Đi tìm ông ngoại

Khoảng tháng 12.2017 có người tên Dat Tuan (Bùi Tuấn Đạt) kết bạn với tôi trên facebook, vì biết tôi là một học sinh miền Nam (HSMN). Từ ngày đó, Đạt và tôi thường xuyên tâm sự với nhau...

Từ ước mơ của mẹ...

Đạt nói, theo lời kể của bà ngoại, ông ngoại cháu cũng là HSMN. Ông sinh năm 1938, kết hôn với bà ngoại năm 1960 rồi ly hôn năm 1962, khi mẹ của Đạt chưa tròn hai tuổi. Đạt không biết rõ nguyên nhân khiến ông bà chia tay, nhưng chắc bà còn giận ông lắm nên khi ông trở lại Quảng Ninh để nói lời tạm biệt với mẹ của Đạt trước khi đi làm nhiệm vụ ở miền Nam thì bà không cho gặp! Ông đành nhờ một người quen giữ giùm lá thư ông viết tay cho đứa con gái nhỏ, với hy vọng con lớn lên dựa vào thông tin trong thư sẽ tìm được ông. Nhưng hy vọng đó cũng tắt khi lá thư kia đi vòng vòng rồi lại vô tay bà ngoại. Vì quyết cắt đứt mối quan hệ với ông ngoại nên bà đã xé bỏ lá thư.

Mẹ Đạt lớn lên, thay vì tiếp tục mang họ Trương của ông như khai sinh đã được đổi sang họ Trần của bà. Có lẽ bắt đầu từ chuyện mẹ “bị” thay đổi họ như thế mà cả tuổi thơ của mẹ Đạt là một chuỗi ngày buồn khổ vì mang tiếng “con không cha”. Định kiến xã hội dai dẳng và gay gắt của những năm tháng ấy có thể cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của mẹ nên khi lập gia đình, mẹ sinh ra Đạt “nhỏ như một lon bia”, luôn ốm yếu... Đã thế, khi Đạt mới được vài tháng tuổi đã bị bác sĩ ở nơi khám bệnh chích nhầm thuốc vào gân đùi. Vậy là từ ngày đó cả hai chân của Đạt bị tê liệt, không đi đứng được!

Trước bàn thờ ông ngoại của Bùi Tuấn Đạt (áo đỏ, đứng giữa). Từ trái sang: cô Châu Nhật Sinh, cô Thu Vĩnh, chú Phan Trường Chiến, chú Lê Văn Tân

Cả một câu chuyện dài về những ngày tháng bố mẹ khổ sở tảo tần lao động, tích cóp từng đồng lương ít ỏi để có tiền chạy chữa đôi chân cho đứa con trai duy nhất. Mẹ đã ẵm Đạt đi từ Quảng Ninh đến Hà Nội, hết bệnh viện này đến thầy thuốc khác. Cuối cùng thì nhờ gặp được các bác sĩ vừa giỏi nghề, vừa tận tâm ở bệnh viện Bạch Mai, nhờ sự đùm bọc của những người tốt bụng ở quê nhà và ở nơi chữa bệnh mà đôi chân của Đạt sau mấy cuộc giải phẫu và thời gian dài vật lý trị liệu đã phục hồi gần như hoàn toàn chức năng co duỗi, đi lại.

Đạt đã thoát được định mệnh “thằng què” như lời chọc ghẹo vô ý thức của bạn bè thuở nhỏ.

rên đôi chân còn chút tập tễnh, Đạt đã đi hết bậc phổ thông và đã trở thành một kỹ sư cơ khí. Tất cả là nhờ tình yêu thương hết mực của gia đình và nhất là của mẹ. Đạt thương mẹ lắm nhưng ngoài việc cố gắng học hành và sống ngoan ngoãn, Đạt chưa biết sẽ phải làm gì để mẹ không còn khóc trong đêm như cháu tình cờ phát hiện. Cho đến lần được mẹ tâm sự về nỗi buồn “con không cha” dai dẳng của mình thì Đạt mới hiểu. Mặc dù mẹ đã có một người cha dượng rất tốt, yêu thương mẹ như con ruột, nhưng điều đó không khỏa lấp được nỗi khổ tâm trong lòng một đứa con khi không biết cha ruột của mình đang ở đâu và bao giờ mới có thể gặp lại. Chính từ nỗi lòng đó của mẹ mà Đạt từ nhỏ đã nung nấu mong muốn tìm bằng được ông ngoại...

Năm lớp 11, Đạt để dành tiền mẹ cho, mua cho mẹ một cái sim điện thoại trị giá 30 ngàn đồng để mẹ gọi cho tất cả những người mà mẹ tin rằng biết ông. Dù vậy, mọi manh mối về ông vẫn im ắng.

