Đi trong hương trà quyến rũ Tân Cương

Tôi đi dọc sông Công từ thành phố Thái Nguyên lên thẳng xã Tân Cương. Người ta nói, đi đường này mới thấy hết cái dáng vẻ 'bồng lai tiên cảnh' của những đồi chè mâm xôi xanh mướt cùng những cô gái đeo gùi luôn nở nụ cười tươi vẫy chào khách.

Sau khúc ngoặt bất ngờ, bác lái đò chỉ lên chiếc bảng lớn gắn trên bờ sông nói, chúng ta đã vào vùng “đệ nhất danh trà” rồi đó...

Hương trà và cuộc tình đẫm lệ

Trời se lạnh, chúng tôi sà ngay vào một tốp bạn hàng ngồi bên bờ sông Công, cười vui trò chuyện. Bác lái đò xoa hai bàn tay xù xì nâng chén trà của cánh thương lái pha thử hàng. Tôi bắt chước theo, hít hà mùi hương cốm non rồi nhâm nhi từng ngụm. Thế nào? Có người hỏi, tôi chỉ biết gật gù khen ngon, tỏ ra sành điệu. Nhưng bất ngờ bác lái đò khẽ lắc đầu chê, cả tuần trước mưa dầm dề, trà không còn thực đậm và chút ngọt hậu cũng chẳng còn.

Một thương lái chợt vỗ đùi nói: “Đúng vậy, thế mà nhà chủ chỉ rút bớt cho hai giá, nhưng phải nói là vị trà vẫn thơm đượm, vàng sánh. Có lẽ phải chờ ít tháng nữa chè vào vụ xuân mới ngon bác ạ!”. Tôi ớ người, thì ra chỉ những người sành thưởng thức mới nhận ra cái vị gốc của trà Tân Cương. Dịu thơm hương cốm non, độ chát đậm vừa phải, sau đó có vị ngọt sâu ở cuống họng. Bác lái đò nói vậy rồi giải thích, vì sao chè vùng Tân Cương ăn đứt tất cả trà ở các vùng khác và được coi là đặc sản của tỉnh Thái Nguyên này.

Tôi cứ ngỡ là bác sẽ nói, nào là phương pháp khoa học theo chế độ của Viet Gap, không dùng thuốc trừ sâu, hay kỹ thuật sao chế của người vùng trà. Nhưng không, đó lại là một câu chuyện tình cổ tích bên sông Công mà bao đời nay truyền lại. Trà có vị ngon bởi đã tưới bằng nước mắt của nàng Công.

Con sông Công này được hình thành bởi suối nguồn nước mắt mà nàng Công khóc ngày đêm, nhớ thương chàng Cốc cùng tiếng sáo tình yêu trao gửi cho nàng. Đó là chuyện tình giữa con gái quan lang với anh chàng đánh cá nghèo khổ. Qua bao thử thách gần kề với cái chết nhưng cả hai vẫn một mực chung tình và tìm cách bỏ trốn. Khi hai người bị truy đuổi đến tận cùng không còn đường thoát, nàng Công đã trao ngựa cho chàng Cốc chạy thoát thân về miền quê xa.

Sau đó nàng Công mới chịu để cha bắt giam vào hang đá. Nàng khóc thương thảm thiết cho đến chết. Nước mắt chan chứa hòa thành dòng sông chảy xuôi về quê hương người yêu. Biết tin nàng chết, chàng Cốc tủi buồn sầu não ngày đêm, gào thét cho đến khi tắt thở. Rồi chàng hóa thành ngọn núi đứng sững bên bờ sông, với thác nước xối xả ngày đêm.

Từ đó mới có tên sông Công và núi Cốc. Phù sa sông Công dâng đầy xô dạt, tụ về thành những gò đất mới làm nên những đồi chè như mâm xôi, rải rác thành xã Tân Cương ngày nay. Giờ đây tôi mới hiểu, người dân vùng này coi vị trà ở quê hương là cõi tâm linh, được ẩn giấu ở tấm lòng và sự thủy chung của tình yêu.

