Địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung: Đã đến lúc thay đổi

10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (KTCNTT) được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2015. Sau khoảng 3 năm hoạt động, với những thay đổi theo chiều hướng tích cực của công tác quản lý, KTCN, cùng với đó cũng có những địa điểm KTCNTT hoạt động không hiệu quả, đã đến lúc quy hoạch lại các địa điểm này.

Địa điểm KTCNTT tại cảng Đà Nẵng là một trong số các địa điểm hoạt động không còn hiệu quả. Ảnh: N.Linh.

Từng phát huy hiệu quả

Có thể thấy trong các năm 2013, 2014, 2015, công tác quản lý và KTCN đối với hàng hóa XNK, bên cạnh mặt được thì hoạt động này cũng là lực cản đối với thương mại hàng hóa qua biên giới, làm kéo dài thời gian thông quan và tăng chi phí cho DN. Nguyên nhận được xác định là mặt hàng thuộc đối tượng quản lý và KTCN tại khâu thông quan quá nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, còn chồng chéo trong việc kiểm tra, trong khi phương pháp KTCN chủ yếu là thủ công, chưa áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra. Tại nhiều cửa khẩu quốc tế cảng biển, cảng hàng không, nơi có lưu lượng hàng hóa XNK thuộc đối tượng KTCN nhiều nhưng không có lực lượng KTCN làm việc tại cửa khẩu.

Trước thực tế đó, thực hiện công văn 7910/VPCP-KTTT của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc KTCN đối với hàng hóa XNK và Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động KTCN đối với hàng hóa XK, NK”, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các bộ chuyên ngành thành lập 10 địa điểm KTCN.

Ngay khi các địa điểm KTCNTT đi vào hoạt động, các cơ quan KTCN đã bố trí lực lượng, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, trong đó 31/39 đơn vị KTCN đã bố trí cán bộ thường trực tại văn phòng trực tiếp giải quyết thủ tục như: Tiếp nhận hồ sơ, lấy mẫu, trả kết quả kiểm tra… góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Trong từng lĩnh vực, thời gian kiểm tra đã giảm như kiểm tra VSATTP tại địa điểm Lạng Sơn giảm từ 5-6 ngày xuống còn 3-4 ngày, tại địa điểm Hà Nội giảm từ 10 ngày xuống 6 ngày.

Tuy nhiên, cho đến nay với nhiều thay đổi từ cơ chế chính sách, cũng như nhu cầu triển khai, hoạt động các một số địa điểm KTCN không còn hiệu quả.

Theo rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) hiện có 4/10 địa điểm KTCNTT còn duy trì hoạt động thường xuyên do lượng tờ khai KTCN trước thông quan nhiều và các đơn vị KTCN không có trụ sở ngay cạnh cửa khẩu, cạnh địa điểm KTCN như: Địa điểm KTCNTT tại Hải Phòng; địa điểm KTCNTT tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; địa điểm KTCNTT tại cảng Cát Lái; địa điểm KTCNTT tại Kim Thành-Lào Cai.

Tuy nhiên, 6/10 địa điểm KTCN không còn duy trì hoạt động thường xuyên, trong đó 3 địa điểm do đơn vị Hải quan bố trí: Cảng Cái Lân, Cảng Đà Nẵng, Dung Quất-Quảng Ngãi và 3 địa điểm do DN kinh doanh cảng bố trí: Móng Cái-Quảng Ninh, Sân bay Nội Bài-Hà Nội và Tân Thanh-Lạng Sơn. Hiện nay các đơn vị KTCN không cử người thường trực tại các địa điểm này, do lượng tờ khai KTCN ít hoặc không phát sinh do hàng hóa đã chuyển sang sau thông quan hoặc các đơn vị có lượng tờ khai KTCN nhiều như đơn vị kiểm dịch nhưng các đơn vị này có trụ sở ngay cạnh cửa khẩu hoặc cạnh địa điểm KTCNTT.

