Đi trước đón đầu

'Hàng loạt công ty FDI mà chúng tôi vừa làm kiểm toán xong đều có kết quả kinh doanh tệ nhất trong vòng mấy năm qua. Có những doanh nghiệp lỗ rất lớn, phải có sự cứu viện từ tập đoàn mẹ', đại diện một doanh nghiệp kiểm toán chia sẻ với Tiền Phong chiều 10/6.

Theo vị này, nhiều đơn vị kiểm toán khác cũng chứng kiến, trong mùa kiểm toán vừa qua, tình trạng “kỷ lục” về số doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh năm 2020 bị lỗ do tác động của dịch COVID-19. Mức lỗ cụ thể của các doanh nghiệp FDI nói trên không được công bố. Tất nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp lỗ nặng, vẫn có những doanh nghiệp sáng bừng về mặt lợi nhuận, đặc biệt thuộc nhóm chăn nuôi, bán lẻ, phân phối.

Dù dự báo dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam và các nước nhưng nhiều tổ chức nhận định, Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu phục hồi kinh tế trong khu vực. Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics công bố cách đây hai ngày, cho thấy dù dịch COVID -19 đang trở lại nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan và nền kinh tế dự báo sẽ trở lại mức như trước dịch trong nửa cuối năm 2021, trong đó GDP dự báo sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực.

Báo cáo cũng dẫn các bằng chứng cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Việc thành công trong việc chống dịch sẽ giúp nền kinh tế hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động kinh doanh toàn cầu và đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo và xuất khẩu.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, luồng vốn FDI vào Việt Nam đang rất tích cực với gần 14 tỷ USD đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn trong 5 tháng đầu năm. Tổng cục Thống kê nhận định, đây có thể là khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới.

Về phía các doanh nghiệp FDI, trở lại câu chuyện lúc đầu, dù thua lỗ (với những doanh nghiệp đang hoạt động) việc tiếp tục mở rộng đầu tư để đón đầu các cơ hội sau đại dịch là một bước chuyển đầu tư có chiến lược. Khi dịch được khống chế, cơ hội sẽ trở lại, với nền tảng về nhân, vật lực, các doanh nghiệp FDI sẽ có thêm đà bứt tốc.

Việc có tới 14 FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã có hiệu lực với các nước, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có độ mở nhất thế giới. Kinh tế vì thế cũng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu trong khi khối FDI đang đóng vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng đi kèm đó, việc gian lận, rửa xuất xứ cũng là một cảnh báo nghiêm túc với Việt Nam khi các luồng vốn FDI dần dịch chuyển sang Việt Nam để được hưởng lợi về thuế và ưu đãi.

Việc đi trước đón đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển để có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan chuyên trách có những chiến lược ngày càng bài bản hơn. Còn nếu không, nhịp tăng trưởng của đất nước, của nền kinh tế sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khối FDI với những con số và dòng tiền thật sẽ dần ra khỏi đất nước.

PHẠM TUYÊN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/di-truoc-don-dau-post1344938.tpo