'Địa bàn nào có đồn Biên phòng đứng chân, đó là niềm hạnh phúc' (bài 2)

BĐBP thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tỉnh ngộ trước những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn… Đó là những hình ảnh, câu chuyện mà chúng tôi bắt gặp khi đi dọc vùng biển Phú Yên. Những việc làm không thể đong đếm ấy đã trở thành 'tấm lá chắn' hữu ích, giúp người dân nơi đây có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Bài 2: Tấm lá chắn bảo vệ địa bàn

Giữ yên bình cho nhân dân

Trong hành trình đi dọc vùng ven biển Phú Yên, tôi đã gặp không ít những câu chuyện xúc động về sự chuyển hóa ý thức, đổi thay tích cực về hành động của người dân trong sự đồng hành của BĐBP.

“Hồi ấy, vốn làm ăn ít, lại muốn nhanh có tiền, tui đã dùng thuốc nổ đánh cá, không nghĩ gì việc phạm pháp và bảo vệ mạng sống của mình. Từ ngày sắm chiếc ghe nhỏ đánh cá ven bờ, cuộc sống gia đình đâu thiếu, mà tâm trí mình nhẹ hẳn, không còn sợ bị truy bắt hay chết bất đắc kỳ tử vì thuốc nổ. Bước đổi đời này là nhờ anh em Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên” - ngư dân Huỳnh Đồng Phương, ở làng biển Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thổ lộ.

Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng An Hải, ngư dân Huỳnh Đồng Phương đã chuyển đổi nghề với cuộc sống hiện tại no đủ. Ảnh: Phương Oanh

Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng An Hải, ngư dân Huỳnh Đồng Phương đã chuyển đổi nghề với cuộc sống hiện tại no đủ. Ảnh: Phương Oanh

3 năm trước, ông Phương bị cán bộ Đồn Biên phòng An Hải bắt quả tang, bị xử phạt 10 triệu đồng về hành vi đánh bắt cá bằng thuốc nổ ở vùng biển Hòn Chùa (huyện Tuy An). Song, ông Phương trước mắt chúng tôi giờ đã là một ngư dân tự tin, có thái độ sống tích cực. Ông Phương thú nhận: “Từ lúc bị bắt, tui đã bỏ hẳn “nghề” đánh bắt bằng thuốc nổ. Đó là cơ may để tui thoát khỏi cuộc sống bế tắc”.

Ông Phương còn cho biết, 3 năm qua, gia đình ông vẫn được anh em BĐBP thường xuyên đến thăm, động viên, hỗ trợ tiền, sách vở cho đứa con trai út học lớp 8 đến trường. Điều đó khiến ông không bị mặc cảm, càng thêm quyết tâm thay đổi, sống tốt hơn.

Sau thời gian đi làm thuê cho một chủ thuyền lưới rút trong làng, hiện, ông Phương đã mua được chiếc ghe nhỏ chạy ven bờ. Mỗi chuyến biển, tối đi, sáng về, vợ chồng ông thu được 300 đến 400 nghìn đồng, đủ chi tiêu cả nhà. “Ông bà mình nói đúng, đã làm cái “nghề” đánh bắt hủy diệt, nếu không mất mạng thì hết đời trong nhà cũng chẳng có cái gì. Tui ngẫm, hàng chục năm ngụp lặn với thuốc nổ, vẫn chỉ có căn nhà tuềnh toàng, không sắm nổi chiếc sõng đi biển. Từ ngày dứt “nghề” đánh bắt bằng thuốc nổ, hai vợ chồng làm thuê, tích góp. Giờ có ghe thì yên tâm làm ăn, không quá lo thiếu hụt” - ông Phương chia sẻ.

Ông Huỳnh Đồng Phương chỉ là một trong hàng chục ngư dân tôi gặp, được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Phú Yên thuyết phục từ bỏ lối đánh bắt hủy diệt, chọn cho mình phương cách làm ăn an toàn.

Ngư dân Nguyễn Quang, ở thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từng vướng phải vụ việc xô xát trên biển mà mỗi khi nhắc lại, ông vẫn cảm thấy rùng mình. Đó là sự cố xô xát giữa ông với một chủ thuyền nhiều năm trước, khi đang ở giữa biển khiến ông suýt mất mạng, còn phương tiện thì hư hỏng nặng.

Nhớ lại chuyện cũ, ông Quang kể, hôm đó, ông ra biển làm mành tôm. Do không làm chủ tốc độ, khi xuất bến, chiếc ghe của ông sơ ý đâm vào phần sau ghe ông Lê Văn Lợi. Hai bên cãi vã đôi chút, ông Quang cho ghe đi tiếp. Tuy nhiên, do còn ấm ức vì đã bị xúc phạm, chạy được vài trăm mét, ông quay lại, lên ga hết tốc độ cho ghe đâm mạnh vào phương tiện của ông Lợi. Phần ông Lợi, trong lúc còn nóng giận, nhìn thấy ghe ông Quang quay lại, cũng "lên ga", lao tới thật mạnh. Hai chiếc ghe đâm sầm vào nhau với tốc độ cao khiến ông Quang bị văng xuống biển. Cả hai phương tiện đều nứt, vỡ toang nhiều mảnh ở thân, nước tràn vào khoang. Bà con ở gần đó đã cứu vớt ông Quang đưa vào bờ và điện báo cho Đồn Biên phòng Xuân Hòa.

