Đi tìm tổ nghề thế mạnh của Việt Nam

Lịch sử, huyền sử, truyền thuyết và những câu chuyện dân gian cho thấy thực ra có rất nhiều ngành, nghề từ lâu đã không hề xa lạ với người Việt và trước khi được các dân tộc khác biết đến, một số người Việt xưa được xem là những người đầu tiên thực hành những ngành nghề đặc biệt này.

Tình báo, phản gián: Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận hơn 2.000 năm trước người Việt đã biết đến công tác tình báo, phản gián và hành nghề khá tốt.

Có thể nói Trọng thủy (con trai Triệu Đà - nước Nam Việt) là tình báo viên đầu tiên được cài cắm vào hàng ngũ đối thủ (nước Âu Lạc) để thăm dò tin tức và lấy cắp công nghệ (nỏ thần) và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nếu Trọng Thủy không thể coi là ông Tổ của nghề tình báo Việt Nam với lý do nước Nam Việt thời đó không phải là tiền thân của Việt Nam ngày nay (cách nhìn trong sách sử hiện nay) thì vị trí này không ai xứng đáng hơn Nhã Lang (con trai Lý Phật Tử), người đã cưới Cảo Nương - con gái Triệu Quang Phục với mục đích giống như Trọng Thủy cùng kết quả là thất bại cay đắng của Dạ Trạch Vương trước sự tấn công bất ngờ từ quân Hậu Lý vào năm 571.

Không hổ danh với tiền nhân, lịch sử hiện đại Việt Nam ghi nhận những cái tên như Vũ Ngọc Nhạ hay Phạm Xuân Ẩn đã góp phần không nhỏ giúp nghề tình báo Việt thăng hoa.

Chế tạo vũ khí: Việc sản xuất vũ khí cá nhân như cung tên, giáo mác đã có từ thời Hùng Vương. Tuy nhiên Cao Lỗ là người đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử hay truyền thuyết dân gian với phát minh và chế tạo ra một loại vũ khí vô cùng lợi hại và có sức hủy diệt lớn đầu tiên tại Việt Nam - Nỏ Liên Châu được cho là có thể mỗi lần bắn ra hơn 1.000 mũi tên khiến quân giặc khiếp sợ.

Những câu chuyện như Tấm Cám,...

Những câu chuyện như Tấm Cám,...

Cao Lỗ, một tướng thời An Dương Vương xứng đáng là ông Tổ của nghề chế tạo vũ khí hiện đang ngày một tiến bộ, tại Việt Nam.

Kỹ thuật công trình: Trong nỗ lực tiến xuống và chinh phục vùng đồng bằng châu thổ (sông Hồng), người Việt xưa đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xây dựng, nhất là đối với những công trình lớn như lâu đài, thành quách.

Cấu tạo địa chất của nền đất mềm, nhão vốn khác hẳn với khu vực trung du và miền núi đã khiến cho nhiều người Việt lúc đầu bị bỡ ngỡ, với hậu quả là "thành cứ xây xong lại đổ" như trường hợp An Dương Vương xây thành Cổ Loa giai đoạn đầu.

Chuyện ông được rùa thần mách nước giết tinh gà trắng rồi tiếp tục xây xong thành Cổ Loa chỉ là cách người xưa tìm cách giải thích cho hậu thế qua hình tượng các thế lực siêu nhiên. Trên thực tế, sau nhiều lần thất bại, An Dương Vương đã phát hiện ra nguyên nhân nền móng yếu.

Ông đã đào sâu, đóng nhiều cọc tre, đổ nhiều đá hộc làm móng rộng hơn và nhờ vậy công trình đã thành công. Có thể nói, An Dương Vương chính là người đầu tiên đặt nền móng cho một ngành nghiên cứu ứng dụng quan trọng thời hiện đại - ngành Kỹ thuật công trình rất có tiềm năng tại Việt Nam.

