Đi tìm nét cũ duyên xưa

Nghiên cứu trang phục dân gian lâu nay ít được quan tâm. Chính bởi vậy, thi thoảng chúng ta lại thấy những điều sai quấy khi xem những bộ phim lịch sử có 'đụng chạm' đến vấn đề trang phục xưa của người Việt. Vì thế, việc mới đây cuốn 'Nét cũ duyên xưa' với những khảo tả khá chi tiết về y phục của người Việt đã khiến nhiều người quan tâm.

Điều bất ngờ, tác giả cuốn sách là Bùi Quang Thắng, hiện làm hướng dẫn viên du lịch. Cùng trò chuyện với nhà nghiên cứu trẻ này để hiểu vì sao anh lại nặng lòng với những y phục truyền thống góp phần làm nên bản sắc văn hóa của người Việt.

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng.

PV: Thưa, ý tưởng thực hiện cuốn sách đến với anh từ những thôi thúc nào?

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng: Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống lại càng có vai trò đặc biệt: nó như những cột mốc định hướng để ta nhớ rằng mình đến từ đâu giữa cái “thế giới phẳng” này. Việc quay trở về với những giá trị văn hóa truyền thống có thể nói là một bước ngoặt bất ngờ ngay cả với bản thân tôi. Tôi đã dành ra một năm rưỡi để hoàn thành cuốn sách này.

Anh từng nói, trang phục dân gian luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thế nhưng thư tịch xưa nay chưa bao giờ dành cho nó vị trí xứng đáng. Anh có thể lý giải rõ hơn?

- Có một thực tế là không chỉ thư tịch xưa mà ngay cả các cuốn sách nghiên cứu về trang phục Việt của các tác giả hiện đại đều dành phần nội dung rất lớn và rất chi tiết cho trang phục cung đình và quan lại. Có người quan niệm rằng trang phục cung đình và quan lại hội tụ những tinh hoa của nhiều nghành nghề thủ công như dệt may, kim hoàn... thế nên chúng đáng được quan tâm nhiều hơn.

Cầu kỳ là thế nhưng trang phục cung đình Việt lại mang nặng ảnh hưởng của trang phục Trung Hoa bởi trong lịch sử nước ta, các triều đại phong kiến thường học theo thể chế Trung Hoa để chế định triều phục, phẩm phục (điều này đã được khẳng định trong chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí”...). Tuy nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc lại là câu chuyện khác. Nếu chỉ cố gắng học theo người khác thì khó tránh khỏi trở thành cái bóng của họ.

Trang phục dân gian tuy đơn giản hơn nhiều nhưng nhờ bản chất phóng khoáng cố hữu của văn hóa dân gian mà nó vẫn giữ được những nét độc đáo rất riêng:một vành nón thúng, một nếp khăn vấn hay tà áo tứ thân vẫn luôn luôn là những hình ảnh “rất Việt”, không thể lẫn với trang phục của các dân tộc khác. Những thứ trang phục này đã thể hiện được nét đẹp rất riêng của trang phục Việt - đó cũng là chủ đề xuyên suốt của “Nét cũ duyên xưa” (NXB Lao Động và Thái Hà Books ấn hành)

Cuốn “Nét cũ duyên xưa” còn trở nên sống động với hàng trăm hình ảnh chụp thực tế và ảnh tư liệu. Đây là cuốn sách thứ hai của Bùi Quang Thắng (sinh năm 1974), sau “Đào kép một thời”- như là một hành trình tìm về cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong cuốn sách, không chỉ thấy dấu ấn của những chuyến điền dã tại nhiều vùng miền, mà còn hiện ra công sức khảo cứu qua những tài liệu đông-tây, kim-cổ, sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Làm cách nào anh có thể đọc một lượng dữ liệu lớn?

- Là một hướng dẫn viên du lịch, tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong công việc của tôi. Tôi có học thêm tiếng Pháp và có thể đọc tài liệu tiếng Pháp. Tuy nhiên, vì số lượng tài liệu tham khảo rất lớn cho nên việc xử lý tài liệu cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì.

