'Địa chỉ đỏ' tiếp lửa truyền thống ở Phú Yên

Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đó có Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng khẩn trương trong chiến tranh, ngay sau khi nghe tin Bác mất để kịp tổ chức tang lễ.

Giữa mênh mang nắng gió những ngày đầu Hạ, chúng tôi rời thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngược lên hướng Tây Bắc gần 50 cây số qua hai tuyến giao thông để về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, đúng vào thời điểm kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2018). Nơi đó có Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng khẩn trương trong chiến tranh, ngay sau khi nghe tin Bác mất để kịp tổ chức tang lễ.

Quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ nằm trên cao nguyên Vân Hòa ở độ cao hơn 400m so với mặt nước biển với nhiều hang động, sông, suối và những cánh rừng nguyên sinh, thuộc địa phận ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân - huyện Sơn Hòa.

Nơi đây có địa thế chiến lược để triển khai nhiều chiến thuật chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền núi Phú Yên, nên sau nhiều cuộc khảo sát cẩn trọng, Tỉnh ủy Phú Yên đã chọn địa bàn này để xây dựng căn cứ địa cách mạng trong suốt chặng thời gian 14 năm (1962-1975).

Cán bộ – chiến sĩ Công an Phú Yên viếng Nhà thờ Bác Hồ.

Ông Hồ Văn Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: “Trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ vào thời điểm đó, ngoài cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Ban An ninh tỉnh Phú Yên còn có Trường Đảng, Xưởng Quân giới 200, Bệnh xá Trúc Bạch, Trường y tế, Hội trường Mùa Xuân…

Tất cả đều được xây dựng bằng cây rừng, tre nứa, mái tranh trong những cánh rừng nguyên sinh, nhưng do chiến tranh diễn ra ác liệt, máy bay địch ném bom, giội pháo phong tỏa nhiều nơi nên suốt 10 năm (1962-1972) các cơ quan nêu trên thường xuyên phải di tản đến nhiều vị trí khác nhau để đảm bảo an toàn.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cơ sở vật chất các cơ quan của tỉnh Phú Yên mới được xây dựng ổn định trên địa bàn ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân cho đến ngày Phú Yên giải phóng 1-4-1975”.

Đề cập đến Nhà thờ Bác Hồ, Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên - một trong những nhân chứng sống giữa thời chiến tranh máu lửa sục sôi ở miền núi Phú Yên bồi hồi nhớ lại: “Cách đây gần nửa thế kỷ, giữa lúc quân và dân Phú Yên liên tiếp lập chiến công chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, bất ngờ Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội phát bản tin Bác Hồ từ trần.

Hàng chục cán bộ lãnh đạo ở khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Phú Yên ngồi bên radio lắng nghe thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Di chúc của Bác Hồ kính yêu trong nỗi đau và niềm tiếc thương vô hạn. Trên gương mặt đậm nét buồn của mỗi người là những dòng nước mắt tuôn trào đến nghẹn lời đau xót”.

Thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ, cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên bất thường đã được tổ chức vào sáng 4-9-1969 tại cơ quan Tỉnh ủy ở núi Hòn Dung thuộc địa phận thôn Cao Phong, xã Sơn Long để bàn kế hoạch tổ chức tang lễ Bác Hồ thật chu đáo, trọng thể, bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Để có nơi tổ chức tang lễ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định xây dựng Nhà thờ Bác Hồ. Sau khi nghe ý kiến đề xuất của các ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền nhận định, nếu xây dựng tại khu vực giếng Quán Lê có khoảng không gian trống trải, máy bay trinh sát của địch có thể phát hiện, nên phải chuyển hướng xây dựng tại dốc Đá bên trong khu rừng cây Dẻ ở thôn Phước Hòa – nay là thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, cạnh bên tuyến giao thông số 6 – nay là tỉnh lộ 643 để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ -chiến sĩ, dân quân du kích và nhân dân thăm viếng.

Lúc đó, lực lượng Công an vũ trang được giao nhiệm vụ chuẩn bị vật liệu cây cối, tranh tre, mái lá và trực tiếp xây dựng Nhà thờ Bác Hồ dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Dương – bí danh Bảy Hạnh.