Lớn hơn, học xong đại học, có công ăn việc làm, rồi có vợ, có con, đã là một người trưởng thành nhưng Đạt vẫn chưa lúc nào thực sự sống thanh thản, chưa bao giờ thực sự cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc... Mỗi lúc ngồi nhìn mẹ với mái tóc đã bắt đầu điểm những sợi bạc, Đạt lại nghe văng vẳng lời tâm sự của mẹ hồi Đạt còn bé xíu: “Mẹ chỉ có bốn điều ước: xin được việc cho bố con (vì hồi đó bố Đạt mới phục viên từ bộ đội, chưa xin được việc làm), chữa khỏi chân cho con, xây được cái nhà và tìm được ông ngoại con”. Chân của Đạt đã được chữa khỏi từ lâu, thu nhập của gia đình đã ổn định, ngôi nhà mới khang trang đã được xây đủ cho cả nhà Đạt sống thoải mái. Chỉ còn điều ước thứ tư của mẹ Đạt đến tận bây giờ (2017) vẫn chưa được thực hiện... mặc dù hàng chục năm qua Đạt không ngừng tìm kiếm.

Có tìm sẽ thấy

Rất may, thế giới ngày nay đã được công nghệ thông tin kết nối gần hơn, nhanh hơn. Google và Facebook đã giúp Đạt dù ở Quảng Ninh vẫn biết có một cộng đồng gọi là HSMN từng sống nhiều năm trên đất Bắc. Các trang web HSMN đã được lập ra để kết nối họ lại với nhau ở độ tuổi U60, U70, thậm chí U80. Đạt đã vào tất cả các trang web HSMN ấy để dò tìm manh mối ông ngoại. Trong những chuyến xuôi ngược tìm ông trong Nam ngoài Bắc, Đạt đã tìm được một thông tin quý tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3: ông Trương Thời tức ông ngoại của Đạt đã được điều động về công tác tại tỉnh Kiên Giang từ tháng 10.1975! Manh mối quý hơn vàng ấy thúc đẩy Đạt tìm đến gần hơn với cộng đồng HSMN bằng những cuộc tiếp xúc cụ thể. Cuộc gặp tình cờ của Đạt với chú Cao Dũng - chủ biên cuốn sách Học sinh miền Nam - tư liệu và kỷ niệm đã thúc đẩy Đạt tiến gần hơn với những nhân vật trong cuốn sách mà Đạt tin sẽ giúp tìm thấy ông ngoại. Rồi một ngày cháu kết bạn với chú Tan Levan trên facebook - tức người đang kể lại câu chuyện này.

Bắt đầu những cuộc trò chuyện thân tình trên không gian mạng giữa chúng tôi: Nhat Sinh Chau (Châu Nhật Sinh), Quang Anh To, Tan Levan, Nguyễn Thế Thanh, Xanh Omay (Dương Thanh Mai), Binh Tran... với Đạt. Nghe nói có cuộc họp mặt HSMN toàn quốc vào ngày 27.1.2018 tại TP.HCM, Đạt từ Quảng Ninh bay vào, trao tận tay nhiều cô chú trang giấy A4 in hình và những thông tin ít ỏi về ông ngoại của mình. Sau sự kiện đó, Đạt nhờ tôi. Tôi lại nhờ anh Phan Trường Chiến, một HSMN từng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và nhờ cả nhà thơ Hoa Hồng, nhờ cả chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của VTV... nhưng vẫn chưa có manh mối nào.

Sau những cuộc trao đổi giữa hai chú cháu, bỗng nảy ra một sáng kiến không hề mới nhưng chưa áp dụng trong cuộc tìm kiếm này: đưa thông tin và hình ảnh ông ngoại của Đạt lên Truyền hình tỉnh Kiên Giang. Chọn giờ phát tin của Đài và hồi hộp chờ tin. Hiệu quả đến ngay tức khắc: ngay ngày hôm sau Đạt gọi cho tôi báo: “Có một người tên là Sáu Phong gọi cho con nói ông ấy là bạn thân của ông ngoại con. Ông ấy biết nhà ông ngoại... Nhưng vì thấy giọng ông ấy rất yếu nên con không dám hỏi nhiều. Giờ sao hả chú?”.Tôi lập tức trả lời: “Con báo ngay cho mọi người trong gia đình, và con vô ngay trong này đi!”.

Sau gần 20 năm tìm kiếm, Bùi Tuấn Đạt đã “gặp” được ông ngoại ở nghĩa trang Kiên Giang tháng 3.2018

Đêm đó, chị Châu Nhật Sinh cũng gọi cho tôi: “Ngày mai Đạt vô, em chuẩn bị hành trang cùng chị đi Kiên Giang ngay để tìm ông cho Đạt”.

Sáng sớm hôm sau, một ngày tháng 3.2018, bỏ hết mọi công việc, chúng tôi lên đường đi Kiên Giang.

