Đi tìm vị thần ở đình Tân Đông, Gò Công

Ngôi đình xã Tân Đông, còn gọi là đình Gò Táo, ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang có một vẻ đẹp đặc biệt, di tích đã hoang tàn được níu giữ bằng những cây bồ đề lớn... Đình rất thiêng nhưng điều khiến người dân trăn trở là không còn rõ vị thần vốn được thờ ở đây là vị nào.

Ngôi đình thiêng

Ngôi đình tọa lạc giữa cánh đồng, mặt tiền hoang phế được hai cây bồ đề xanh tốt tỏa bộ rễ chằng chịt níu giữ. Ánh nắng cuối ngày vàng rực, gió thổi lồng lộng, cỏ cây xao động, khiến cho di tích có một vẻ đẹp lạ lùng, vừa tang thương, vừa kiêu hãnh.

Nội thất đình là nhà rường bằng gỗ ba gian hai chái, có những mảng đục chạm đẹp mắt, tinh xảo, nhưng tất cả đang xuống cấp trầm trọng, một chỗ mái đã sập lộ ra khoảng trời xanh ngắt và vòm lá um tùm, xung quanh nhiều gạch ngói rơi vỡ được xếp gọn. Có thể nói, ra vào đình khá nguy hiểm.

Gian giữa là bệ thờ cổ, trên đó có chữ Thần mới được viết lại bằng sơn vàng trên nền đỏ, bốn góc là bốn chữ Tiền vãng, Hậu vãng (với chữ Vãng viết nhầm). Hai gian biên thờ Tả ban, Hữu ban. Trên đầu hồi, còn những bài thơ chữ Hán kiểu “nhất thi nhất họa” đã mờ. Tôi thận trọng đi ra phía sau của chánh điện thì thấy có bệ thờ xây áp vào tường chánh điện, còn đọc được hai chữ Tiên sư rất đẹp, hai bên là câu đối còn thấp thoáng một vài chữ Hán nhạt nhòa.

Mặt tiền của đình là năm cửa vòm theo kiểu châu Âu, gian giữa cửa lớn, các gian bên nhỏ dần. Vòm cửa giữa được đắp hình cuốn thư nhỏ, đề 1907. Như vậy ngôi đình cùng tuổi với chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) và cùng phong cách kết hợp Đông - Tây như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Bình Thủy… Ở một cây cột bên cửa chính lộ ra khoảng trống giữa đám rễ cây có ba chữ đầu của một vế đối “Bị thánh trạch…”, nghĩa là ân thánh bao trùm.

Phía trước đình là kiến trúc mái bằng ba gian, xưa là nơi hát bội. Đối diện với kiến trúc này là bệ thờ lớn, có hai chữ Thần Nông, hai bên tả hữu có miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành, cùng kiểu mái bằng.

Độc đáo đình Tân Đông cổ kính nằm trong bộ rễ cây bồ đề ở Tiền Giang.

Độc đáo đình Tân Đông cổ kính nằm trong bộ rễ cây bồ đề ở Tiền Giang.

Trong khung cảnh hoang tàn, đổ nát đó, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tất cả các bàn thờ đều có những nén nhang đang cháy đỏ, trên đó có bình hoa, các bát nhang đều đầy chân nhang… Hóa ra đối với người dân, ngôi đình không phải là một phế tích, mà vẫn là một chốn linh thiêng, được hương khói, cúng kiếng hằng ngày.

Ông thủ đình vừa thắp nhang buổi chiều khoảng 60 tuổi. Ông cho hay, trước đây ông Phan Tấn Đời là người giữ hương khói ở ngôi đình này. Sau chiến tranh, ngôi đình hoang phế nhiều năm nên xuống cấp trầm trọng, ông Đời thấy xót xa mới mang lễ ra đình cầu khấn, phục hồi việc thờ phụng, từ đó mới nhang khói trở lại. Nay ông Đời già yếu, ông tiếp tục chăm nom ngôi đình, ngày nào cũng đèn nhang chu đáo.

Ông cho biết, một năm đình có ba lễ, đó là Kỳ yên vào ngày 16 tháng Hai, Thượng điền 16 tháng Năm, Hạ điền 16 tháng Tám và lễ cầu Ông ngày 16 tháng Mười một. Trong đình không có bài vị nên không rõ đình thờ ai. Trước đây có người nói đình thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, có sắc phong thời vua Minh Mạng. Về năm xây dựng đình, ông thủ đình cũng nghe nói là từ thời vua Minh Mạng. Năm 1907 đình được trùng tu. Ngày xưa những ngày lễ ở đình rất vui, có tế lễ, ăn uống linh đình, có các đoàn hát bội đến diễn hai ngày. Bây giờ thì hiu hắt, di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Nếu không có mấy cây bồ đề níu giữ thì chắc đình đã đổ rồi... Ông thủ đình cho rằng đình rất linh thiêng, ai cầu cũng linh ứng, phụ nữ ít khi dám vào, trừ khi đến cúng bái, cầu xin.

Đình thờ Tả quân Lê Văn Duyệt?

Tra trên mạng về đình Tân Đông thì các thông tin báo chí từ Dân trí, Người đưa tin đến Báo Ấp Bắc… đều nói tương tự ông thủ đình, đều dẫn lời người dân cho rằng đình thờ Lê Văn Duyệt, có sắc phong và được xây dựng dưới triều Minh Mạng.

Thông tin này có nhiều điều không hợp lý. Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 -1832) là một nhà chính trị, quân sự tài giỏi, đại công thần của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, dưới triều vua Minh Mạng, ông và nhà vua có nhiều bất đồng, xung đột.

Đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), Tổng trấn Lê Văn Duyệt qua đời, thọ 69 tuổi. Triều đình truy tặng ông chức "Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả Quân đô thống phủ Chưởng phủ sự, Thái bảo Quận công. Nhưng không lâu sau đó, triều đình đã hạch tội Lê Văn Duyệt, bắt bớ tôi tớ của ông. Năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi dậy chống lại triều đình Huế. Hai năm sau cuộc nổi dậy bị dập tắt, Lê Văn Duyệt tiếp tục bị truy tội. Vua Minh Mạng có phê rằng: “Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết... Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ, san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Chỗ này là nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt).

Phải đến triều vua Thiệu Trị, Tả quân Lê Văn Duyệt mới được minh oan. Do đó, đình Tân Đông không thể được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng để thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, và càng không thể có sắc phong.

Đình thờ Đốc binh Kiều?

Đình Tân Đông có bốn kỳ lễ trong năm, ngoài ba lễ Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền như vô số đền miếu khác ở miền Tây thì có lễ cầu Ông vào ngày 16 tháng Mười một. Đây là một căn cứ, một chỉ dấu rất quan trọng để biết người dân “cầu Ông” là cầu ông nào, vị thần được thờ ở đình là ai.

Tả quân Lê Văn Duyệt mất đêm 30 tháng Bảy, thường giỗ vào ngày 1 tháng Tám, như vậy thêm một căn cứ để biết nơi đây không thờ Lê Văn Duyệt. Tra cứu các ngày lễ gắn liền với nhiều vị thần được thờ ở Nam Bộ như Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Tánh… thì đều không có ai trùng với ngày lễ cầu Ông ở Tân Đông, trừ Đốc binh Kiều.

Nhưng vào ngày đó, tại đền Gò Tháp xã Tân Kiều, nơi thờ chính của Đốc binh Kiều và đền ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng có lễ giỗ Đốc binh Kiều rất long trọng.

Đốc binh Kiều, tên thật là Nguyễn Tấn Kiều, tương truyền người miền Trung vào lập nghiệp ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (ngày nay là Tiền Giang). Ông đã tham gia chống Pháp tại Gia Định. Khi thành Gia Định thất thủ (1859), ông mang quân về hợp tác với Võ Duy Dương tức Thiên hộ Dương, được phong Đốc binh và trở thành Phó tướng.

Quân khởi nghĩa đã chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ kháng chiến. Ông Trần Trọng Khiêm (1821-1866) người đã từng sang Mỹ khai thác vàng, làm báo, thậm chí làm chủ bút, đã thiết kế thành cho nghĩa quân theo mô hình đồn canh Suter ở Mỹ, có đồn Trung ở giữa, các phía là đồn Tiền, đồn Tả và đồn Hữu rất vững vàng. Đốc binh Kiều phụ trách đồn Tả. Bằng chiến tranh du kích, sử dụng cả ong độc, rắn độc, lợi dụng cỏ khô trên đồng, dùng kế hỏa công, hay gài chông, đặt bẫy... nghĩa quân khiến giặc Pháp điêu đứng, uy danh của Đốc binh Kiều vang dội.

Tháng 4 năm 1866, quân Pháp huy động lực lượng lớn mở cuộc tấn công đồng loạt vào ba đồn, nhưng không thắng được phải rút lui. Khi Đốc binh Kiều lên đài quan sát, theo dõi cuộc tháo chạy của giặc thì không may ông trúng đạn. Vết thương quá nặng, ông được chuyển về Giồng Dung chạy chữa một thời gian và qua đời trong năm đó. Còn Thiên hộ Dương thì rút quân về Cao Lãnh. Tháng 10 năm 1866, ông gửi mật báo đến vua Tự Đức rồi vượt biển về Huế nhưng đến cửa biển Cần Giờ thì bị cướp biển sát hại.

Thi hài Đốc binh Kiều được an táng ở Gò Tháp, đến nay còn mộ phần. Người dân đã lập đền thờ ông tại đây, ban đầu đơn sơ, sau được trùng tu nhiều lần. Lễ hội đền Gò Tháp là ngày 14/15/16 tháng Mười một, gần đây mới có thêm Lễ vía Bà Chúa Xứ (Rằm tháng Ba). Cán bộ Ban Quản lý khu di tích cho biết: Năm 1993, ngôi đền được sửa chữa lại và thờ thêm Thiên hộ Dương. Như vậy, ngày 16 tháng Mười một là ngày giỗ chính của Đốc binh Kiều.

Do đó, có căn cứ xác định đình Tân Đông thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, vị anh hùng chống Pháp, được nhân dân tôn vinh là Quan lớn Thượng, uy danh hiển hách. Tuy nhiên, khi đó Nam kỳ là vùng đất thuộc Pháp nên chắc chắn ban đầu người dân không thể công khai thờ vị anh hùng chống Pháp mà phải thờ một cách kín đáo.

Các trường hợp Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, nhân dân đều đã đưa các bậc anh hùng vào thờ dưới dạng Tiền hiền. Sau cùng, họ được tôn thành vị chính thần của địa phương.

Do tư liệu hạn chế, chúng tôi xin tạm kết luận đình Tân Đông thờ Đốc binh Kiều, và chờ đợi kết quả xác định từ các nhà nghiên cứu và cơ quan văn hóa địa phương.

Nguyễn Phan Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/di-tim-vi-than-o-dinh-tan-dong-go-cong-565502/