Chẳng hạn, địa điểm KTCNTT tại cảng Đà Nẵng do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng bố trí, tại đây có 5 đơn vị KTCN hoạt động tại địa điểm KTCNTT. Tổng tờ khai năm 2016-2018 làm thủ tục tại điểm điểm KTCNTT/Tổng tờ khai KTCN tại đơn vị là 862/4.744, tỉ lệ 18,1%, trong đó năm 2017-2018 không phát sinh tờ khai KTCN đăng kí tại địa điểm KTCNTT.

Địa điểm KTCNTT tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) do DN kinh doanh kho bố trí, tại đây có 2 đơn vị KTCN làm việc tại địa điểm KTCNTT gồm Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia và Chi nhánh công ty VP tập đoàn Vinacontrol. Hai đơn vị kiểm dịch gồm Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài và Trạm kiểm dịch động vật Nội Bài có trụ sở ngay cạnh Chi cục Hải quan cửa khâu sân bay quốc tế Nội Bài nên không bố trí tại địa điểm KTCNTT mà làm việc ngay tại trụ sở đơn vị.

Những biến động từ thực tế

Theo Bộ Tài chính đến thời điểm hiện nay (nhất là từ năm 2017) thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về KTCN đã được ban hành hoặc sẽ ban hành theo hướng cắt giảm mặt hàng phải KTCN trước thông quan, chuyển thời điểm KTCN từ trước thông quan sang sau thông quan; áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN, đẩy mạnh xã hội hóa KTCN… Đồng thời, các bộ cũng đang tích cực thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách KTCN tại Quyết định 1254/QĐ-TTg, trong đó yêu cầu nghiên cứu thực hiện bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XNK. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm áp dụng bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. Nếu Đề án được thông qua sẽ được triển khai thí điểm đối với những mặt hàng hiện đang có yêu cầu về KTCN, thời gian thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép, KTCN kéo dài trong quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa, thuộc nhóm hàng hóa thông thường và là mặt hàng được các bộ ngành đánh giá có độ rủi ro thấp, lưu lương thông qua cửa khẩu lớn… Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các địa điểm KTCNTT, do lượng hàng hóa thực hiện KTCN tại cửa khẩu sẽ giảm.

Trên cơ sở đánh giá những mặt được, chưa được của các địa điểm KTCN, mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp đối với các địa điểm KTCNTT. Bộ Tài chính cho rằng không nên tổ chức các địa điểm KTCNTT như thời gian qua. Đối với các địa điểm đã thành lập, tiếp tục duy trì đơn vị KTCN tại địa điểm KTCNTT nếu lượng tờ khai phải KTCN phát sinh nhiều; đơn vị KTCN có nhu cầu được tiếp tục làm việc tại địa điểm KTCNTTT; đơn vị bố trí địa điểm KTCNTT tiếp tục bố trí được địa điểm để các đơn vị KTCN làm việc.

Giải thể địa điểm KTCNTT hoặc đồng ý cho đơn vị KTCN dừng không làm việc tại địa điểm KTCNTT nếu lượng tờ khai phải KTCN của từng đơn vị KTCN phát sinh thấp; đơn vị KTCN có trụ sở gần địa điểm KTCNTT; đơn vị KTCN có đề nghị không cử cán bộ đến làm việc tại địa điểm KTCNTT; thủ tục KTCN đã được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử.

Cụ thể, đối với 6 địa điểm KTCNTT thời gian qua hoạt động không hiệu quả và các đơn vị KTCN kiến nghị xin rút hoạt động khỏi địa điểm KTCNTT do số lượng tờ khai KTCN đăng ký làm thủ tục thấp, Bộ Tài chính đề nghị giao đơn vị chỉ đạo các đơn vị Hải quan thông báo cho các đơn vị liên quan dừng hoạt động, bàn giao trang thiết bị. Đối với 4 địa điểm KTCNTT đang hoạt động, các đơn vị KTCN kiến nghị tiếp tục duy trì, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các đơn vị kinh doanh kho, cảng và đơn vị KTCN có nhu cầu làm việc để thống nhất cách thức hoạt động.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dia-diem-kiem-tra-chuyen-nganh-tap-trung-da-den-luc-thay-doi.aspx