Nhân đây cũng cần nhắc tới công tác thư viện của một số thư viện lớn trên thế giới như Thư viện Quốc gia Pháp. Với phương châm “mang kiến thức đến cho mọi người”, Thư viện Quốc gia Pháp đã số hóa nguồn tài liệu với giao diện vô cùng thuận tiện cho bạn đọc trên khắp thế giới có thể sử dụng dễ dàng và miễn phí đối với phiên bản có độ phân giải nhất định, hoàn toàn không phân biệt đối tượng sử dụng. Nhiều sách tham khảo trong “Nét cũ duyên xưa” tôi lấy từ nguồn này.

Vậy khó khăn nhất khi “hóa giải” những tài liệu đôi khi có sự vênh lệch đó để đưa vào cuốn sách là gì?

- Thực ra tôi thấy không có sự vênh lệch nhiều trong tài liệu xưa viết về trang phục. Có lẽ bởi đó là những tài liệu ghi chép về xã hội đương thời, phần lớn các tác giả đều là những người trực tiếp mắt thấy tai nghe. Ngược lại, trong những tài liệu sau này, chủ yếu từ nửa cuối thế kỷ 20, mới có sự vênh lệch nhiều. Đơn giản như chiếc nón thúng với lịch sử trải dài hàng trăm năm nhưng đa phần các tài liệu ngày nay chỉ dựa vào một phần rất nhỏ thuộc giai đoạn muộn mà về thực chất thì khi đó nón thúng đã biến mất, chỉ còn lại là những chiếc nón được sản xuất để phục vụ mục đích biểu diễn văn nghệ.

Nón nhị thôn (nón dẹt)- ảnh do người Pháp chụp hồi đầu thế kỷ XX.

Qua quá trình nghiên cứu, theo anh, sự tiếp biến trong trang phục của người Việt có gì bất ngờ nhất?

- Có những bất ngờ khá thú vị, ví như ngày nay, chiếc nón lá được mặc định là nón chóp nhọn và là một biểu trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt. Đàn ông không ai đội nón. Ấy thế nhưng, trong giai đoạn thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, nón chóp nhọn lại là thứ phục trang của nam giới, thậm chí lính tráng cũng đội nón chóp nhọn (nhưng nhỏ hơn và được đan bằng tre ghép) để tăng vẻ nam tính; còn chiếc nón thúng tròn mới là thứ trang phục làm duyên của phụ nữ. Hay với áo dài, cho tới đầu thế kỷ 20 vẫn còn nhiều đàn ông Việt mặc áo dài (áo năm thân) và nó chẳng khác áo năm thân của nữ là mấy. Trang phục vẫn luôn biến đổi lạ lùng như vậy.

Thế còn xu hướng cách tân áo dài gần đây, theo anh có điều gì băn khoăn?

- Ở đây tôi chỉ nói riêng về áo dài nữ. Bản thân sự ra đời của chiếc áo năm thân - tiền thân của áo dài ngày nay - vào năm 1744 đã là một sự cách tân gắn với lịch sử xứ Đàng Trong - một vùng đất mới. Và hình ảnh chiếc áo dài mà suốt mấy thập niên từ 1930 cho tới gần đây vẫn được tôn vinh như là biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt cũng lại là kết quả của một cuộc cách tân, lần này thì gắn với phong trào Âu hóa. Điểm thú vị trong lịch sử của chiếc áo dài chính là nó phần nào phản ánh được những chuyển biến tâm lý xã hội qua mỗi thời kỳ.

Tôi cho rằng xu hướng cách tân trong thời trang nói chung cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, áo dài không chỉ là một sản phẩm thời trang - ngày nay, nó được rất nhiều người Việt coi như một biểu tượng văn hóa. Và với một biểu tượng văn hóa, một giá trị đã định hình thì đương nhiên sẽ xuất hiện tâm lý muốn bảo tồn giá trị đó như là một biểu hiện của sự tôn trọng, thậm chí là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc.

Tôi cho rằng điều quan trọng là phải dung hòa được cả hai xu hướng đó: cách tân và bảo tồn. Việc bảo tồn hết sức quan trọng vì nhờ đó mà ta sẽ có được những nhận thức đúng đắn về nguồn gốc và những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ đã định hình của áo dài - đó sẽ là vốn kiến thức, là phông văn hóa nền tảng để tránh được những cách tân quá đà, lố lăng.

Trân trọng cảm ơn anh!

Hoàng Thu Phố (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/di-tim-net-cu-duyen-xua-tintuc408764