Địa kỹ thuật cho hạ tầng bền vững

Gần 80 năm trước, khi người Pháp có ý định phát triển thủy điện, khoan thăm dò xuống lòng sông Đà ở vị trí nào cũng gặp lớp phù sa và từ bỏ ý định.

Hơn 40 năm sau, các chuyên gia Nga tiếp cận và chọn tuyến dưới, cách thị xã Hòa Bình gần 2km, gần đồi Ông Tượng. Quyết định xây dựng đập ở tuyến này đồng nghĩa với việc nền móng được đặt trên nền địa chất của lòng sông với lớp phù sa dày gần 170m.

Khi đó, các chuyên gia Nga quyết định khoan phun xi măng, phụt vữa sét, tạo nên một lớp màn chống thấm, kết dính cát cuội dưới lòng sông. Kỹ thuật này lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam, cho phép thân đập chịu được nguy cơ của các cơn địa chấn mạnh cấp 8.

Từ chỗ tưởng như bó tay, đập thủy điện Hòa Bình mọc lên, vận hành an toàn suốt hơn 40 năm qua minh chứng vai trò của việc xử lý nền móng công trình là yếu tố tiên quyết.

Nhiều năm qua, các công nghệ tiên tiến ra đời nâng khả năng “chinh phục” lòng đất của con người lên tầm cao hơn.

 Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019

Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019

Ở Việt Nam, nhiều DN trong nước đã mạnh dạn tiếp cận những công nghệ mới, đó là những robot đào hầm cho phép vừa khoan, vừa lắp ghép những tấm bê tông hàng tấn chuẩn tới từng milimet; hay công nghệ Jet Grouting 3 pha đường kính lớn (khoan bơm vữa cao áp). Đây là công nghệ trộn sâu dạng ướt, nhờ có tia nước và tia vữa phun ra với áp suất cao (từ 200atm đến 400atm), vận tốc 100m/s làm cho các phần tử đất xung quanh lỗ khoan bị xói tơi ra, hòa trộn với vữa phụt, sau đó đông cứng tạo thành một khối đồng nhất “xi măng - đất”, đảm bảo an toàn cho bề mặt cần kết nối. Và nhiều công nghệ khác để đảm bảo một nền móng vững chắc cho an toàn công trình cũng được DN ứng dụng vào Việt Nam.

Theo ông Phạm Việt Khoa -Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON, với khát vọng vươn tới những công nghệ mới nhằm ứng dụng nhiều nhất có thể vào các công trình của Việt Nam, suốt 9 năm qua, cứ 3 năm một lần FECON chủ trì hội nghị quốc tế "Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững (GEOTEC HANOI) dần trở thành sân chơi uy tín dành cho các nhà khoa học các nhà tư vấn trong lĩnh vực công trình trên toàn thế giới.

Minh chứng là ngày càng nhiều chuyên gia đầu ngành của thế giới tham gia giảng bài chuyên đề tại hội nghị. Những báo cáo công bố về các nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ mới cũng ngày một tăng.

Trong đó hội nghị GEOTEC HANOI 2019 diễn ra từ 28 - 29/11 tại Hà Nội có 260 báo cáo tóm tắt gửi đến (con số này của lần tổ chức năm 2016 là 187, năm 2013 là 112, năm 2011 là 110 bài). Các báo cáo khoa học tại hội nghị sẽ được tập hợp và xuất bản trong chuyên san của Springer – một trong những Nhà xuất bản uy tín của thế giới với tiêu đề: "Các bài giảng trong kỹ thuật xây dựng dân dụng".

Theo giới chuyên môn, Hội nghị năm nay hứa hẹn mang lại nhiều bổ ích cho sự phát triển hạ tầng bền vững của ngành xây dựng, với những bài giảng chuyên môn và những bài tham luận chất lượng về lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, nền móng, công trình ngầm, giảm nhẹ thiên tai…

Với 6 chủ đề, GS Delwyn G. Fredlund (Canada) giảng bài về trượt lở và xói mòn; GS Adam Bezuijen (Bỉ) nói về lĩnh vực hầm và công trình ngầm; GS Harry Poulos (Australia) lĩnh vực móng sâu; GS Lidija Zdravkovic (Anh) về mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; GS Mark F. Randolph (Australia) lĩnh vực kỹ thuật nền móng bờ biển; GS Masaki Kitazume (Nhật Bản) lĩnh vực gia cố nền đất.

"Việc tổ chức hội nghị và triển lãm có thể rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành Địa kỹ thuật công trình giữa Việt Nam và các nước phát triển trên Thế giới" - ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON (Trưởng ban tổ chức GEOTEC HANOI 2019) kỳ vọng.

Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019 - Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, là dịp các nhà khoa học, kỹ sư công trình trong nuớc và quốc tế kết nối, giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới.

Bên lề Hội thảo có triển lãm với 60 gian hàng, dành cho các tổ chức khoa học, các công ty, DN trong nước và quốc tế giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về thiết kế, sản xuất, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng công nghiệp.

Số lượng DN tham gia tài trợ - triển lãm năm nay trải rộng với ngành nghề sản xuất kinh doanh là thiết kế, sản xuất, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, điện gió, chống sạt lở… và hạ tầng công nghiệp. Trong đó, có nhiều DN lớn như JFE Steel, Raito Kogyo, Nippon Steel, Nihon Base (Nhật Bản), Phan Vũ, Haicatex (Việt Nam), Techfab (Ấn Độ), Glotzl (Đức)…

PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dia-ky-thuat-cho-ha-tang-ben-vung-358729.html