Đi tìm vẻ đẹp của một bài ca dao xưa

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, niềm tự hào của bất cứ người dân Việt Nam nào. Gợi nhớ vẻ đẹp mang dấu ấn cả bề mặt và chiều sâu Hà Nội, người ta luôn nhớ đến bài ca dao:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”

Cảm nhận đầu tiên của người đọc chính là sự đa dạng của quần thể di tích thắng cảnh Kiếm hồ. Nơi đây vốn đã khắc ghi vẻ đẹp trong tiềm thức con người bởi màu sắc của lịch sử và huyền thoại lại được tôn thêm bởi những công trình kết tinh sự sáng tạo của người xưa. Những công trình này được liệt kê liên tiếp qua ba câu thơ đầu: cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút. Tất cả những công trình ấy không được miêu tả chi tiết màu sắc, hình khối đường nét,… nhưng người đọc vẫn hình dung ra sự nên thơ, cổ kính, trang nghiêm mà linh thiêng. Cảnh quan như một bức tranh đẹp mà mỗi câu thơ là một gợi mở về không gian. Đây là cầu Thê Húc (chiếc cầu với tên gọi mang nghĩa giữ lại ánh sáng của mặt trời) dẫn vào đảo Ngọc; kia là đền Ngọc Sơn trang nghiêm cổ kính; uy nghi đứng bên lối vào cầu Thê Húc là Đài Nghiên, Tháp Bút nổi bật với ba chữ Tả thiên thanh (viết lên trời xanh). Chỉ ba chữ thôi nhưng có lẽ các bậc tiền nhân muốn gửi gắm khát vọng về sự hòa nhập với vũ trụ bao la, khát vọng phục hưng những giá trị văn hóa của một vùng đất thiêng sau bao phen binh lửa. Dấu ấn cổ xưa, nét văn hóa đất Thăng Long in dấu qua từng viên gạch, vỉa ngói, cột đá… trầm mặc mà có “sức níu” du khách phải dừng lại ngắm và suy ngẫm.

 Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm/Ảnh minh họa/TTXVN.

Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm/Ảnh minh họa/TTXVN.

Bên cạnh vẻ đẹp đa dạng của thắng cảnh Kiếm hồ, bài ca dao còn đem đến cho người đọc cảm nhận về tình yêu, niềm tự hào của người xưa thấm đẫm trong mỗi câu chữ, nhịp điệu, lời thơ. Cụm từ “rủ nhau” ở đầu bài ca dao và điệp từ “xem” trong câu thơ thứ hai cùng lối liệt kê liên tiếp các địa danh cho thấy cảnh Kiếm hồ - biểu tượng văn hóa của Hà Nội - luôn tấp nập, dập dìu, nô nức du khách thưởng ngoạn và chiêm bái. Dường như tác giả dân gian đang dẫn người đọc hòa trong dòng người để tới từng điểm của quần thể di tích, vừa đi vừa giới thiệu bằng giọng điệu tự hào. Hai câu thơ cuối:

Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

khiến người đọc thoáng lặng đi trong phút suy tư bâng khuâng. Lặng đi để hồi tưởng và tri ân công đức của người xưa đã kiến tạo, dựng xây nên những di tích, thắng cảnh mang giá trị văn hóa vật chất và tinh thần bền vững đến muôn đời. Lời ca dao như ngầm nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng những biểu tượng văn hóa của dân tộc không dễ bị tàn phai bởi thời gian nếu con người biết trân trọng, bảo tồn, gìn giữ. Câu cuối bài ca dao là câu hỏi tu từ, nghĩa là hỏi không nhằm tìm đến câu trả lời, hỏi chỉ để khơi gợi rất nhẹ mà rất sâu, để mỗi chúng ta biết “cảnh giác” trước sự “mòn” đi của kí ức, của tình cảm con người đối với những giá trị di sản văn hóa mà ông cha đã để lại.

Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ là một bài ca dao lời giản dị mà ý sâu sắc. Tác giả dân gian đã giúp chúng ta kết nối hiện tại với quá khứ để trân trọng hơn những giá trị văn hóa của dân tộc; thấy được trách nhiệm của bản thân trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị đó trên hành trình hội nhập của đất nước.

LÊ TRÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/di-tim-ve-dep-cua-mot-bai-ca-dao-xua-613002