Đi tìm sự khác biệt

DoanhNhanOnline – Các ngân hàng Việt Nam buộc phải đặt cược vào cạnh tranh bán lẻ. Đang có chuyển dịch lớn tại các ngân hàng thương mại Việt Nam sau khi nguồn thu hiện tại của ngân hàng ngày càng...

DoanhNhanOnline – Các ngân hàng Việt Nam buộc phải đặt cược vào cạnh tranh bán lẻ.

Các ngân hàng đã phát triển đến 60 triệu thẻ thanh toán với 110.000 điểm thanh toán POS. Đây là nền tảng quan trọng để gia tăng dịch vụ bán lẻ.

Đang có chuyển dịch lớn tại các ngân hàng thương mại Việt Nam sau khi nguồn thu hiện tại của ngân hàng ngày càng khó, do nợ xấu và tình trạng chưa mấy sáng sủa của nền kinh tế.

Chuyển hướng

Sự nổi lên của dịch vụ bán lẻ có thể nhìn thấy dưới góc độ dân số Việt Nam đông, trong khi số lượng khách hàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chỉ mới 30% nên dư địa còn rất lớn. Thứ hai, dân số trẻ có khả năng tiếp nhận thông tin nhanh; thu nhập đầu người ngày càng phát triển; Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng. Và cuối cùng là quá trình đô thị hóa của Việt Nam và hệ thống hạ tầng công nghệ tăng khá nhanh. Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng tung ra các sản phẩm mới đi sâu vào người tiêu dùng nhằm thay thế cho các sản phẩm truyền thống.

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, khủng hoảng tài chính và tình trạng nợ xấu đã buộc ngân hàng thương mại chú trọng hơn và đầu tư một cách thực chất hơn cho dịch vụ bán lẻ trong lĩnh vực ngân hàng. Trước đây, lợi nhuận của các ngân hàng tập trung chủ yếu vào tín dụng, nhưng cũng chứa đựng đầy rủi ro. Bằng các khoản cho vay lớn phục vụ cho những doanh nghiệp lớn, theo lý thuyết, nếu các doanh nghiệp này làm ăn tốt, dòng tiền quay về ổn định, sẽ tạo ra lợi nhuận lớn, nhưng khi kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, các khoản vay và tín dụng lại đổ vào các lĩnh vực hiệu suất thấp, đầu tư sai thì rủi ro gia tăng. Đây là một trong các nguyên nhân gây ra nợ xấu.

Việc ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ là định hướng hợp lý, bởi theo quy luật, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Ngành ngân hàng Việt Nam cần tránh dựa vào nguồn thu đến từ tín dụng mà đa dạng hóa nguồn thu, tập trung nhiều hơn vào doanh thu dựa trên lệ phí và hoa hồng, bởi rủi ro từ dịch vụ rất thấp, mặc dù có doanh thu nhỏ, nhưng lợi nhuận ổn định và không gặp nhiều nợ xấu.

Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Công ty dịch vụ thẻ Smartlink, đánh giá: nếu so với 10 năm về trước, nói về ngân hàng bán lẻ, ít ngân hàng Việt Nam hình dung ra câu chuyện này. Nhưng 3 năm trở lại đây, dịch vụ bán lẻ chiếm vai trò ngày càng quan trọng.

Nhìn về các con số thống kê có thể chứng minh cho điều này. Nếu như các ngân hàng lớn của Việt Nam như Vietcombank, Vietinbank huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12 – 15%; thì các ngân hàng nhỏ hơn cũng nâng mức dịch vụ bán lẻ lên đến 20%.

Theo bà Tú Anh, một xu hướng khác là nền tảng của dịch vụ bán lẻ có thể thấy qua tỉ lệ phát triển thẻ thanh toán lên đến 60 triệu thẻ với 110.000 điểm thanh toán POS… Tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, từ 20,3% vào năm 2004 xuống 14% năm 2010 và đến nay, tỉ lệ này còn khoảng 12%. Xu hướng trong tương lai, phương tiện thanh toán điện tử sẽ ngày càng tăng lên, cả về số lượng và loại hình. Người dùng internet Việt Nam cũng đã gia tăng đến 33 triệu người và theo thống kê mới nhất của VISA, hơn 70% số đó có phương tiện giao dịch điện tử. Các dịch vụ cung ứng bán lẻ thông qua mobile banking, mobile payment, các thiết bị di động mà có khả năng trong 3 năm tới sẽ thay thế các kênh giao dịch truyền thống.

