Địa chỉ của trách nhiệm

Chẳng hạn sau khi Luật Chăn nuôi được thông qua thì có còn xảy ra những 'chiến dịch giải cứu heo ế'? Nếu vẫn dư thừa, khủng hoảng thì ai phải chịu trách nhiệm hay là cũng 'chẳng ai cả'?

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quốc hội

Luật Chăn nuôi, một dự án luật tưởng như chuyên ngành hôm qua được thảo luận tại Quốc hội, hóa ra là bao nhiêu vấn đề được đặt ra liên quan đến cả triệu nông dân cũng như cả nền kinh tế.

Nhớ trong phiên thảo luận tổ, ĐBQH - Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường từng phàn nàn về các quy định chất thải chăn nuôi đang “làm vướng doanh nghiệp”.

“Mặc dù Bộ NNPTNT quản lý về nông nghiệp, nhưng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi lại được ban hành bởi Bộ TNMT. Trong đó, nhiều tiêu chuẩn được đặt ra cao đến mức không thể thực hiện được”.

Cao là như nào? Là “Quy chuẩn 62 đã thiết lập một chuẩn rất cao, cao đến mức mà nước thải cho chăn nuôi nhưng người có thể nhảy ùm xuống tắm được” - lời Bộ trưởng, và theo ông “Trình độ kinh tế như nước ta thì chỉ nên đòi hỏi vừa phải, nhưng các anh ấy lại tham chiếu ở những nước rất tiên tiến”, trong khi “Nếu lấy tiêu chuẩn cao quá thì khi kiểm tra, ai cũng vi phạm, mặc dù trong thực tiễn thì không gây ảnh hưởng nhiều đến bên ngoài”.

Là Bộ trưởng, ông có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp ngành chăn nuôi không sai. Chỉ có điều bảo “hạ quy chuẩn” vì “trình độ kinh tế” thì dân đâu có chịu. Yếu tố cần cân nhắc giữa lợi quyền doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường có lẽ không cần phải đem đong đo. Huống chi quy định nước thải “có thể nhảy ùm xuống tắm được” là đúng, là văn minh chứ sao lại là vô lý. Huống chi còn bao nhiêu điều mà một dự án luật cần phải giải quyết chứ không chỉ lấy luật là cơ hội để bảo vệ quyền lợi ngành.

Không nói đâu xa, chuyện thịt heo tăng giá, rất nóng và rất bất thường lẽ ra phải được coi như vấn đề thực tiễn thời sự gắn với việc ban hành luật. Bởi, nói như ĐBQH Lê Thị Thủy, ngoài các vấn đề quy định về kỹ thuật, lẽ ra luật cần phải làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ NNPTNT, cũng như chính quyền các cấp. Khi xảy ra sự cố, giải cứu nông sản dư thừa phải xem xét trách nhiệm của ai? Để xảy ra dịch bệnh thì trách nhiệm của ai. Chứ “hiện nay là không ai cả”!

Yếu tố kỹ thuật không thể thiếu trong một luật chuyên ngành, nhưng nếu một dự án luật dù là chuyên ngành mà lại không ràng buộc trách nhiệm hay “chỉ chung chung” thì rõ ràng chuyện giải quyết sự cố, khủng hoảng e là hơi khó.

ANH ĐÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/dia-chi-cua-trach-nhiem-613073.ldo