Phòng chống thiên tai (PCTT): Với vị trí đặc thù và địa hình sông ngòi phức tạp, người dân sống tại bắc bộ Việt Nam thời trước liên tục phải chống chọi với thiên tai mà đặc biệt là các loại hình thủy tai như bão, lũ, lụt qua hàng ngàn năm. Khi tiến xuống vùng đồng bằng châu thổ, tổ tiên chúng ta phải thường xuyên đối mặt với ngập lụt mà đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Để có thể bảo vệ cộng đồng an toàn hơn, người Việt thời Hùng Vương đã chọn cách tránh dòng nước lũ bằng giải pháp đắp đê. Lũ càng cao thì đê được đắp càng cao và cuối cùng hệ thống đê điều đã có thể bảo vệ người dân từ các trận lũ hay nước biển dâng đầy hung dữ của Thủy Tinh.

Trận chiến khốc liệt và thắng lợi nghiêng về Sơn Tinh chính là khởi đầu của các nỗ lực phòng chống thiên tai và chinh phục tự nhiên của người Việt. Không ai khác ngoài Sơn Tinh xứng đáng là ông Tổ của ngành/ lĩnh vực được quốc tế đánh giá cao - PCTT tại Việt Nam..

Nuôi trồng thủy sản: Với nhiều sông ngòi lại giáp với biển, thủy sản từ lâu đã không có gì xa lạ với nhiều thế hệ người Việt. Khi dân số còn ít, sống thưa thớt và thủy sản còn nhiều, nên nguồn tôm cá mà người Việt vẫn ăn xưa kia là do đánh bắt.

Chỉ đến khi lượng đánh bắt không còn đủ cung cấp cho nhu cầu dân chúng hoặc làm họ bị động về nguồn thực phẩm này trong các dịp lễ tết, người ta mới nghĩ đến việc bắt và giữ một lượng thủy sản lại trong ao, đầm để khi nào cần đến thì bắt lên dùng.

... An Dương Vương,....

Hiện chưa thể tìm thấy nguồn thông tin nào đề cập đến thực hành này bắt đầu từ khi nào, ngoại trừ một chi tiết trong truyện Tấm Cám có đề cập đến việc cô Tấm thả một con cá Bống xuống giếng rồi hàng ngày cho cá ăn cơm.

Kết quả là mặc dù sau này cá bống bị mẹ con Cám ăn mất, nhưng chỉ riêng bộ xương còn lại cũng giúp Tấm có được bộ đồ đẹp đẽ. Chi tiết này là rất đắt, giúp Tấm là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí Tổ ngành nuôi trồng thủy sản - một thế mạnh của Việt Nam.

Cascadeur - đóng thế: Điện ảnh chỉ mới du nhập vào nước ta chưa lâu và những bộ phim đầu tiên do người Việt sản xuất cũng mới chỉ từ hơn nửa thế kỷ trước. Trong nhiều bộ phim hàn động đôi lúc một vài cảnh quay nguy hiểm vượt quá khả năng hoặc có thể gây nguy hiểm cho diễn viên thủ vai.

Trong trường hợp này, người ta chọn giải pháp tìm người đóng thế. Khi phim được phát hành, người xem chỉ biết và ngưỡng mộ diễn viên thủ vai vì những pha hành động mạo hiểm và đẹp mắt. Không một ai biết đến những người đóng thế thầm lặng và rất rủi ro kia.

Ngoài xã hội, người Việt đầu tiên đóng thế không ai khác ngoài chàng Thạch Sanh thật thà khi nhận lời giúp Lý Thông đến quét dọn miếu thần và suýt nữa bị Trăn Tinh ăn thịt. Có thể nói Thạch Sanh là ông Tổ của nghề Cascadeur - đóng thế - rất tiềm năng tại Việt Nam.

