Đi tìm nguyên mẫu nhân vật chính trong phim 'Sao Tháng Tám'

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 (năm 1977) đánh giá: 'Sao Tháng Tám' là bộ phim thành công nhất về đề tài Cách mạng, do đạo diễn, NSND Trần Ðắc cùng ê-kíp quay thời gian 1975-1976. Vậy nguyên mẫu nhân vật Nhu (do NSƯT Thanh Tú thủ vai) là ai?

Trong loạt các tác phẩm viết về đề tài Cách mạng, tôi tìm thấy hồi ký cách mạng “Nắng Hưng Yên” (Nxb Phụ nữ, 1967) do nhà văn Hứa Khắc Ân (Hà Ân, 1928-2011) thực hiện; trong đó có ghi lại hình ảnh một cán bộ phụ nữ trong những ngày tháng Tám lịch sử.

Chuyện về chị Hưng trong “Nắng Hưng Yên”

Chị sinh năm 1920, trong một gia đình nhà nho ở thôn Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), Thái Bình, với tên khai sinh là Ức, Nguyễn Thị Ức. Bị cha mẹ nhận lời gả cho một nhà khá giả ở làng, người này kém đến 4-5 tuổi nên chị đã bỏ ra ở chùa làng. Được già Đồi giác ngộ, chị đi đưa thư và canh gác cho hội họp bí mật. Một đêm, cắp chiếc nón rách, men theo bờ đê rồi chị vứt nón lại, giả như đã nhảy xuống sông tự vẫn, trốn qua Nam Định, tham gia cách mạng từ năm 1936, trở thành đảng viên Cộng sản năm 1939, khi vừa tròn 19 tuổi.

Sau khi thoát ly, chị lấy bí danh là “Tân”, được tổ chức giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Liên C của Xứ ủy Bắc Kỳ (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình), len lỏi khắp nơi, đưa thư từ, tài liệu giữa Liên C và tham gia gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Cũng tại đây, chị được tham gia các lớp bồi dưỡng về quân sự, chính trị ở Nho Quan do Xứ ủy mở và chị thầm yêu trộm nhớ anh Phu “thượng cấp” của mình.

Cuối năm 1943, anh Phạm Văn Phu (Bí thư Liên C kiêm Bí thư Ban cán sự Hà Nam) bị bắt, chị đứng ra tiếp tục chỉ đạo phong trào Hà Nam. Mật thám Pháp biết tin, lùng sục, treo thưởng cho ai bắt được con mẹ Tân. Một lần ngay tại phà Tân Đệ, khi phát hiện bị bám đuôi, chị giả xuống vệ đê rồi khéo léo thoát hiểm. Đầu 1944, phát hiện có kẻ phản bội, chị được Xứ ủy điều về hoạt động ở Ninh Bình. Anh Phu bị bắt rồi bị giam ở các nhà tù Phủ Lý, Ninh Bình và cuối cùng là nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, 9-3-1945, anh tham gia tổ chức cuộc “đại vượt ngục” cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò trở về với phong trào. Chả thấy tin tức, tưởng anh đi mãi không về, nay được tái ngộ. Tại Ninh Bình, tổ chức đã “tác hợp” cho anh chị.

Cuối năm 1944, đầu 1945, nước ta chịu nạn đói khủng khiếp. Chị được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về hoạt động tại huyện Kim Động (Hưng Yên). Một lần về thăm nhà chồng ở Ân Thi, sớm sau trở ra, được cô em dúi vào tay 2 củ khoai nhưng qua phố, gặp thằng bé có thân hình gầy nhom, ốm yếu, chị cho nó củ khoai. Thằng bé vội quay đi ăn ngấu nghiến, sợ có ai cướp mất, ăn xong, cháu lại chìa tay xin củ còn lại, mang xuống vệ đường. Nhìn ra thì thấy mẹ cháu với thân mình rách rưới còm nhom đã chết tự bao giờ. Những câu chuyện đau thương như thế giục chị phải cố lên.

Các đội tự vệ ở Kim Động được chị thành lập, trang bị dao gậy, luyện tập võ thuật, đi tuần tra bảo vệ xóm làng... Tháng 5-1945, với kinh nghiệm từng phá kho thóc chia cho dân ở Ninh Bình, chị đã chỉ huy cướp kho thóc Nhật ở Đống Long, Kim Động. Khi cả kho thóc lớn được chuyển hết về nhà dân thì chị bỗng thấy cái thai trong bụng đạp nhói. Toát mồ hôi, lúc này chị mới nghĩ đến đứa con…

Phong trào kháng Nhật ở Hưng Yên mạnh dần. Cả nước hừng hực chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Bụng mang dạ chửa chị vẫn lặn lội xuống các cơ sở, đi vận động cách mạng. Lãnh đạo khởi nghĩa thành công ở huyện lỵ Kim Động, đêm ngày 22-8, chị cùng quần chúng các huyện đổ về thị xã Hưng Yên. Trưa ngày 23/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hưng Yên thành công, từ ngày ấy, chị lấy cái tên Hưng để kỷ niệm những tháng ngày hoạt động cách mạng.

Cách mạng tháng Tám thành công cũng là lúc đến thời kỳ sinh nở, chị lánh về nghỉ ở gia đình ông bà Tám - cơ sở cách mạng ở Bần Yên Nhân. Đến ngày “nằm ổ”, gia đình đưa chị ra nhà thương Bần. Sinh được con gái, đặt tên là Yên Hồng (với nghĩa: cờ hồng bay trên đất Hưng Yên). Cũng chỉ dăm tuần sau, do yêu cầu của tổ chức, chị phải dứt ruột gửi đứa con còn đỏ hỏn lại cho ông bà Tám, đi nhận công tác Bí thư Phụ nữ Hưng Yên.