Vài phút sau, cán bộ địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Hòa đã có mặt ở hiện trường. Cùng với huy động người dân trục vớt các thiết bị, ngư cụ của 2 ghe bị rơi xuống biển, các chiến sĩ Biên phòng đã nhanh chóng lập biên bản kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hiện trường, xác định các dấu vết trên 2 phương tiện và ghi nhận lời khai của người trong cuộc, các nhân chứng.

Công tác hòa giải được anh em BĐBP tiến hành suốt nhiều ngày với sự phân tích, chỉ rõ những phần lỗi của mỗi bên, kiên trì đấu tranh, thuyết phục. Sau vụ xử, không chỉ ông Quang, ông Lợi mà bà con thôn 2, xã Xuân Hải đều "tâm phục”, “khẩu phục" về sự sâu sắc trong cách hòa giải của anh em đồn Biên phòng. Ông Quang và ông Lợi, từ chỗ không nhìn mặt nhau đã bắt tay vui vẻ, hứa cùng nhau giữ hòa khí để yên tâm làm ăn. “Đúng như anh em BĐBP đã khuyên can, làm ăn trên biển mà mâu thuẫn, hiềm khích, xung đột thì không bao giờ khấm khá được. Cứ xuống ghe là hồi hộp, xem đối phương có chuẩn bị tấn công mình không. Một thời, những chuyện bất hòa, gây gổ trên biển xảy ra khá thường xuyên, nếu không có anh em BĐBP kịp thời “hạ nhiệt” thì ngư dân khó tránh khỏi những tai họa, hiểm nguy” - ông Quang khẳng định.

Xây dựng cộng đồng an toàn

“Đến các làng biển Phú Yên bây giờ, không khó để nhận ra, bên cạnh sự phát triển về đời sống, đã có một bước ngoặt lớn về đổi thay trong cách làm ăn, cách ứng xử của bà con ngư dân. Đã không còn kiểu mạnh ai nấy làm, ghe thuyền ai nấy biết. Tình đoàn kết xóm làng cũng sâu sắc hơn. Ngư dân ra biển luôn sẵn sàng chia sẻ cho nhau thông tin luồng cá. Tàu thuyền gặp gió bão, bị sự cố rủi ro là mọi người cắt cử nhau lai dắt, động viên, hỗ trợ nhau khôi phục lại nghề. Tinh thần bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là thành quả của một quá trình tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành mà không thể không nói đến vai trò của anh em BĐBP” - Trưởng ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Phú Yên Bùi Thanh Toàn khẳng định.

Chia sẻ về những thành quả trong công cuộc xây dựng địa bàn Biên phòng vững mạnh, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên bộc bạch: “Chúng tôi luôn lấy nhân dân làm trung tâm để từ đó lắng nghe, chia sẻ, kết nối rồi vận động, thuyết phục bà con. Đến nay, BĐBP Phú Yên đã thành lập gần 120 tổ “Tàu thuyền an toàn” với hơn 5.000 ngư dân tham gia. Dựa vào lực lượng này, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định làm ăn trên biển, xây dựng trong cộng đồng ý thức tôn trọng pháp luật, tham gia đấu tranh bảo vệ ngư trường an toàn, hướng tới phát triển bền vững”.

Có mặt tại Hội nghị tuyên truyền Nghị định 96 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” do Đồn Biên phòng Xuân Hòa tổ chức tại xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) mới đây, chúng tôi thật sự phấn khởi với sự có mặt rất đông của bà con ngư dân. Sau khi báo cáo viên của BĐBP thông tin về nội dung nghị định, đã có cuộc đối thoại sôi động giữa ngư dân và cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, với tinh thần chia sẻ, lắng nghe và thống nhất thực hiện.

Ngư dân Huỳnh Cường phấn khởi cho biết, các Tổ, đội “Đoàn kết đánh bắt” do BĐBP vận động tổ chức vẫn duy trì hoạt động thường xuyên. Ngoài việc đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, bà con còn thông tin những vướng mắc, những bất cập trên đường làm ăn cho tổ trưởng để báo cáo cho BĐBP.

Ông Cường dẫn chứng: “Ngư trường thị xã Sông Cầu là vùng nuôi trồng thủy sản lớn. Đây là vùng cấm hoạt động của các tàu công suất lớn. Thế nhưng nhiều năm trước, phương tiện giã cào đôi của ngư dân các nơi vẫn đến địa bàn, lén lút cào, khiến cho vùng nuôi ô nhiễm, tôm hùm không sống được. Sau khi nghe dân báo cáo, Đồn Biên phòng Xuân Đài và Đồn Biên phòng Xuân Hòa đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thị xã tổ chức nhiều đợt truy quét, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, mùa biển năm nay, hiện tượng tàu giã cào đến địa bàn đã giảm rõ. Môi trường vùng nuôi được giữ ổn định, bà con hết sức tin tưởng, phấn khởi”.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dia-ban-nao-co-don-bien-phong-dung-chan-do-la-niem-hanh-phuc-bai-2-post438718.html