Bất ngờ có một thanh niên đến gần bên, rót tiếp cho tôi chén trà, rồi chỉ về dãy núi phía trước. Anh chính là người chủ bán cho các thương lái. Anh nói, câu chuyện cổ ngỡ như vô lý nhưng lại liên quan đến chất lượng trà của cả vùng này. Bởi chính dãy núi Tam Đảo kia cùng các núi Ngân Sơn, Bắc Sơn tạo nên bức trường thành, che chắn những đợt gió mùa Đông Bắc giá buốt và ngăn bớt ánh nắng hè gay gắt.

Toàn bộ vùng chè Tân Cương được giữ ẩm và điều hòa quanh năm. Đất đai của phù sa sông Công lại có cấu tạo khá thuận lợi cho giống cây chè. Đây là miền phù sa cổ vun đắp nên những quả đồi luôn luôn giữ nước cho cây chè vào mùa khô hạn. Còn khi trời mưa nhiều, đất lại dễ thoát nước không bị ngập úng...

Nhãn hiệu Cánh Hạc xưa…

Câu hỏi của tôi không ngờ lại đánh động đến một chuyện còn dang dở nơi đây. Bởi người trồng nên cây chè đầu tiên ở vùng này chính là người có công trong việc khai phá đất đai khi mới lập làng xã Tân Cương. Người ta gọi ông với cái tên thân mật là Đội Năm, bởi ông là đội trưởng của nhóm lính xuất ngũ, từ quân đội Pháp về đây làm kinh tế mới.

Tên cúng cơm của ông là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883, tại Hưng Yên. Ông từng sang Pháp làm việc trong quân đội, suốt thời đoạn Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918), rồi xuất ngũ sau đó một năm. Khi lên đây vào năm 1921, vùng đất này vẫn còn nhiều thú dữ, với những cánh rừng hoang vu bên sông Công. Mọi người phá rừng đồi khai khẩn đất làm ăn. Nhưng trồng cây gì và nuôi con gì? Đó là những câu hỏi nan giải cho ông Đội Năm ngày ấy.

Bất ngờ năm sau đó, có người gợi ý cho ông sang Bạch Hạc, Phú Thọ lấy giống chè về trồng thử. Như cơ duyên trời định, những vườn chè đầu tiên trên mảnh đất khai hoang của ông ở Xóm Guộc đã nảy mầm xanh tốt. Còn hơn thế, giống chè về đây lớn nhanh, sum suê cành lá, có chất lượng hơn hẳn nơi cũ. Nước trà có vị cốm non, chát thơm dịu nhẹ chứ không bị nhạt hương như bên Bạch Hạc. Thật đúng là thứ “Ngọc ẩm” trời cho.

Tiếng lành đồn xa. Nhiều người tìm đến tận nhà hỏi mua, ông Đội Năm lập tức mở xưởng chế biến chè. Ông là một người thợ giỏi trong nghề cơ khí, nên kỹ nghệ sao chế trà không còn xa lạ. Cánh đồng chè nhà ông được mở rộng. Nhiều người tình nguyện đến làm thuê để học nghề. Có người kể lại, xưa kia nơi đây là những đồi chè bạt ngàn đều thuộc sở hữu của ông Đội Năm. Bên kia sông Công, vườn nhà ông còn có cây chè cổ to cả người ôm không xuể.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn, ông Đội Năm là người đi trước một bước vào thị trường, khi biết cách tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đó là cái tên trà “Cánh Hạc”. Kèm theo đó, hình tượng hai con hạc, tiêu biểu cho tính văn hóa (Lạc hồng) truyền thống, bao đời nay. Cái tên thật có ý nghĩa sâu sắc. Trà “Cánh Hạc” được bán tập trung ở Thái Nguyên và trở thành đặc sản nức tiếng khắp nơi. Nhất là vào năm 1935, nghĩa là 10 năm sau dựng nghiệp, trà “Cánh Hạc” đã đoạt giải Nhất tại đấu xảo (Hội chợ hàng hóa) ở Hà Nội.