Do yêu cầu khẩn trương rút ngắn thời gian nên cán bộ - chiến sĩ Công an vũ trang phải tập trung nhân lực tất bật suốt ngày đêm, chặt cây rừng, chẻ tre, bện tranh và lá song mây.

Nhà thờ Bác Hồ nằm dưới những tán cây dẻ hoàn thành sau 5 ngày nỗ lực xây dựng, đảm bảo kịp thời tổ chức tang lễ đúng ngày giờ Trung ương tổ chức tại Hà Nội (9-9-1969).

Ngoài các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Tỉnh đội, Ban An ninh… còn có nhiều người dân ở ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân – huyện Sơn Hòa đến thắp hương viếng Bác.

Mọi người tuôn trào nước mắt khi nghe đồng chí Trần Suyền đọc Di chúc của Bác Hồ bằng âm giọng trầm ấm trong đoạn: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân… Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”.

Sau khi tổ chức lễ tang Bác Hồ, Tỉnh ủy Phú Yên phát động lời kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong tỉnh biến đau thương thành hành động cách mạng, tập trung đánh bại các cuộc chiến tranh của địch, mở rộng vùng giải phóng đồng thời tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ.

Do Nhà thờ Bác Hồ xây dựng đơn sơ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nên sau một thời gian dài đã xuống cấp. Sau nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để thu thập ý kiến từ nhiều cơ quan chuyên môn, cách đây hơn 15 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên quyết định xây dựng lại Nhà thờ Bác Hồ với diện tích 132m², được mô phỏng kiến trúc nhà truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó là Nhà trưng bày hiện vật, Nhà tiếp khách, Bia khắc ghi nội dung giá trị văn hóa lịch sử di tích, Khu tổ chức các hoạt động văn hóa – vui chơi, giải trí. Công trình này hoàn thành vào ngày 2-9-2003.

Ngoài những cây dẻ cổ thụ năm xưa vẫn đang vươn cao xanh mướt, hàng trăm cây cảnh đã được trồng mới trong Khu Tưởng niệm Bác Hồ trên diện tích 2ha. Mỗi năm vào sinh nhật Bác và những ngày lễ lớn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên cùng nhiều tổ chức đoàn thể – xã hội tổ chức thăm viếng, dâng hương tưởng niệm, báo công và sinh hoạt chính trị học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, đã có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến Nhà thờ Bác Hồ để thăm viếng và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Năm 2011, các công trình cơ quan Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn, Hội trường Mùa Xuân, Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng, cơ quan Tỉnh đội, Xưởng quân giới 200, Bệnh xá Trúc Bạch, Trường y tế… cũng được đầu tư tôn tạo để phục vụ nhu cầu tham quan, học tập truyền thống cách mạng.

Quần thể “Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng theo Quyết định số 68/2008/BVHTTDL ngày 22-8-2008.

Du khách nước ngoài viếng thăm Nhà thờ Bác Hồ.

Ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, Nhà thờ Bác Hồ không chỉ là công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất, mà hàng chục năm qua nơi ấy còn là địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ - chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên - thanh niên và nhân dân Phú Yên về nguồn tìm hiểu, học tập truyền thống cách mạng kiên cường của quân và dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến, đồng thời thăm viếng, tưởng niệm Bác Hồ kính yêu”.

Về thăm Nhà thờ Bác Hồ ở Phú Yên hôm nay trên con đường rộng mở thênh thang xuyên suốt những tuyến giao thông ở miền Tây Phú Yên uốn lượn giữa bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng nối tiếp những vườn cao su, cà phê, hồ tiêu, sắn, mía.

Vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên năm xưa đã và đang đổi mới phát triển kinh tế – xã hội tạo nên một diện mạo mới. Bên trong Nhà thờ Bác Hồ, những cán bộ – chiến sĩ Công an, Quân đội Phú Yên thành kính dâng lên bàn thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc những nén hương thơm.

Mỗi người đều tâm nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp trí tuệ, công sức của mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/dia-chi-do-tiep-lua-truyen-thong-o-phu-yen-491848/