Đi xem đám cưới

Xưa làng có đám cưới là trẻ con thục mạng chạy đi xem. Chẳng có gì cho đám trẻ con lau nhau, nhưng chúng vẫn ở đấy.

 Đám cưới - ngày vui không chỉ của gia đình cô dâu, chú rể mà còn là sự kiện đầy háo hức của trẻ em.

Đám cưới - ngày vui không chỉ của gia đình cô dâu, chú rể mà còn là sự kiện đầy háo hức của trẻ em.

Nhất là ngày chưa cấm pháo, đón dâu về đến cổng nhà trai là bao giờ cũng có pháo mừng trước khi vào nhà, ít nhất là 1 bánh, nhiều thì kết vài bánh dài từ ngọn cây xuống đất.

Mùa cưới, tầm hai giờ chiều mà nghe thấy tiếng pháo này biết ngay là đám đón dâu đã về nên dù đang bận học hay dở việc gì đi nữa thì đám trẻ con cũng bỏ đấy hồ hởi đi xem cho bằng được.

Đám cưới ở quê thường là mời cả làng, nhà nào họ to, chi trên và có quan hệ rộng là mời cả vài làng trong xã, chưa kể khách thiên hạ của bố mẹ, hay con cái dâu rể trong nhà.

Trước đám cưới dăm ba ngày cả nhà trai nhà gái đều tiến hành đi mời. Thường là đích thân bố mẹ cô dâu, chú rể sẽ đi mời những nơi quan trọng, cần thiết như chi trên hay họ mạc. Anh chị lớn tuổi biết ăn nói, bạo dạn cũng có thể thay bố mẹ đảm đương việc mời này.

Mời đám cưới thường vào buổi chiều tà, giờ thổi nấu bữa chiều, vì giờ này mọi người mới đi làm về. Người đi mời đám cưới thường cầm theo 1 cái que nhỏ, phòng đến nhà người ta có chó dữ.

Có thể người đi mời không cần vào tận trong nhà ngồi uống nước mà chỉ đứng ngay hiên nhà, hoặc trong sân nhà là được. Câu mời quen thuộc mà nhiều người vẫn nói bao năm là:

"Đến ngày (giả dụ) 16 âm này, tức 8 dương, bố mẹ cháu cho em cháu đi ở riêng, thay mặt gia đình cháu sang mời ông bà và các cô các chú ngày 15 sang uống nước, làm giúp bố mẹ cháu. 16 sang ăn cơm với gia đình, rồi đưa em cháu về nhà chồng".

Thường thì những đám kín tiếng, hay lấy người thiên hạ mới được thăm hỏi thêm đôi câu chứ cùng làng thì người được mời nhận lời mời là xong.

Lời mời này cũng thường được ngầm hiểu là người được mời cũng chỉ đến uống nước tối hôm trước, chứ nếu là ăn cỗ đúng ngày cưới và tham dự lễ cưới của đôi trẻ thì cha mẹ cô dâu phải đến tận nơi mời.

Con trẻ chen chân xem đám cưới.

Đám trẻ con trong nhà nhận được thông tin này là chúng thắc thỏm, ngay hôm trước, khi nhà có đám cưới dựng rạp, kê bàn là chúng đã le ve, xem từ việc người ta kê loa đài, thử am-ly đến treo đèn măng xông hay nối dây mắc bóng điện. Lúc khách đông, bọn trẻ con cũng vẫn lăng xăng xung quanh các bàn khách ngồi uống nước.

Đám cưới ở quê xưa chỉ có mỗi nước chè chén và đĩa cau trầu, nhà nào sang có thuốc lá bao, không thì chỉ thuốc cuốn. Chẳng có gì cho đám trẻ con lau nhau, nhưng chúng vẫn ở đấy. Một vài anh chị thanh niên khi vãn khách lên cầm mic hát khiến bọn trẻ như bị mê hoặc.

Chúng há hốc mồm nghe các anh hát, đôi khi thấy các anh chị trêu nhau cũng ngoạc mồm cười theo, dẫu không mấy hiểu.

Đứa nào được trêu, anh đưa mic cho thì ngại, nép vào thằng đứng trước cười thẹn. Những đứa nhà xa thì phải về sớm hơn, những đứa nhà hàng xóm thì mãi khuya, mẹ gọi ời ời mới chịu về.

Hôm sau là ngày ăn cỗ, đám trẻ con trong diện bố mẹ làm giúp hay họ hàng đương nhiên được xếp mâm trẻ con, cho ăn trước.

Còn đám người làng thì tuyệt nhiên không có đứa nào dám bén mảng đến. Vì chúng đã được bố mẹ, ông bà dặn không được đi ăn chực, làm thế người ta tưởng nhà mình chết đói. Thế nên đám này chỉ xuất hiện lúc đón dâu.

Nếu gần nhà gái, đám cưới đi bộ, chúng cũng trực sẵn, chờ nhà trai đến, chờ giao dâu xong là theo đoàn đi đưa dâu về nhà trai. Bàn ghế tươm tất, hoa đu đủ tỉa, nhuộm hồng, nhuộm vàng thật tươi. Xưa đám cưới thường tỉa hoa đu đủ còn hoa cắm hoa lọ thường là thược dược và đồng tiền.

