Địa đạo Nam Hồng - chứng tích lịch sử hào hùng

Là địa đạo duy nhất tại miền Bắc, địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) là chứng tích lịch sử hào hùng, thể hiện trí tuệ sáng tạo của quân và dân huyện Đông Anh nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Đến thôn Vệ, xã Nam Hồng, chúng tôi được các bô lão trong làng kể về quá trình xây dựng địa đạo. Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, công tác xây dựng làng, xã chiến đấu được đông đảo nhân dân ủng hộ bằng cách trồng tre, chặt cây rào làng, đào hố sâu giữa đường, đắp ụ chắn, đóng cọc lớn cản xe tăng, cải tạo đường thẳng thành đường ngoằn ngoèo để thuận tiện cho cách đánh du kích. Năm 1947, các cơ quan đầu não và cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng chuyển dần về các vùng ven ngoại thành hoạt động bí mật. Huyện Đông Anh được chọn xây dựng an toàn khu.

Địa đạo Nam Hồng hiện là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Địa đạo Nam Hồng hiện là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Khi phát hiện nơi hoạt động bí mật của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng ta ở Nam Hồng, thực dân Pháp đã tăng cường càn quét, khủng bố. Trước tình hình đó, ngày 4-1-1947, Đội du kích xã Nam Hồng được thành lập, tích cực “bám đất, giữ làng” vừa kháng chiến vừa sản xuất, bảo vệ bí mật, an toàn cho cơ sở cách mạng và các đồng chí lãnh đạo của Trung ương. Chính quyền và nhân dân xã Nam Hồng đã đề ra phương án đào đường hầm nối liền các thôn xóm, tổ chức thành từng cụm chiến đấu, hình thành nên hệ thống địa đạo trong lòng đất để phục vụ kháng chiến lâu dài.

Kể về những ngày xây dựng địa đạo, ông Đoàn Văn Luân ở thôn Vệ, năm nay đã 98 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Khi ấy, xã chọn những thanh niên khỏe mạnh trong đội du kích rồi giao nhiệm vụ đào địa đạo có chiều sâu hơn 1m, chiều rộng 1,4m. Các gia đình đào hầm riêng nối vào đường hầm chung của xã”. Chỉ sau một năm, quân và dân Nam Hồng đã đào hàng vạn mét khối đất đá, xây dựng gần 11km địa đạo với 465 hầm bí mật, hơn 2.600 hố chiến đấu.

Địa đạo kết hợp với hệ thống giao thông hào, lũy tre trên mặt đất tạo lối đi thuận lợi, bí mật giúp bảo toàn lực lượng của ta và ngăn chặn hiệu quả bước tiến của địch. Nam Hồng trở thành “cái gai” sát nách địch tại Thủ đô. Vì thế, thực dân Pháp tăng cường càn quét, khủng bố đẫm máu trên địa bàn xã. Với khẩu hiệu: “Mỗi thôn là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người là một chiến sĩ”, quân và dân Nam Hồng tích cực tạo dựng làng kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng làng chiến đấu, ngoài địa đạo, nhân dân đã làm thêm 380 ụ chiến đấu, sửa chữa và phát triển thêm 7km đường hào, củng cố và đắp mới gần 30.000m thành lũy nhiều tầng.

Cửa hầm dẫn xuống địa đạo Nam Hồng.

Cửa hầm dẫn xuống địa đạo Nam Hồng.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Hồng đã bị địch càn quét tới 244 lần; đốt hơn 2.000 nóc nhà; cướp hơn 300 tấn thóc, gần 100 con trâu, bò và hơn 1.000 con lợn. Cả xã không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Gian khổ khó khăn là thế nhưng quân dân Nam Hồng đã làm nên những kỳ tích oai hùng với 308 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống hàng trăm tên địch. Với những thành tích ấy, Nam Hồng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; địa đạo Nam Hồng được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Theo Thượng tá Lại Đức Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Anh, hiện nay, địa đạo Nam Hồng không chỉ là nơi lưu lại những chiến công oanh liệt của cha anh mà còn là “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dia-dao-nam-hong-chung-tich-lich-su-hao-hung-801418