Địa điểm ghi dấu tội ác đẫm máu của Pol Pot ở Việt Nam

Đây là những di tích lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt của những người dân vô tội, nhắc nhở các thế hệ sau này về tội ác của Pol Pot đã diễn ra trên mảnh đất vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc năm 1978.

1. Từ ngày 18 - 30/4/1978, 3.157 dân thường (trong tổng số 16.000 dân) ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã bị quân Khmer Đỏ sát hại dã man. Từ năm 1979, một nhà mồ đã được dựng lên ở mảnh đất đau thương này để tưởng nhớ những người đã khuất vì tội ác của Pol Pot.

1. Từ ngày 18 - 30/4/1978, 3.157 dân thường (trong tổng số 16.000 dân) ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã bị quân Khmer Đỏ sát hại dã man. Từ năm 1979, một nhà mồ đã được dựng lên ở mảnh đất đau thương này để tưởng nhớ những người đã khuất vì tội ác của Pol Pot.

Nhà mồ là nơi lưu giữ 1.159 hài cốt của nạn nhân vụ thảm sát Ba Chúc. Những hài cốt này không có người thân đón nhận, và rất nhiều trong số đó là cùng một gia đình, dòng họ. Phần lớn nạn nhân đã bị sát hại vào ngày 18/4, khi quân Khmer Đỏ vượt biên giới dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học rồi tiến hành thảm sát.

Những người sống sót trốn được vào núi Tượng, tuy nhiên họ bị phát hiện ra vài ngày sau. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết...

Không khỏi thắt lòng khi chứng kiến hài cốt hàng trăm trẻ em Việt bị Khmer Đỏ sát hại. Dã man tột cùng là việc giết chóc cả những trẻ sơ sinh dưới hai tuổi...

2. Bên cạnh nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai ở thị trấn Ba Chúc cũng là một chứng tích tiêu biểu về tội ác của Khmer Đỏ ở Việt Nam năm 1978. Vào chiều ngày 20/4/1978, khi quân Khmer Đỏ của Polpot từ Campuchia vượt biên giới tràn vào thị trấn Ba Chúc.

Tại chùa Phi Lai, quân Pol Pot đã bắn xối xả, tung lựu đạn giết chết tại chỗ hơn 80 người đang ẩn náu ở đây. Những người dân hốt hoảng tháo chạy ra cửa bị bọn chúng dùng gậy đập vào đầu hoặc bắn chết hơn 100 người nữa.

Có 40 người đang ẩn trốn dưới bàn thờ Phật, cũng bị ném lựu đạn làm chết 39 người, chỉ một phụ nữ còn sống sót nhờ nép trong góc và nhờ những xác người che chắn. Sau khi người dân Ba Chúc gồng gánh trở về, vào chùa Phi Lai, họ thấy rất nhiều xác chết nằm ngồi đủ kiểu, đang thối rữa. Khắp nơi mùi tử khí bốc lên nồng nặc.

Theo thống kê, trong số 3.157 người dân thường bị thảm sát ở thị trấn Ba Chúc, gần 200 người bị giết ở chùa Phi Lai. Ngày nay, chùa Phi Lai đã được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

3. Nhà thờ đá Hòn Chông (Xã Bình An, Huyện Kiên Lương, Tỉnh Kiên Giang) là một nhà thờ bằng đá được xây dựng từ năm 1936 – 1940. Năm 1978, nhà thờ đã bị quân Khmer Đỏ phá hủy sau khi tràn qua biên giới Việt Nam. Hàng chục giáo dân đã thiệt mạng trong biến cố này.

Ngày nay, tòa nhà thờ đá bề thế chỉ còn là phế tích đổ nát. Những gì còn lại cho thấy một cấu trúc điển hình của nhà thờ kiểu Pháp với mặt bằng hình chữ thập với hai cánh ngang mở ra hai bên giáo đường.

Giáo đường đã bị hủy hoại nặng nề, chỉ còn lại một số bức tường nham nhở. Trên nền cũ giờ đây có một đài bia tưởng niệm. Sau đài bia là hang đá, được xây dựng sau khi nhà thờ bị phá.

Tháp chuông là phần còn nguyên vẹn nhất của nhà thờ. Nhưng tiếng chuông không còn vang, mà chỉ còn lại dư âm từ sự kiện bi thảm năm 1978 vang vọng trong không gian hoang tàn, ảm đạm.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dia-diem-ghi-dau-toi-ac-dam-mau-cua-pol-pot-o-viet-nam-1170425.html