Có lẽ hoa tươi trong đám cưới là thứ thu hút đám trẻ nhất. Vì ngoài trầu thuốc nay thêm mỗi hoa, không có gì cho chúng mà chúng vẫn vòng trong, vòng ngoài xem. Chúng còn bám vai, bám cổ nhau cười nói rôm rả, vui ra mặt.

Cô dâu chú rể hồi hộp còn trẻ con thì háo hức.

Khi các cụ và cô dâu chú rể vào làm lễ, khách ổn định chỗ ngồi, thì chúng cũng tìm được chỗ vòng ngoài đứng xem say sưa. Đám xem này không chỉ trẻ con mà có cả các chị trung niên, đứng tuổi.

Vì nhiều lý do mà không đi đón dâu, không diện bộ ngồi trong ghế kia thì nay dâu về cũng sang ngó một tí. Nhiều chị, nhiều bà bận cháu còn bế cả cháu trên tay sang xem.

Nhà sân rộng thì không sao, nhiều nhà khách đông, sân lại chật, trẻ con đứng cả lên tường hoa xem cô dâu, chú rể. Chúng dán mắt khi cô dâu chú rể, phù dâu, phù rể lễ gia tiên xong tiến ra bàn chính ngồi. Chúng cũng bàn tán, chỉ trỏ với nhau không ngớt.

Chúng đứng chí chóe như thế cho đến khi anh dẫn chương trình cầm mic thử 1,2,3,4 xong và giới thiệu với ‘’hội hôn’’ đại diện 2 họ phát biểu. Trẻ con vẫn nghết cổ xem bằng được các cụ phát biểu, cho dẫu chúng không mấy hiểu những lời căn dặn của các bậc ông bà, cha chú dành cho cô dâu chú rể.

Anh dẫn chương trình bạo dạn, ăn nói khéo, sau phần thủ tục sẽ đến phần văn nghệ. Thường thì người họ nhà trai hát trước, sau đến người họ nhà gái hát.

Đám trẻ con cười sướng, hoan hô cổ vũ nhiệt liệt, đôi đứa còn hát theo. Nhiều chị bên họ nhà gái thẹn, phải kéo mic về bàn hát, đám trẻ con cười ngặt và cổ vũ nhiệt tình, đến nỗi chị kia càng run.

Cô dâu ngồi trong bàn, kề vai bên chú rể, cô e thẹn không dám ngước lên nhìn xung quanh, đôi khi nói một câu gì đó với chú rể. Bọn trẻ con cũng đăm đăm nhìn theo, rồi nhìn nhau cười. Thật không hiểu nổi bọn này.

Trẻ con chen chân vào từng bàn, chờ đến lúc là lặt hoa cắm trên bàn.

Khi anh dẫn chương trình nói đến câu "Mời các cụ các ông, các bà ăn trầu, xơi thuốc mừng cho hạnh phúc của đôi trẻ"… thì mặc nhiên cả trẻ con và người lớn đều biết rằng đã đến lúc hôn lễ kết thúc. Mấy chị muốn lấy hoa tươi đã nhanh chóng rút hoa ra khỏi lọ, cầm trên tay.

Một số bàn chưa ai lấy thì bọn trẻ con a la xô vào tranh. Nhiều đứa ngã dúi dụi vào đám thanh niên, nhiều người lớn vằn mắt quát, nhiều người cũng thây kệ. Có đám cưới cô dâu là người thiên hạ, người lớn nói to như thể thanh minh với họ nhà gái vì đám trẻ con này hư, nhưng cũng mong nhà gái thông cảm vì chúng là trẻ con.

Dường như không chú ý đến thái độ người lớn, rất nhanh sau đó, vài đứa có hoa trên tay, sung sướng ra mặt và tỏ ra rất sỹ với những đứa còn lại.

Chưa hết, khi cô dâu vào phòng cưới, đám trẻ con cũng theo vào. Bị người lớn đuổi, thì chúng ngó qua cửa sổ, nhìn vào rồi cười hi hí với nhau…

Đám cưới tan, họ nhà trai tiễn họ nhà gái ra về. Những con ngõ trong làng nhiều người vui và diện, biết ngay là họ từ đám cưới ra. Nhiều anh viện cớ xin đến nhà mấy chị gái chơi. Họ đứng ở đầu ngõ với nhau trao qua đổi lại câu chuyện, bọn trẻ con cũng đứng tròn mắt nhìn, nghe và cười ré lên rồi chạy mất hút. Đôi khi thấy bông hoa đồng tiền đơn vừa tranh giành nhau bị phi vào rặng rào…

Bẵng đi đã mấy chục năm, những đám cưới hồi ấy cô dâu chú rể đã lên ông lên bà, đám đi xem đám cưới ngày ấy cũng đã bạc tóc.

Anh chị em cách xa nhau đến mươi mười lăm tuổi mà ngồi kể chuyện đám cưới xưa cứ cùng vanh vách không kém nhau câu nào, chuyện gì. Đúng là ngày ấy ít sự kiện, đám cưới vui thế, trẻ con tham dự như thể là đương nhiên và bao nhiêu "tội" của chúng cũng được "đại xá" hết.

‘’Đi xem đám cưới’’ giờ nghĩ lại thấy đúng là vô duyên, nhưng thôi, ngày bé và ngày xưa nó thế, vui và nhớ lắm.

Xin được nhớ đến già điều vô duyên đáng yêu đã thuộc về quá khứ này.

Nguyễn Minh Hoa

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/di-xem-dam-cuoi-d263951.html