nguyễn Hoàng Tuyên (tài xế taxi) than thở: “Cứ cao điểm sáng- chiều mà đón khách là mình phải gọi, nói khách ra đứng chờ ngoài đường rồi lên xe bởi không có chỗ tấp xe vào. Nhiều vị trí khác thì bị cấm dừng, đỗ xe”.

Ghi nhận của PV, ngoài bãi đỗ xe cạnh Trung tâm hành chính và 25 chỗ đỗ xe khác quanh TP với sức chứa rất khiêm tốn, hầu hết ô tô buộc phải dừng, đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Được biết từ tháng 8-2015 TP đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP phải có 158 bãi đỗ xe. Tuy nhiên, đến nay ngoài vị trí 255 Phan Chu Trinh đang xây dựng bãi đỗ xe lắp ghép tám tầng bằng ngân sách TP, số còn lại kêu gọi PPP vẫn giậm chân tại chỗ.

Cá biệt, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Lâm (trụ sở tại TP Hải Phòng) sau gần hai năm trúng thầu ba bãi giữ xe tại Đà Nẵng đã phải tháo chạy vì liên tục bù lỗ.

“Doanh nghiệp trúng thầu không được phép dựng barie, không có gờ chắn nên các phương tiện tùy tiện vào dừng, đỗ không trả phí. Ngoài ra, chúng tôi muốn đầu tư hệ thống bạt che cho xe tránh nắng mưa nhưng phải thời hạn 10 năm mới dám đầu tư, mà TP chỉ cho thuê đất năm năm thôi. Nhiều cái quá khó khăn nên tôi quyết định rút” - ông Vũ Nguyên Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Lâm, cho hay.

Đường Pasteur, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nêm chặt ô tô hai bên đường. Ảnh: TẤN VIỆT.

Đường Pasteur, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nêm chặt ô tô hai bên đường. Ảnh: TẤN VIỆT.

Ông Phùng Phú Phong, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, nhận định nguyên nhân của việc chậm trễ này là do TP chưa xây dựng được cơ chế riêng trong đầu tư bãi đỗ xe theo hình thức PPP. Bởi bãi đỗ xe không nằm trong danh mục công trình ưu tiên theo quy định.

Nghi án khai thác khoáng sản trái phép tại Quảng Bình

Mới đây, PLVN có bài viết thông tin về tình trạng hàng chục nghìn m3 diệp thạch sét (nguyên liệu làm phụ gia để sản xuất xi măng) tại khu vực núi Xà Cạ, thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bị hộ gia đình ông Ngô Minh Trúc và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trường Đạt (địa chỉ tại thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) khai thác dưới “vỏ bọc” cải tạo đất nông nghiệp, tận thu đất san lấp.

Cảnh tượng khai thác diệp thạch sét trái phép tại hiện trường.

Tiếp nhận phản ánh, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 2359/VPUBND-TNMT chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý tình trạng trên.

Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 8/7/2019, UBND huyện Quảng Ninh đã có Báo cáo số 553/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở TN&MT.

Báo cáo trên cho rằng: Trước khi đi vào cải tạo, hộ gia đình ông Trúc hợp đồng với Cty Trường Đạt và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Quá trình cải tạo trong hai năm 2017 và 2018, Trường Đạt bán đất dư thừa tại chỗ cho Công ty TNHH Hòa Đại Phát (đóng tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) để xây dựng các công trình trên địa bàn.

“Sau khi cử tri phản ánh về việc hộ gia đình và đơn vị thi công trong quá trình cải tạo không sử dụng đất dư thừa để san lấp cho các công trình mà để bán làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng, cung cấp cho Nhà máy Xi măng Vạn Ninh (đóng tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân), UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức kiểm tra; và có Thông báo số 301/TB-UBND ngày 8/11/2018 tạm dừng việc thực hiện cải tạo mặt bằng của ông Ngô Minh Trúc để kiểm tra làm rõ việc khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Hiện tại hộ gia đình và công ty chấp hành việc tạm dừng cải tạo”, báo cáo này viết.

Vợ, con Phó Chánh án Tòa án TP Ninh Bình gom đất, xây nhà trái phép

Xây dựng công trình trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất công, mua gom hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp để đào ao, làm trang trại…, chủ doanh nghiệp Gia Huệ (Ninh Bình) là người nhà Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Ninh Bình bị chính quyền xã Mai Sơn (Yên Mô) nhiều lần lập biên bản, xử phạt…

Ngôi nhà của vợ con ông Phạm Viết Hoàng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Ninh Bình đứng tên được xác định xây dựng trên đất nông nghiệp.