…Đọc đến đây, thấy cuộc đời chị giông giống nhân vật chính trong phim “Sao Tháng Tám”, tôi đã tìm gặp nhà văn Hà Ân. Lúc đó được ông cho hay: đạo diễn Trần Đắc với ông cùng là học sinh Hà Nội, cùng đi theo cách mạng. Khi bắt tay làm bộ phim “Sao Tháng Tám”, đọc “Nắng Hưng Yên” của ông, Trần Đắc đã xin phép chọn một số tình tiết, câu chuyện của chị Hưng để xây dựng nhân vật Nhu.

Tiếp tục cống hiến cho cách mạng

Từ Hưng Yên chị tiếp tục được phân công lên Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên tham gia xây dựng phong trào phụ nữ Cứu quốc suốt thời gian đầu của cuộc kháng chiến 9 năm…

Còn người chồng - ông Trần Tử Bình (tên lấy sau ngày vượt ngục Hỏa Lò, tháng 3/1945) tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội; sau đó tiếp nhận từ ông Hoàng Văn Thái, xây dựng Trường Quân chính Việt Nam, đào tạo gấp cán bộ cho nước Việt Nam mới. Rồi ông đảm trách các cương vị: Phó Giám đốc, Chính trị ủy viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam tại Trung Quốc (1951-1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Trung Quốc (1959-1967).

…Để tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình, năm 1951, tổ chức cho chị nhập ngũ, về công tác tại Trường Lục quân Việt Nam. Sau 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, “chính trị viên tiểu đoàn” Nguyễn Thị Hưng chuyển về công tác tại Bộ Ngoại thương, tham gia xây dựng ngành xuất nhập khẩu non trẻ. Suốt 20 năm công tác, kinh qua các cương vị: Chủ nhiệm Xí nghiệp Len -Thêu ren xuất khẩu, Phó giám đốc Cty Tocontap, Chánh thanh tra Bộ, Bí thư Đảng ủy Cty Barotex… Ở đâu bà cũng giữ vững phẩm chất đã được tôi luyện trong thời kì bí mật: Tận tụy với công việc; gần gũi, chân tình với đồng chí, đồng nghiệp. Với ông, bà là hậu phương vững chắc và sinh cho ông 8 người con.
Sau 30-4-1975, bà xung phong ngay vào Nam, xây dựng các cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con sau chiến tranh. Doanh thu xuất khẩu của Barotex tăng vọt, từ một đơn vị yếu kém nhất Bộ, năm ấy Barotex được Bác Tôn, Chủ tịch nước, tặng lẵng hoa.

Về với đời thường

Năm 1978, bà nghỉ hưu khi đã 58 tuổi. Sau 1975, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN cắt viện trợ; tới 1979 lại xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Cả nước khó khăn. Bà bắt tay nuôi lợn cải thiện. Sáng nào bà con khu phố cũng thấy bà ra chợ Cửa Nam, xin các cô mậu dịch viên rau héo vứt đi; đến trưa mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khệ nệ xách làn rau về nhà. Thấy nắng nôi vất vả, ai cũng thương. Mấy bà vợ cán bộ “cốp” thì khuyên: "Chị làm thế không sợ ảnh hưởng đến anh nhà à?". Bà đã khiêm tốn trả lời: "Làm thế có gì mà phải xấu hổ? Vợ tướng cũng phải lao động, chứ có ăn cắp của ai đâu mà sợ!".

Với các cơ sở cách mạng của ông bà trước 1945 ở Hà Nam, Ninh Bình, hễ bà con lên xin xác nhận là bà đi gõ khắp các cửa. Ngày được Ban Thi đua khen thưởng làm thủ tục tặng huân chương Độc lập hạng Hai, bà bảo: "Tôi vào Đảng 1939, từng là Bí thư Ban Cán sự Hà Nam (Ban Cán sự tỉnh tương đương Tỉnh ủy bây giờ - NV) cuối 1943 thay ông Bình bị mật thám Pháp bắt, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Hưng Yên 1945 thì áp dụng thế chưa đúng. Nhưng với tôi thì không sao, còn nhiều gia đình cơ sở trước 1945 mà các anh còn chưa làm chính sách cho họ đấy".

Tết nào, bà cũng mang một khoản tiền nhỏ lên Đồn 10 úy lạo: "Tết nhất bà được tổ chức và con cháu biếu quà nên các cháu đừng ngại”.
Tháng 8-1993, thấy mình đã yếu, bà mang số tiền lương tháng cuối cùng lên tặng Hội CCB phường Cửa Nam: "Thấy các đồng chí tự nguyện làm việc, không có lương thì tôi ủng hộ. Tôi cũng là CCB mà". Tiết kiệm được tiền lương, thấy chú tổ trưởng Đảng (nhà trong ngõ Tức Mạc) cũng nuôi lợn mà thiếu vốn, bà đã cho vay. Khi thấy bà yếu lắm, chú mang sang trả. Bà bảo: "Chú cầm lấy mà dùng. Chết, tôi có mang theo được đâu".

Thời gian cuối, sáng sáng bà mang chiếc ghế ra ngồi ở cổng, ngắm phố phường cùng bà con, người thân qua lại. Ngày cuối, thấy bà mệt lắm rồi, con cháu đưa bà vào Bệnh viện Hữu nghị. Hôm sau, ngày 23-8-1993 (8/7 âm) bà nhẹ nhàng ra đi, như ngọn ngọn đèn đã hết dầu.

Tang lễ bà Nguyễn Thị Hưng được tổ chức ở Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị. Lâu lắm mới thấy đám tang như thế: rất đông người đến vĩnh biệt!

Vân Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/di-tim-nguyen-mau-nhan-vat-chinh-trong-phim-sao-thang-tam-tintuc445110