Dĩ vãng thời Hiệp ước Oslo

Cái bắt tay trên thảm cỏ ở Nhà Trắng cách đây 25 năm đã đặt dấu mốc đầu tiên cho Hiệp ước Oslo mang tính bước ngoặt, làm dấy lên hy vọng rằng hòa bình giữa Israel và Palestine cuối cùng cũng có thể đạt được. 25 năm sau, niềm hy vọng đó đã phai nhạt dần, còn Hiệp ước Oslo thì bế tắc: Khu Bờ Tây vẫn bị chiếm đóng trong khi Dải Gaza đang nằm trong tay Phong trào Hồi giáo Hamas và dưới sự kiềm tỏa của Israel. Rồi người ta lại bồi hồi nhớ lại thời dĩ vãng...

Các bên tham gia ký Hiệp ước Oslo tại Nhà Trắng (Mỹ) năm 1993. Ảnh: History.com

Các bên tham gia ký Hiệp ước Oslo tại Nhà Trắng (Mỹ) năm 1993. Ảnh: History.com

Ngày 13-9-1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Yasser Arafat đã bắt tay nhau, đánh dấu một sự kiện quan trọng là Hiệp ước Oslo ra đời. Hiệp ước Oslo năm 1993 nêu rõ rằng "đã đến lúc phải chấm dứt hàng thập kỷ đối đầu và xung đột" và "nỗ lực tìm cách chung sống trong hòa bình".

Mặc dù hiệp ước này không đề cập cụ thể đến việc thành lập Nhà nước Palestine, song nó có đề cập đến các cơ chế tự quản, bao gồm cả Chính quyền Palestine. Là một bên tham gia ký các hiệp ước Oslo, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã công nhận Israel, và Israel cũng công nhận PLO là đại diện hợp pháp của người Palestine. Đây là thành tựu lớn thời kỳ đó, sau hàng thập kỷ thù địch giữa hai bên.

Năm 1994, Thủ tướng Israel khi đó là Rabin, Chủ tịch PLO Arafat và Ngoại trưởng Israel Shimon Peres đã cùng nhận giải Nobel Hòa bình. Nhưng rồi thảm kịch đã xảy ra. Rabin đã bị một kẻ cực đoan cánh hữu người Israel ám sát năm 1995, và tiến trình quá độ kéo dài 5 năm theo hiệp ước Oslo lần thứ hai ký năm đó đã hết hạn mà không có một thỏa thuận nào thay thế.

Năm 2000, phong trào Intifada thứ 2 của người Palestine nổ ra. Kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2007, phong trào trên đã 3 lần tham chiến với Israel. Israel tăng cường các hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, vùng đất mà họ đã chiếm đóng kể từ năm 1967, mảnh đất mà người Palestine coi là một phần của nhà nước của họ trong tương lai.

Hiện giờ, khoảng 600.000 người định cư Israel đang sinh sống ở đó và Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn trở thành thủ đô của họ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện cũng lãnh đạo một chính phủ được coi là thiên tả nhất trong lịch sử Israel, với các thành viên chủ chốt trong liên minh của ông đều muốn phần lớn khu Bờ Tây trở thành một phần của Israel.

Lối thoát?

Israel và Hamas đang đứng trên bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện khác ở Gaza. Lối thoát khả thi duy nhất khỏi chu kỳ leo thang đang diễn ra là các bên liên quan phải sử dụng cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt” để đưa đến hòa giải nội bộ Palestine, từ đó cho phép Chính quyền dân tộc Palestine (PA) kiểm soát Dải Gaza.

Tình trạng leo thang gần đây giữa Israel và Hamas đạt mức căng thẳng nhất kể từ cuộc chiến năm 2014. Thực tế cho thấy không có vấn đề nào được giải quyết trong vòng 4 năm qua và các bên vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Chỉ có các cuộc đọ súng ngày càng tồi tệ, tình trạng phong tỏa đang khiến cho cuộc sống của người dân Palestine gần như không thể chịu đựng nổi.

Giải pháp mà Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) đề xuất từ lâu xoay quanh việc Palestine phải nhất trí với một hình thức hòa giải nội bộ cho phép PA kiểm soát Dải Gaza. Nhưng cũng phải cân nhắc khả năng PA do Phatah chi phối không muốn chiếm lại Gaza.

Theo giới phân tích, họ coi Gaza là một gánh nặng kinh tế khổng lồ và họ đang tận hưởng thu nhập từ thuế ở Gaza mà không có bất kỳ trách nhiệm nào với vùng lãnh thổ này; trong khi họ đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế của chính họ ở Bờ Tây. Quan trọng hơn, Phatah muốn tiêu diệt Hamas chứ không phải ném chiếc phao cứu sinh khi phong trào này đang rơi vào một trong những thời điểm tuyệt vọng nhất. Nếu PA nắm quyền, những lý do mà cả Israel và Hamas cùng các tổ chức Palestine đưa ra khi đụng độ đều sẽ tan biến.

Kể từ cuộc chiến năm 2014, giới chức của cả Israel lẫn Hamas đã xem xét và đôi khi đề xuất một lối thoát khả thi: một lệnh ngừng bắn dài hạn trong đó bao gồm việc chấm dứt tình trạng phong tỏa. Mỹ cũng bày tỏ sự cởi mở trước ý tưởng này và dường như đã đặt một giải pháp nào đó cho vấn đề Gaza thành trọng tâm trong các nỗ lực hiện nay của họ.

Về nguyên tắc, ý tưởng này đáng để theo đuổi. Nhưng các quan chức Israel có đặc điểm là luôn nói về một lệnh ngừng bắn dài hạn đối với Gaza, trong đó bao gồm việc xây dựng một cảng thương mại mới của Gaza ở đảo Cyprus hoặc Ai Cập, hoặc một đảo nhân tạo ngoài khơi Gaza. Song một cảng mới chỉ để vận chuyển hàng hóa chứ không phải cho phép con người di chuyển tự do thì sẽ là vô giá trị.

Ngoài ra, Israel đã đặt ra những điều kiện được coi là phi thực tế để cải thiện tình hình ở Gaza, ví dụ như Hamas phải giải giáp vũ khí; Hamas phóng thích các công dân Israel hoặc trả lại hài cốt của họ, mà không có thỏa thuận trao đổi yêu cầu phóng thích tù nhân người Palestine trong các nhà tù Israel; và Hamas cam kết ngừng bắn không chỉ ở Gaza mà còn ở Bờ Tây, trong khi Israel tiếp tục chiếm đóng và mở rộng các khu định cư ở đây. Đây hoàn toàn là những điều kiện mà phía Palestine không thể đáp ứng.

Cũng phải nhắc tới một giải pháp là nỗ lực thực tâm của cả Nga và Mỹ trong vấn đề hòa bình Trung Đông. Nỗ lực này phải được thực hiện dựa trên tinh thần hợp tác thay vì cạnh tranh, mới có khả năng phá vỡ tình trạng bế tắc trong cuộc xung đột kéo dài này. Quan hệ giữa Mỹ và Nga đang trong giai đoạn rất tồi tệ và tham vọng "giành thắng lợi" tại Trung Đông của mỗi nước có thể tiếp tục dẫn tới tình trạng bế tắc.

Vẫn cần thêm thời gian để đánh giá xem tổng thống Nga V.Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước theo hướng gia tăng hợp tác hay thúc đẩy cách thức tiếp cận theo hướng cạnh tranh đối với cuộc xung giữa Israel-Palestine. Nếu hai nước tiếp tục cạnh tranh, tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ không có hồi kết.

Ngọc Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/di-vang-thoi-hiep-uoc-oslo-4f5/