Cạnh tranh trên sự khác biệt

Áp lực cạnh tranh đối với phân khúc dịch vụ bán lẻ không chỉ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam mà còn đến từ các ngân hàng nước ngoài.

Ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, đánh giá: tại Việt Nam, mức độ tự do hóa ngành ngân hàng lớn so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam đang tự do hóa nhanh thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, nhiều thẻ tín dụng quốc tế được sử dụng đi du lịch. “Hiện nay dịch vụ bán lẻ của ANZ chiếm 30% sản phẩm của ngân hàng và đến năm 2015 sẽ tăng lên 50%”, ông cho biết.
Ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đã nhìn thấy điểm yếu của các ngân hàng Việt Nam trong lĩnh vực này là hầu hết đang theo chiến lược phát triển tương tự nhau mà thiếu sự khác biệt trong dịch vụ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, HSBC tăng cướng sức mạnh cho hệ thống bán lẻ bằng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, xây dựng toàn bộ dịch vụ xoay quanh cốt lõi là khách hàng, đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng nhất trên mọi kênh phân phối. Từ đó, trải nghiệm của khách hàng sẽ không bị gián đoạn khi chuyển từ việc sử dụng kênh phân phối này sang một kênh phân phối khác.

“Chúng tôi đã chuyển đổi sang hệ thống mở tài khoản bằng một mã duy nhất nhằm giúp khách hàng dễ dàng sử dụng dịch vụ tại bất kỳ địa điểm và thời gian nào. Ngoài ra, cung cấp nhiều giá trị gia tăng cho dịch vụ, đơn giản hóa cách truy cập hệ thống, nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cao cho khách hàng. Như vậy có thể hiểu, cạnh tranh trên lĩnh vực bán lẻ của HSBC tập trung chủ yếu trên phương diện dịch vụ, cung cấp những trải nghiệm tốt nhất để gia tăng khác biệt hóa”, ông Sumit Dutta cho biết.

Thực tế, đối mặt với sự cạnh tranh đến từ những ngân hàng nước ngoài có kinh nghiệm trên thị trường ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam cũng đã chọn nhiều con đường đầu tư khác nhau.

Nếu Techcombank chọn cho mình hai giá trị định vị rất khó trong chiến lược bán lẻ là nâng cao dịch vụ, tiện ích cho khách hàng và xem đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng một ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp. Vietinbank dùng công nghệ thông tin làm công cụ để tạo nên sự khác biệt; đầu tư công nghệ luôn gắn kết với chiến lược kinh doanh.

Ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết, thời gian qua, MB đã kết nối với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel để phát triển mạng lưới công nghệ với 60 sản phẩm dịch vụ chứa hàm lượng công nghệ cao. Do đó, trong vòng 3 năm, khối lượng giao dịch thanh toán tăng 10 lần, riêng năm 2013 dịch vụ bán lẻ thu hút khách hàng tăng ba lần so với năm 2010 và lợi nhuận tăng gấp năm lần.
Rõ ràng những ngân hàng bán lẻ Việt Nam nhanh nhạy đã nhìn thấy tiềm năng ngày càng hấp dẫn hơn và cơ hội chỉ dành cho những ai có được nền tảng giá trị gia tăng tốt cho khách hàng.

Tuy nhiên, nhược điểm của các ngân hàng Việt Nam là có quá nhiều dịch vụ giống nhau nên khó tạo ra sự khác biệt trong con mắt khách hàng. Do đó, yếu tố khác biệt phải được tạo ra nhờ sự sáng tạo, từ cách thức phục vụ khách hàng cho đến các sản phẩm.

Minh Phương

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/di-tim-su-khac-biet/