Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo

Đầu năm 2013, Trạm xá quân dân y Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp được Bộ Y tế đầu tư, nâng cấp thành Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp. Đây không chỉ là niềm vui đối với y, bác sĩ của trạm xá, mà còn là sự mong mỏi từ bấy lâu nay của người dân khu vực hai bên biên giới.

Hết lòng vì bệnh nhân

Đối với gia đình anh Chơ-hu Yên ở tỉnh Prây-veng, Cam-pu-chia, năm mới 2013 này là một năm đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Bởi cách đấy ít hôm, chị Kô-la, vợ anh, đã sinh hạ được một bé gái. Không chỉ vui vì được đón thêm một thành viên mới trong gia đình, niềm vui của gia đình anh Chơ-hu Yên còn như được nhân lên gấp bội, bởi trước lúc nhập viện, vợ anh có biểu hiện đẻ khó, nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, nhân viên Phòng khám quân dân y Dinh Bà nên chị đã "mẹ tròn con vuông". Anh Chơ-hu Yên xúc động: Vợ chồng tui cưới đã được 7 năm rồi mà vẫn chưa có con. Lần này trời thương, vợ tui có bầu, mừng lắm. Không có tiền đi bệnh viện bên Cam-pu-chia, nhà lại xa nên tui quyết định đưa vợ qua Việt Nam, nhờ Phòng khám quân dân y Dinh Bà. May quá, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy thuốc ở đây, vợ tui đã "vượt cạn" an toàn...

Bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Hợp, 33 tuổi, ngụ ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông kể, cách đây ít ngày, chị được Phòng khám quân dân y Dinh Bà cấp cứu kịp thời trong tình trạng viêm dạ dày cấp, sốt xuất huyết tiêu hóa. Chị cho biết: "Trong thời gian nằm điều trị, ngày nào y, bác sĩ phòng khám cũng đến thăm hỏi, động viên". Theo nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám quân dân y Dinh Bà không những gần nhà, chi phí thấp mà khi đến đây điều trị, họ còn được chăm sóc rất chu đáo, tận tình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám quân dân y Dinh Bà.

Địa chỉ tin cậy

Tuy lực lượng, phương tiện, trang bị khám chữa bệnh còn thiếu, nhưng với tinh thần "tất cả vì người bệnh", cán bộ, nhân viên các trạm xá, phòng khám trên biên giới đã nỗ lực hết mình, cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, được người bệnh tin tưởng, yêu mến, nhất là người dân Cam-pu-chia. Không chỉ cứu chữa những bệnh thông thường, các trạm, phòng khám quân dân y kết hợp này đã trở thành địa chỉ tin cậy của những bệnh nhân nghèo trên biên giới, cả những lúc họ gặp bệnh nguy hiểm. Riêng Phòng khám quân dân y Dinh Bà, từ khi được đầu tư, nâng cấp đến nay, đã khám và chữa bệnh cho hơn 63 ngàn lượt người, trong đó có 31 nghìn lượt bệnh nhân nước bạn Cam-pu-chia.

Bà Huỳnh Ngọc Mai, 54 tuổi, trú tại xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng đang điều trị tại Phòng khám quân dân y Dinh Bà cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến khám bệnh ở đây. Trước kia, tôi hay đi khám ở ngoài, vừa xa lại vừa tốn nhiều tiền, lâu khỏi bệnh. Nay bệnh cũ tái phát, được người thân giới thiệu ra đây điều trị, tôi rất vui vì thấy các bác sĩ ở đây nhiệt tình, vui vẻ với người bệnh. Mai này hết bệnh rồi, về nhà, tôi sẽ giới thiệu mọi người ra đây khám bệnh". Còn với chị Han-suôn, ngụ huyện Priêm-chô, tỉnh Prây-veng, Cam-pu-chia, bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm đại tràng, chia sẻ: "Tôi nghe nói y, bác sĩ ở Phòng khám đa khoa quân dân y trị bệnh hiệu quả mà viện phí lại rẻ nên tôi từ Cam-pu-chia qua đây trị bệnh. Thời gian điều trị được mấy anh thường xuyên đến thăm hỏi bệnh tình và dặn dò cẩn thận, tôi thấy an tâm lắm".

Tuy chỉ là tuyến 2 của Bệnh viện quân dân y tỉnh Đồng Tháp, với 20 giường bệnh, nhưng mỗi ngày Phòng khám quân dân y kết hợp Giồng Găng, huyện Tân Hồng cũng có hơn 60 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Người bệnh tin tưởng không chỉ bởi tay nghề, mà còn là sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Theo Trung tá, bác sĩ Huỳnh Văn Khởi, Trưởng phòng khám, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu y, bác sĩ. Cả phòng khám hiện chỉ có một bác sĩ, còn lại là điều dưỡng và y sĩ. Nhưng với sự nhiệt tình và trách nhiệm, không chỉ khám và điều trị tại chỗ, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các đoàn khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Trong trận lũ lịch sử cuối năm 2011, hình ảnh những người lính quân y bất chấp khó khăn đến từng hộ dân vùng bị thiên tai khám bệnh, cấp phát thuốc cho người gặp nạn, đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp.

Trung úy Nguyễn Hoàng Hảo, Phó phòng khám đa khoa quân dân y Dinh Bà khẳng định: "Cán bộ, nhân viên ở đây luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đó là không chỉ phục vụ bộ đội, mà còn quan tâm đến sức khỏe người dân. Chúng tôi luôn thực hiện tốt 12 điều y đức, mỗi người luôn thể hiện rõ trách nhiệm trong công việc được giao. Với sự đầu tư, bổ sung 7 loại trang thiết bị hiện đại, trong đó, 3 loại quan trọng như: Máy siêu âm, máy xét nghiệm và ghế nha, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phòng khám làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn Tây Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng còn nhiều khó khăn. Nhưng với tấm lòng "thầy thuốc như mẹ hiền", cán bộ, nhân viên ở các phòng khám quân dân y kết hợp luôn hết lòng với người bệnh. Từ lâu, những phòng khám quân dân y này đã trở thành địa chỉ tin cậy của những bệnh nhân nghèo trên tuyến biên giới Đồng Tháp.

Đăng Bảy - Đức Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dia-chi-tin-cay-cua-benh-nhan-ngheo/