'Đi tìm Phong'- hành trình tìm lại bản thân

Bộ phim tài liệu dài 92 phút của cặp vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus sau 4 năm 'đi vòng quanh thế giới' để gặt hái nhiều giải thưởng tại các LHP Quốc tế, 'Finding Phong' (Đi tìm Phong) đã chính thức được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10.

Đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus và Phong.

Đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus và Phong.

Bộ phim nói về một đề tài tưởng rất quen mà vô cùng xa lạ, đó là hành trình tìm kiếm lại thân xác mình, qua con đường “chuyển giới” của một chàng trai trẻ sinh năm 1988.

Trước khi chuyển giới, Phong với khuôn mặt đặc trưng nam tính cùng những nét góc cạnh trên khuôn mặt xương xương với cái tên đầy đủ cũng rất mạnh mẽ Lê Quốc Phong, là con út trong gia đình có 7 anh chị em ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Phong làm việc tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Hình ảnh một thanh niên ngồi cô đơn trong căn phòng tối, trong ánh sáng le lói, ngồi giữa những con rối cũ kĩ, mốc thếch và lạnh lẽo, tỉ mẩn tô lại vệt son đỏ trên môi chú tễu, mới cảm thấy hết sự hoang vắng và trống rỗng. Hành trình đi tìm lại bản thân, bắt đầu từ những mâu thuẫn nảy sinh trong đầu Phong khi đến một ngày anh chợt nhận ra, mình khác biệt khi không dành mối quan tâm cho phụ nữ, mà lại có cảm xúc với đàn ông.

Ở nơi mà những quan niệm mộc mạc chân phương về gia đình, về trách nhiệm của người đàn ông, về những đứa con ăn sâu vào đầu óc mỗi người… thì tưởng ẩn bên trong thân hình nam tính kia là một tâm hồn phụ nữ yếu đuối lại dám vượt qua thị phi, cùng những giọt nước mắt đau đớn của mẹ, để đi tìm lại mình.

Hành trình tìm kiếm ở đây, không chỉ là cuộc chiến đấu lựa chọn khốc liệt, mà còn phải dấn thân cho việc chuyển đổi hoocmon, phẫu thuật kéo dài, chấp nhận rút ngắn tuổi thọ. Không có gì khó khăn hơn khi phải buộc bản thân làm trái lại với số phận tự nhiên, biết bỏ qua miệng tiếng người đời, để có được cơ thể nữ.

“Đi tìm Phong” dễ liên tưởng tới bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, của đạo diễn Trần Thị Thắm, kể về hành trình nhiều bi kịch của người chuyển giới trong một đoàn hát Nam Bộ. Sau khi có một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã được chiếu trong các rạp tại Việt Nam, và đạt được doanh thu cũng như giải Cánh diều vàng 2013.

Năm 2014, Nữ đạo diễn Trần Phương Thảo sinh năm 1977, người từng tham gia đồng hành trong quá trình làm phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, đã làm một bộ phim về chuyển giới cho cá nhân mình, và cũng đi vào chi tiết với một nhân vật. Trần Phương Thảo là cử nhân Đại học Ngoại thương Hà Nội; cử nhân Viện Nghiên cứu khoa học chính trị Paris – Pháp, chuyên ngành truyền thông - báo chí; cao học chuyên ngành đạo diễn phim tài liệu sáng tác tại Đại học công Poitiers. Sau khi trở về Việt nam, Thảo tham gia tích cực vào các trại sáng tác Tài liệu hiện thực Varan.

Trong khuôn khổ hoạt động này, cô thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay “Giấc mơ là công nhân” - năm 2006”. Trong suốt 10 năm qua, cô cùng với chồng mình là đạo diễn Swann Dubus đã tìm kiếm khai thác nhiều vấn đề tâm lý tồn tại trong xã hội Việt Nam, theo một cách kể gần gũi, đi sâu vào chi tiết. Những bộ phim trước đó mà đạo diễn Trần Phương Thảo đã làm: “Giấc mơ là công nhân” (Dream’s workers) năm 2007; “Trong hay ngoài tay em” (With or without me) năm 2011 (đồng đạo diễn Swann Dubus).

Đạo diễn Swann Dubus, sinh năm 1977, quốc tịch Pháp, là một thạc sĩ về Ngôn ngữ và Văn học hiện đại. Ngoài ra anh còn có bằng tiến sĩ về Nghiên cứu Phim tại Đại học Paris III. Đến năm 2000, Swann Dubus tập trung vào việc viết kịch bản phim, đạo diễn, quay và dựng phim tài liệu tại châu Á, châu Âu và châu Phi. Đến năm 2007, anh chuyển đến Việt Nam sinh sống và làm việc, hợp tác cùng đạo diễn Trần Phương Thảo.

Bộ phim “Đi tìm Phong” của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus đằng đẵng những nước mắt và đau đớn từ thể xác lẫn tinh thần của nhân vật chính tên Phong. Mà rốt cuộc sự chuyển biến ấy, là để thỏa mãn nhục dục với những người đàn ông khác với bộ dạng của nữ giới. Phong vừa lo lắng, vừa sợ hãi lại vừa thích thú khi dấn sâu vào “trò chơi” với cảm xúc tình ái, dù anh từ chối “quan hệ” khi cơ thể của mình chưa phải là nữ, và bản thân cũng rất khó khăn khi thú nhận rằng mình là người chuyển giới.

Bộ phim chân thực và không tránh né những ẩn khuất xáo trộn tâm lý trong của nhân vật chính, thái độ tiếp nhận câu chuyện “chuyển giới” với người thân trong gia đình và bạn bè của Phong. Có một số cảnh nhân vật tự quay phim, tự độc thoại với mình. Nước mắt, uất nghẹn… để thêm quyết tâm cho việc phải phẫu thuật. Hình ảnh Phong vào phòng mổ, bị gây mê, rồi được chuyển ra với đủ thứ dây dợ… thực sự ám ảnh. Người lo lắng cho anh hơn cả, vẫn là anh chị cùng chung dòng máu ruột thịt.

Đầu bộ phim là một thanh niên trai trẻ và cuối bộ phim là hình ảnh một phụ nữ tóc dài, thướt tha trong bộ váy, nhưng thân thể dù cố mềm mại mà vẫn còn vụng về lóng ngóng với bước đi vẫn còn phảng phất tính nam trong đó. Có dễ nhận ra đó là một phụ nữ chuyển giới không? Đó là câu hỏi sẽ còn vương vấn trong Phong.

Và với thân thể này, trải qua đủ cay đắng triền miên, Phong có tìm thấy hạnh phúc không? Là câu hỏi của bất kể ai ngồi trong khán phòng xem bộ phim tài liệu này.

An Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/di-tim-phong-hanh-trinh-tim-lai-ban-than-tintuc419276