Di vật khảo cổ dưới lòng đất Nhà Quốc hội: Lắng đọng lịch sử ngàn năm

Dưới lòng đất Nhà Quốc hội, cuộc khai quật năm 2008 - 2009 do Viện Khảo cổ học thực hiện đã phát hiện được 140 di tích cùng hàng nghìn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ chồng xếp, đan xen nhau.

Để tạo nên sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, một phần không gian dưới 2 tầng hầm tòa nhà đã được dành làm khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất. Dự án này vừa được bàn giao cho Hà Nội và hứa hẹn sẽ gợi mở cho công chúng nhiều điều hấp dẫn về lịch sử ngàn năm qua của các triều đại.“Bí mật” dưới lòng đất Nhà Quốc hộiTrải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, hầu hết dấu ấn vàng son của kinh đô Thăng Long – các dấu tích cung điện, lầu son, gác tía đều không còn tồn tại trên mặt đất mà ẩn mình sâu dưới lòng đất, dưới những con đường, khu phố của Thủ đô Hà Nội.

Năm 2008 – 2009, tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, các nhà khảo cổ học đã khai quật và đã tìm thấy nhiều loại hình di tích, di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, góp thêm bằng chứng khẳng định khu vực này là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của Trung tâm Cấm thành Thăng Long. Đồng thời khẳng định rõ quy mô rộng lớn của Cấm thành cùng những thành tựu nổi bật của các vương triều trong quy hoạch đô thị, minh chứng sức sống truyền thống và sự phát triển rực rỡ của văn hóa, văn minh Đại Việt.Để tạo sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, một phần không gian của Nhà Quốc hội đã được dành để làm nơi trưng bày, giới thiệu một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật dưới lòng đất. “Trên cơ sở đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện nghiên cứu và triển khai thực hiện đề án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” - PGS Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết.

Khu trưng bày dưới 2 tầng hầm Nhà Quốc hội được nghiên cứu, thiết kế theo lát cắt địa tầng khảo cổ, diễn biến thời gian từ xưa lại gần và nội dung được thể hiện lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật. Trong đó, di tích là “hồn cốt” của khu trưng bày. Cụ thể, tầng hầm 2 trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ xây dựng Kinh đô Thăng Long gồm Đại La và thời Đinh – Tiền Lê. Tầng hầm 1 trưng bày thời kỳ Thăng Long, từ thời nhà Lý định đô Thăng Long đến thời nhà Trần và thời nhà Lê. Đặc biệt tại khu trưng bày, lịch sử vàng son của Kinh đô Thăng Long hoa lệ thời Lý được diễn giải sinh động, đặc sắc kết hợp với phong cách trình diễn mapping (vẽ tranh bằng ánh sáng), media, hologram (công nghệ trình chiếu hình ảnh 3D trong không gian), đồ họa và ánh sáng, âm thanh hiện đại.

Đường đi xuyên suốt trong khu trưng bày được làm bằng kính dày, trong suốt, phía dưới mô tả công trường khai quật Hoàng thành giúp người xem có thể đi phía trên và nhìn trực diện các điểm. Toàn bộ hình thái kiến trúc cung điện thời Lý được phục dựng bằng công nghệ 3D và chiếu sáng nghệ thuật giúp nổi bật trọng tâm hiện vật. Hệ thống tủ trưng bày di vật sắp đặt so le trong lòng di tích, xen kẽ là các media trình chiếu trên nền tối bên trong các không gian của di tích, giúp cho người xem có thể dễ dàng hình dung về quy mô và vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.Ngoài ra, hai bức tranh khổ lớn với tên gọi “Rồng bay” và “Bình minh Thăng Long” được ghép từ những mảnh vỡ của các loại gạch ngói tìm được trong quá trình khai quật khu di tích Kinh đô Thăng Long cũng được trưng bày. Nếu “Rồng bay” được lấy cảm hứng từ sự kiện vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư về đóng đô tại Thăng Long, thì bức “Bình minh Thăng Long” tôn vinh vẻ đẹp lá đề và đầu ngói ống họa tiết hoa sen - nét kiến trúc mái biểu tượng của cung điện thời Lý.Điểm tham quan trong tương laiVừa qua, UBND TP Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ bàn giao Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội. Tại buổi lễ, PGS Bùi Nhật Quang chia sẻ: “Mặc dù chưa chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan nhưng từ năm 2017 - 2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Văn phòng Quốc hội đã đón tiếp 13.780 khách tham quan với 315 đoàn khách trong nước và quốc tế. Các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước đều đánh giá cao về khu trưng bày và nhận xét rằng, đây là một bảo tàng độc đáo nhất Việt Nam hiện nay và là bảo tàng hiện đại hàng đầu ở chấu Á cũng như thế giới”.

Các chuyên gia bảo tàng học trong nước, quốc tế đánh giá rất cao Khu trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, cho đây là một bảo tàng thú vị và độc đáo nhất hiện nay ở nước ta, thể hiện được sự hiện đại và đẳng cấp, ngang tầm vóc với xu hướng của thế giới về phong cách trưng bày. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, lễ ký bàn giao là bước đi cụ thể hóa việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam theo khuyến nghị của ICOMOS (Hội đồng về di tích và di chỉ thuộc UNESCO), nhất thể hóa quản lý khu di sản, bảo đảm tính tổng thể, toàn vẹn của khối di tích, di vật đã được khai quật dưới lòng đất Nhà Quốc hội. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa các giá trị của bảo tàng dưới lòng đất Nhà Quốc hội, các nhà khoa học đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tính đến việc đầu tư đồng bộ, hài hòa và tương xứng về tính hiện đại. Từ đó, đưa các khu trưng bày trong tòa Nhà Quốc hội trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và độc đáo trong tương lai. Đồng thời, để bảo đảm sự hoạt động thông suốt của khu trưng bày, hạn chế những phản cảm khi mở cửa phục vụ khách tham quan, toàn bộ hệ thống thiết bị trưng bày cần phải được quan tâm duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đặc biệt, không làm hư hỏng, biến dạng di tích, di vật.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/di-vat-khao-co-duoi-long-dat-nha-quoc-hoi-lang-dong-lich-su-ngan-nam-397680.html