Trong đơn đến báo Tiền Phong, ông Đinh Tiến Quỹ trú tại Xóm 7, xã Mai Sơn (Yên Mô, Ninh Bình) phản ánh: Năm 2015, chủ doanh nghiệp Gia Huệ lấn chiếm đất công tại địa bàn Xóm 7, san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép. UBND xã Mai Sơn có lập biên bản nhưng không ngăn chặn nên việc lấn chiếm, xây dựng đến năm 2016 đã hoàn thành.

Khi vụ việc chưa được xử lý, mới đây, doanh nghiệp này còn cho người đào hồ, xây đảo cảnh trên diện tích 2.000m2 đất lúa, diện tích đắp này áp sát diện tích ngôi nhà đã xây dựng trái phép trước đó.

Từ năm 2010, dù không có hộ khẩu tại xã Mai Sơn, nhưng doanh nghiệp tự thỏa thuận mua gom gần 2ha đất lúa của người dân Xóm 2 (diện tích này nằm trong quy hoạch Khu dân cư Mai Sơn, được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tỷ lệ 1/500 từ năm 2016).

Vụ việc xảy ra trong thời gian dài nhưng chỉ bị xử phạt hành chính khiến người dân bức xúc, có đơn gửi các cơ quan chức năng.

Cận cảnh các hoạt động 'đào núi, lấp biển' xây dựng khu đô thị rộng 178 ha ở Vân Đồn

Tại công trường,chủ đầu tư đang tiến hành thi công san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng, xe tải chở đất từ dãy núi gần đó xuống lấp biển hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm.

Theo giới thiệu, dự án khu đô thị Phương Đông (xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được thiết kế là một khu đô thị phức hợp với 200 lô biệt thự đơn lập, song lập nhìn trực diện vịnh Bái Tử Long, cùng với 500 lô liền kề và shophouse trên tổng diện tích hơn 178 ha.

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông. Thời gian hoàn thành được nói là vào quý IV/2018, thời gian cấp sổ đỏ quý II/2019. Tuy nhiên đến thời điểm này, dự án vẫn đang trong quá trình san lấp mặt bằng và lấn biển để làm hạ tầng.

Công ty CP đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông là một doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, do ông Vũ Văn Cường làm Tổng giám đốc.

Dưới đây là những hình ảnh mới nhất tại đại công trường đào núi lấp biển xây khu đô thị tại vịnh Bái Tử Long (huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh):

Toàn cảnh Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn.

Quy hoạch phải là công cụ thúc đẩy sự chuyển dịch đất đai

Trong nhiều rào cản chuyển dịch đất đai hiện nay có vấn đề quy hoạch sử dụng đất chưa hoàn thiện, chưa được tích hợp với các loại quy hoạch. Trong thời gian tới, cần đổi mới căn bản quy hoạch sử dụng đất để nguồn lực đất đai thực sự được khai thác và phát huy, trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ cho đầu tư phát triển.

Cần hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các loại quy hoạch. Ảnh: Trần Chiến.

Tại Hội thảo khoa học Quan điểm định hướng, các giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam diễn ra ngày 8/8, tại Hà Nội, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế quy hoạch ở Việt Nam còn chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế về kỹ thuật, thông tin và chất lượng quy hoạch. Nói cách khác, yếu tố kỹ thuật trong quy hoạch của Việt Nam chưa có những chuẩn mực làm cho quy hoạch chưa phải là một kịch bản dẫn đường cho phát triển.

Vấn đề tiếp theo trong hệ thống quy hoạch hiện nay là cơ chế điều chỉnh quy hoạch thiếu chuẩn mực, nhiều khi không phải vì mục đích phát triển chung mà chỉ vì những lợi ích riêng. Điều này dẫn tới một thực trạng là Nhà nước chưa bảo đảm chức năng dẫn đường cho phát triển và lợi ích tư nhân chưa là động lực cho phát triển.

Nhìn ở quy hoạch đất, theo ông Võ, chúng ta có một khung pháp luật về quy hoạch tích hợp thống nhất được áp dụng trên phạm vi cả nước, nhưng quy hoạch sử dụng đất lại bị thay đổi hoàn toàn, không còn là một hệ thống.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-da-nang-quy-hoach-bai-do-xe-giam-chan-tai-cho-quang-binh-nghi-an-khai-thac-khoang-san-trai-phep-d104258.html