Địa lan 'tặng' tiền tỷ cho nông dân Sa Pa

Từ chỗ để chơi ngày tết, trồng địa lan đã trở thành một nghề kiếm bộn tiền của một số người dân tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Sa Pa, vụ hoa năm nay, người dân sẽ bán ra thị trường khoảng 70.000 chậu và hàng nghìn cành hoa địa lan, ước tính thu nhập đạt khoảng 18-20 tỷ đồng.

“Thủ phủ” địa lan miền Bắc

Những năm gần đây, huyện Sa Pa được coi là thủ phủ của các loại địa lan. Địa lan ở đây có nhiều loại, nhưng chủ yếu bà con trồng địa lan Trần Mộng và địa lan kiếm Hồng Hoàng. Bởi 2 loại địa lan này đều quý hiếm, nở nhiều hoa đẹp, có thể chơi trong vài tháng.

Với quan niệm một chậu lan nở rực rỡ, cành lá xum suê sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới, nên khoảng 3 năm gần đây, rất nhiều đại gia ưa chuộng loại địa lan Trần Mộng và sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để sở hữu 1 chậu lan “khủng” bày trong nhà dịp tết.

Vườn địa lan Trần Mộng của “tỷ phú” Lê Văn Vi. Ảnh: Trần Quý

Bà con cho biết, cây hoa địa lan Trần Mộng ban đầu là cây tự nhiên mọc ở các mỏm đá trong rừng, được bà con mang về chơi vào dịp tết, sau này dần được yêu thích và trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Theo người dân bản địa, giống hoa địa lan này không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng có yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, thời tiết, trong đó xã Tả Phìn là nơi có khí hậu ôn hòa nên rất thích hợp trồng giống hoa này.

Để có một chậu hoa đẹp (từ 10 - 20 cành) phải mất thời gian chăm bón khoảng 3 - 4 năm. Hiện nay, giá bán 1 chậu hoa Trần Mộng loại nhỏ cũng từ 2 - 3 triệu đồng, loại trung bình từ 10 - 20 triệu đồng, tùy thuộc vào số bông trên chậu. Đặc biệt, với những chậu hoa khủng, có từ 100 cành trở lên, hoa nở rực rỡ, tán đều và xum xuê thì giá có thể lên tới 100-120 triệu đồng/chậu.

Được biết, tại hội chợ xuân năm ngoái ở Hà Nội, đã từng có chậu lan Trần Mộng có tới 119 cành hoa, mỗi cành có 15 - 18 nụ và được định giá 135 triệu đồng.

Cận cảnh những cành hoa địa lan Trần Mộng đang bung nở. Ảnh minh họa

Ông Đỗ Phú Chính - chủ vườn địa lan tại tổ 14 thị trấn Sa Pa nhận xét, năm nay số lượng khách lẻ nhiều hơn mọi năm, khiến thị trường địa lan Sa Pa có cạnh tranh về giá bán. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm, việc chăm sóc địa lan gặp nhiều khó khăn hơn nên dự kiến giá địa lan chậu và cành sẽ tăng từ 10-15% so với năm ngoái.

Còn ông Vương Xuân Phương - chủ một vườn lan ở xã Tả Phìn cho hay, năm nay thời tiết đỏng đảnh nên địa lan bị chết nhiều. Gia đình ông phải chăm sóc cẩn thận mới có được 500 gốc. Từ nay tới Tết Nguyên đán, nếu thời tiết thay đổi đột ngột hoa cũng sẽ khó nở đúng dịp. Hiện, giá 1 cành địa lan trung bình khoảng 400.000 đồng, riêng những cành lớn, nhiều bông giá bán có thể lên đến 2 triệu đồng.

“Ăn lán, nằm trời” chăm lan

Theo tìm hiểu của phóng viên, các chủ vườn địa lan trên địa bàn huyện Sa Pa đang hối hả chạy đua với thời gian để chăm sóc cho hoa nở đúng dịp, ghép chậu và chuyển các chậu lan về khu vực có nhiệt độ cao hơn như huyện Bát Xát, TP.Lào Cai... Các chủ vườn phải dựng lán ở sát bên quốc lộ, “ăn dầm nằm dề” cùng lan với hy vọng có được vụ hoa tết thắng lợi.

Đợt rét đậm vưa qua, các chủ vườn lan ở Sa Pa phải thuê người vận chuyển địa lan xuống các vùng thấp để tránh rét. Ảnh: Báo Lào Cai

Bà con trồng lan ở Sa Pa cho biết, với giá trung bình từ 2-3 triệu đồng/chậu địa lan, những chậu lớn giá bán lên đến 10 - 100 triệu đồng (tùy thuộc vào số bông trên chậu), trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, giá thể và công chăm sóc hết khoảng từ 500.000 -1 triệu đồng, các hộ trồng lan sẽ thu lãi ít nhất từ 1-2 triệu đồng/chậu lan.

Phòng NNPTNT huyện Sa Pa cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 70.000 chậu địa lan các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Tả Phìn, Sa Pả, Tả Giàng Phìn, Hầu Thào và thị trấn Sa Pa. Trong đó, riêng địa bàn xã Tả Phìn đã có khoảng 500/636 hộ trồng địa lan, với khoảng 20.000 chậu các loại.

Hàng năm người dân xã Tả Phìn cung cấp cho thị trường khoảng 70% số lượng hoa địa lan của Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán, đem về khoản thu nhập khoảng 8 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các xã Trung Chải, Sa Pả cũng đang nhân rộng mô hình này.

Anh Lê Văn Vi - một trong những tỷ phú trẻ đi lên từ nghề trồng địa lan ở Sa Pa chia sẻ, năm nay anh sẽ tung ra thị trường khoảng 600-700 chậu địa lan Trần Mộng, hiện khách đã đặt mua khoảng 70% số chậu và dự kiến, từ nay đến giáp Tết khách hàng sẽ lấy hết.

Theo anh Vi, để hoa về xuôi chơi được lâu, lá xanh, ngoài việc chăm bón còn cần đến khả năng dự báo thời tiết để điều chỉnh cho hoa nở đúng dịp tết. Vài năm gần đây, trước lúc giao hàng cho khách chừng 30 - 40 ngày, anh phải di chuyển hoa xuống TP.Lào Cai để hoa thích nghi dần với khí hậu ở các vùng thấp.

Anh Vi chia sẻ, tùy theo nhiệt độ ngoài trời, người chơi hoa có thể điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp cho hoa nở tươi đẹp.

Ngân Hương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/dia-lan-tang-tien-ty-cho-nong-dan-sa-pa-841125.html