Từ đó “Cánh Hạc” bay xa. Nhiều khách buôn từ các tỉnh về đặt mua chè tại Tân Cương. Các thương gia Ấn Độ, Trung Quốc đã tìm đến đặt hàng nhập về nước. Một thị trường trà sớm hình thành trên đất mới Tân Cương từ đó. Vậy mà, tiếc thay sau khi ông Đội Năm mất năm 1945, thương hiệu ấy đã bị dập tắt, bởi thời thế xã hội đầy biến động theo thời gian...

Nhắc đến chuyện xưa, người thanh niên kia mới bồi hồi tâm sự, bây giờ giữ lại thương hiệu đã mất quả là nan giải. Nhiều ông chủ ra đời, nhà nhà làm trà, người người mua bán. Công việc chế biến kém chất lượng, xuất hiện những cái tên Tân Cương giả danh, khó kiểm soát. Có gian thương còn pha mì chính hay B1 để tạo vị ngọt, hay lên mốc cho chè, làm rối loạn thị trường. Nhiều công ty chế biến chè ra đời nhưng với những công nghệ hiện đại không còn giữ được hương vị thuần khiết của thương hiệu trà Tân Cương.

Chưa kể, có những hộ trồng chè đã chạy theo giống mới, chè lai cho năng suất cao, bỏ đi “linh hồn” của giống chè truyền thống. Nhiều sản phẩm ra đời như chè đinh, chè nõn... nhưng lại làm mất đi chất tiểm ẩn riêng biệt của vùng đất sông Công. Tuy vẫn có nhiều nghệ nhân trong làng còn giữ được hương sắc của “Cánh Hạc”, nhưng lại chỉ làm nhỏ lẻ và chưa tạo dựng được thương hiệu mới, riêng biệt rộng khắp. Cái tên chung Tân Cương bị tán loạn chia sẻ với những nhãn mác đa dạng, không để lại dấu ấn trên thị trường. Đó là sự thiệt thòi cho những người làm chè nơi đây... Tâm sự của người thanh niên làm trà ấy làm xao xuyến trái tim tôi.

Còn đó “Huyền thoại hồ núi Cốc”

Dòng sông Công êm đềm trôi bên những đồi chè xanh mơn mởn chờ vào vụ thu. Trong lòng tôi chan chứa những hy vọng cho một mùa trà mới. Bất chợt có tiếng loa vang lên từ phía bờ thị xã Sông Công. Giai điệu bài hát Huyền thoại hồ núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương vang lên da diết: “Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại. Nghe chuyện xưa của đôi trai gái, tha thiết yêu nhau...

Nghĩa nặng ơn sâu kết duyên sông núi để lại ngàn tiếng ca thiết tha cho bao đời...”. Bài hát như kể lại chuyện tình làm nên dòng nước mắt nuôi dưỡng những đồi chè. Hoài niệm quay về, bác lái đò im lặng chèo mái đưa tôi đi dọc triền sông, để ngắm lại những đồi chè xôn xao gió heo may. Tôi đi trong miên man của sự mất còn ở một chốn quê.

Nhưng chợt bác lại nhớ, gần đây có một doanh nhân có ý tưởng, phục dựng thương hiệu “Cánh Hạc” cho vùng chè Tân Cương. Bác mơ một ngày nào đó, khắp nơi người ta tìm về hỏi mua trà Cánh Hạc, Tân Cương, như một thời vang danh. Tôi nhìn nụ cười hy vọng của ông đang ngước lên bầu trời, trong lòng thầm nghĩ, cái ngày ấy sẽ đến.

Bởi người làm chè Tân Cương luôn luôn muốn gìn giữ hương vị trời ban cho mình trên quê hương. Bởi câu đối của làng đã ghi trên bức hoành phi rằng: “Di dân không mất đi tinh thần, phong tục, đồng lòng khai phá hướng tương lai. Tụ nghĩa gian nan, chí hướng cũng gian nan, trước sau ăn ở trong sáng vững bền”. Đó chính là linh hồn của vùng đất chè Tân Cương. Muôn đời không thể mất đi hương vị “Ngọc ẩm” trời cho.

CẢNH LINH (Kiến thức gia đình số 39)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/di-trong-huong-tra-quyen-ru-tan-cuong-post203919.html