Tới nơi, anh Trường Chiến đưa ngay chúng tôi đến nhà ông Sáu Phong - thương binh 2/4, đã rất già yếu. Ông Sáu cũng đang chờ chúng tôi và thông tin ngay một tin buồn: ông ngoại của Đạt đã mất mười năm trước. Tất cả lặng đi trong giây lát. Rồi ông Sáu Phong đưa chúng tôi đến nhà ông Trương Thời, không xa đó lắm. Chính ở ngôi nhà đó, chúng tôi xúc động ngắm nhìn tấm ảnh ông Trương Thời trên bàn thờ với tấm ảnh ông thời trẻ mà đứa cháu ngoại tội nghiệp của ông lúc nào cũng mang theo người trong cuộc kiếm tìm kéo dài gần hai chục năm qua...

Ấy vậy mà xúc cảm của chúng tôi trong cuộc trùng phùng, đã suýt bị sự hẹp hòi và ích kỷ phá hỏng hết. Có những người lớn trong gia đình hiện tại của ông ngoại Đạt không muốn nhìn nhận bất cứ mối quan hệ nào trước đó của ông Thời, dù là máu mủ huyết thống. Mọi lời lẽ giải thích, thuyết phục của những thành viên HSMN trong đoàn và cán bộ tại chỗ đều như vô nghĩa, thậm chí, suýt nữa thì Đạt đã không thể ra thắp nhang trên mộ ông ngoại của mình vì người trong nhà trả lời ông được chôn tận Vĩnh Long!

Vì thương Đạt và cũng vì cảm thông nhất định với thói hẹp hòi thường tình, cả đoàn đã tiếp tục cùng Đạt đến Viện Kiểm sát tỉnh để tìm người con trai của ông ngoại Đạt tên là Chí. Ông cậu của Đạt, người em cùng cha khác mẹ với mẹ của Đạt bước ra với gương mặt lộ rõ vẻ hững hờ. Hóa ra anh Chí cũng biết truyền hình đưa tin có người tìm kiếm cha mình, nhưng anh không nói vì sao anh không liên lạc lại với Đạt như ông Sáu Phong đã làm!

Tuấn Đạt với cậu Chí (phải), em cùng cha khác mẹ với mẹ Đạt

Nghe đến đó, tôi vội nói một hơi thật nhanh như thể sợ anh ta sẽ biến đi và cháu Đạt của chúng tôi chẳng còn cơ hội nào biết thêm thông tin về ông ngoại của mình để thờ cúng theo tập quán dân tộc: “Chúng tôi là HSMN, từng xa cha xa mẹ nhiều năm từ tấm bé nên chúng tôi thấu hiểu nhu cầu tình cảm vô cùng chân thực, chính đáng và đáng quý của Đạt khi cháu vất vả tìm ông ngoại cho mình, tìm cha cho mẹ bao năm qua. Chúng tôi mới quen biết Đạt gần đây nhưng chúng tôi biết cháu là người sống coi trọng tình nghĩa, cháu và mẹ của cháu không cần bất cứ quyền lợi vật chất nào từ ông Trương Thời... Trong câu chuyện tìm kiếm huyết thống này không ai có lỗi, chỉ là do sự chia cắt kéo dài của chiến tranh”. Nói đến đó bỗng nhiên nước mắt tôi trào ra...

Rồi cả đoàn chúng tôi, với nhang, đèn, hoa trái đã cùng Đạt ra nghĩa trang. Nhìn hình ảnh Đạt quỳ xuống bên mộ ông và thắp lên mấy nén nhang lẻ loi, lòng chúng tôi vừa buồn, vừa vui. Vui vì sau hàng chục năm trời Đạt đã tìm được người cha cho mẹ và tìm được ông cho mình. Buồn vì ông cháu Đạt đã không kịp gặp nhau để sẻ chia niềm vui đoàn tụ...

Khi mọi người sắp chia tay thì Chí nói với tôi: “Chú cho cháu chở Đạt đi uống cà phê và tâm sự nhé”. Chúng tôi ai nấy nhìn nhau cùng nở nụ cười. Xem như chuyến đi của chúng tôi có hậu.

Sáng hôm sau chị Sinh nói với Đạt: “Bây giờ con đã về với vòng tay của gia đình HSMN rồi. Các má các chú có nghĩa vụ lo cuộc sống tinh thần cho con. Con biết Cà Mau chưa, biết Cần Thơ, Vĩnh Long... chưa? Chưa hả. Vậy má sẽ cho con đi, để con biết chút ít về quê nội của mẹ con!”

Rồi xe không về Sài Gòn như dự tính mà quay đầu đi Cà Mau. Ở đó, có những con người hồn hậu đang chờ đón chàng trai Quảng Ninh đã đội đường và vượt thời gian đi tìm ông ngoại...

Lê Văn Tân (Học sinh miền Nam Vĩnh Phú)
Ảnh: CTV

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/di-tim-ong-ngoai-14235.html