Du hành vũ trụ/ Chinh phục mặt trăng: Bay lên trời luôn là khát vọng từ lâu của nhân loại. Sau thành công đưa người vào vũ trụ của người Nga vào giữa Thế kỷ 20, người Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc khi đã hai lần thành công đưa người lên mặt trăng vào các năm 1969 và 1972. Đây được xem là những thành tựu vĩ đại và đáng nhớ của không chỉ người Mỹ mà của cả nhân loại.

Có lẽ thời gian Neil Amstrong và đồng nghiệp lưu lại trên mặt trăng là quá ngắn hoặc có nhiều bất lợi khiến họ không thể đi lòng vòng trên mặt trăng nên đã bỏ lỡ cơ hội được gặp gỡ và hỏi thăm sức khỏe sư tổ của họ, một chàng trai Việt Nam có tên là Cuội - người hàng ngàn năm trước, vì quá tiếc cây thuốc quý nên đã bay theo cây này lên và định cư đến giờ trên mặt trăng.

Sau chú Cuội, ở thời hiện đại, Anh hùng Phạm Tuân là người Việt duy nhất và là một trong số rất ít người trên toàn thế giới từng mang dép cao su đi ké tàu Nga bay vào vũ trụ.

Du lịch thời gian: Thuyết tương đối của Einstein và các phát hiện về "độ cong thời gian" đã giúp con người hiểu thêm chút ít về khả năng có thể đi xuyên không (trở về quá khứ hoặc đi tới tương lai) và hiện tượng du lịch thời gian (một ngày đối với người bay trên vũ trụ với vận tốc tiệm cận vận tốc ánh sáng - trên trời tương đương một năm trải qua với người dưới mặt đất).

...Thạch Sanh cho thấy có rất nhiều ngành, nghề từ lâu đã không hề xa lạ với người Việt...

Tuy nhiên hiện tại mọi thứ mới chỉ dừng lại ở lý thuyết và trên phim ảnh. Ít người biết rằng vào thời nhà Trần (khoảng 700 năm trước) một người Việt Nam tên là Từ Thức đã có một chuyến du lịch thời gian trong vài tháng. Khi trở về nhà, do gia đình, con cháu đã già và chết hết nên ông chán nản bèn quyết định tiếp tục du lịch thời gian.

Thần đèn - Di dời nhà cửa: Từ khả năng di dời các tòa lâu đài dễ dàng và nhanh chóng của vị thần đèn trong Nghìn lẻ một đêm mà thế giới rồi Việt Nam gần đây có thêm một nghề mới - nghề thần đèn.

Đây là một nghề tương đối khó, đòi hỏi người làm nghề phải có nhiều kiến thức về kết cấu, cân bằng động và các kỹ năng hô mây (hào), hoán vũ (đổi). Tuy gọi là nghề mới nhưng nó thực sự không có gì là mới đối với người Việt.

Hơn 3000 năm trước, một người Việt tên là Chử Đồng Tử, sống vào đời Hùng Vương thứ 3 vì không muốn bố vợ (vua Hùng) hiểu nhầm nên đã quyết định dời nhà của vợ chồng ngài - một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ đi nơi khác chỉ trong có một đêm mà không để lại thứ gì.

Có lẽ sau này công nghệ di dời này được truyền bá sang Ba Tư và gã thần đèn đó đã học được để rồi thành nổi tiếng. Tiếp nối truyền thống, gần đây Nguyễn Cẩm Lũy (đã mất) hay Đỗ Quốc Khánh được xem là hậu duệ người Việt xuất sắc của thần đèn.

Có thể thấy, dù được truyền lại qua lịch sử, huyền sử hay dã sử, lĩnh vực nào Tổ Tiên chúng ta đã từng biết, từng làm, hay từng đi trước thiên hạ, đều chính là thế mạnh của con cháu ngày hôm nay. Thế mới biết chúng ta thực chưa hiểu được một phần thâm ý của tổ tiên mình?

Trần Văn Tuấn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/29cuthang__-di-tim-to-nghe-the-manh-cua-viet-nam-504205/