Đi tìm lời giải 'bí ẩn' cuộc đời vị 'anh hùng vung dao tuẫn tiết' khi bị học trò cũ ám hại

Là người anh hùng văn võ song toàn, chí khí ngất trời, nhưng đáng tiếc, ông bị chính người học trò thân cận rắp tâm ám hại.

Trước họng súng quân thù, người anh hùng hiên ngang vung dao tuẫn tiết vì chính nghĩa. Đương thời, cuộc đời ông là hàng trăm giai thoại về bậc quân tử kiệt xuất. Nhưng trải qua bao cuộc bể giông, cuộc đời vị anh hùng bị bụi mờ thời gian che phủ một cách kỳ lạ. PV báo CLXH ngược dòng lịch sử, đi tìm lời giải bí ẩn những thăng trầm xưa, với mong muốn tái hiện lại cuộc đời vị anh hùng sa cơ.

Nhà nghiên cứu văn hóa, võ thuật Võ Kiểu trao đổi với PV

Nhà nghiên cứu văn hóa, võ thuật Võ Kiểu trao đổi với PV

Vị anh hùng của trăm dân

Người mà chúng tôi nhắc đến ở trên là ông Võ Đình Hý (1913 - 3/11/1950 ÂL), tục danh là ông giáo Thiệu, vốn là người tại làng Phú Bông (khu Kỳ Phú Gò Nổi (nay là thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Về xã Điện Phong thời đổi mới, hỏi thăm ngược xuôi, chỉ còn những bậc cao niên tuổi bát thập mới tỏ tường đôi ba mẩu chuyện chắp nối về ông Hý. Cuối cùng, theo chỉ dẫn của cán bộ UBND xã Điện Phong, PV gõ cửa nhà nghiên cứu văn hóa, võ thuật Võ Kiểu (nguyên Tổng thư ký Liên đoàn quyền thuật miền Trung), là người am tường, cũng như lưu giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử Quảng Nam.

Theo lời ông Kiểu, nói đến Võ Đình Hý là nói về chuyện “vang bóng một thời” xứ Quảng xưa. Thuở xưa, ông Hý là người văn thông võ đạt của chốn Kỳ Phú Gò Nổi. Với bản chất thông minh, trí đức song toàn, ông làm nên bao chuyện hiệp nghĩa. “Vị này là con trai thứ 3 của ông Võ Xuân Quế và bà Trần Thị Ngưu. Sinh thời trong giai đoạn toàn dân chống Pháp nên ông sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập phong trào yêu nước chống Pháp ở khu Kỳ Phú bấy giờ. Trong con người này mang đầy đủ khí chất hào hiệp của con nhà võ, tài trí thánh hiền và dáng dấp con nhà văn”, nhà nghiên cứu Võ Kiểu nói thêm.

Vùng đất nổi Gò Đình ngày nay, nơi năm xưa người anh Võ Đình Hý hy sinh

Khi xưa ban ngày, ông là ông giáo làng truyền dạy chữ nghĩa cho con em trong vùng. Nhưng đêm đến, ông giáo làng là chiến sỹ Việt Minh kiệt xuất. Không chỉ dạy võ tổ chức hoạt động bí mật cho quần chúng, ông còn là người huấn luyện trực tiếp cho du kích địa phương. Được cấp trên tin tưởng, ông nhận nhiệm vụ chủ nhiệm Việt Minh xã nhà, phụ trách 10 thôn. Không lâu sau, ông giữ chức Thường vụ xã ủy kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến xã Điện Phong, đi đầu trong hoạt động cách mạng ở huyện Điện Bàn bấy giờ.

“Nơi ông Hý hoạt động cách mạng cũng là nơi có căn cứ địa của giặc lớn nhất vùng. Kể sao cho hết mọi thủ đoạn ác độc của quân thù, đếm sao cho hết sự khốn khổ của dân ta. Từng phút từng giây dưới chỉ huy của cách mạng mà tiền tiêu là ông Hý, dân ta từng phút từng giây sống chết với kẻ thù mạnh hơn gấp trăm lần. Tôi vốn người gốc xã Điện Phong, cha chú cũng là bậc võ sư hào hiệp đương thời nên cũng được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện về vị Võ Đình Hý này, như chuyện ông tay không bảo vệ người dân khi bị cường hào áp bức. Nhưng hơn hết là sự toàn tài của người lãnh đạo mang sự tin yêu đến cho dân chúng”, nhà nghiên cứu Võ Kiểu nói.

Không lâu sau quãng thời gian hoạt động cách mạng, ông bị chính người học trò tham danh lợi bán đứng. Tên tuổi vị anh hùng bị bại lộ, để truy lùng ông, quân thù treo giá bằng vàng thỏi. Nhằm đảm bảo an toàn, ông buộc hoạt động bí mật, sống trong lòng dân. Tài đức là vậy, nhưng cuộc đời lắm bể oan, người anh hùng sa cơ rơi vào tay giặc. Ngày ông hy sinh cũng là ngày trăm dân khu Kỳ Phú Gò Nổ khóc thương hàng chục ngày liền. Phải nói thêm, khu Kỳ Phú rộng lớn ngày nay gồm ba xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đủ thấy ông được người dân yêu quý đến mức nào.

Đương thời, để bày tỏ lòng tiếc thương, dân gian đã truyền tụng bài văn tế khóc thương thống thiết: “Xuân năm trước hoa cười, chim reo hót. Xuân năm nay tan tác cảnh binh đao. Nắng chang chang cành cây đành phải khô, súng tranh đấu dập dồn lại bùng nổ. Làm cho giặc thất điên bát đảo, giành quyền lợi cơm áo cho nhân dân. Chịu gian lao cực khổ biết bao lần, đem tuổi trẻ hiến thân cho cách mạng. Gặp nguy hiểm không bao giờ anh nản chí, quyết một lòng vì nước vì dân. Anh Thiệu (Thiệu là tên tục của Võ Đình Hý - PV) chết hiến thân cho cách mạng, bao năm trường thành tích vẻ vang. Đời vắng anh cảnh vật cũng điêu tàn, người quen lạ xa gần đều mến tiếc. Anh Thiệu chết nhưng tinh thần bất diệt, vẫn còn đây mãi trong lòng dân. Anh mất đi thương tiếc bao lần, hận lũ giặc tham tàn loài thú dữ. Anh Thiệu chết nhưng tinh thần bất tử, đã đi vào trang sử quốc anh hùng”.

Bi kịch trò cũ ám hại

Nhắc đến số phận người anh hùng một thời này, nhà nghiên cứu Võ Kiểu ngậm ngùi cho hay: “Cuộc đời là bể oan mà người ngoan thì chóng già. Có thể nói đó là bi kịch của người anh hùng mạt vận. Đau đớn khi bị chính trò cũ của mình ám hại”.

Từ đường tộc Võ xã Điện Phong là một gia tộc lớn.

Trong Chuyện võ miền Trung tập 1 (NXB Đà Nẵng, 2006, trang 29, 30) do chính nhà nghiên cứu Võ Kiểu chủ biên ghi lại: “Vào giữa mùa đông năm Canh Dần (1950), trong khi ông Hý đang hoạt động bí mật tại hầm trú ẩn làng Đông Bàn (xã Điện Phong) thì bị giặc phát hiện bao vây. Dẫn đầu đoàn giặc là tên tay sai cấp bậc Đại úy, chức vụ Tỉnh đoàn phó lực lượng cảnh vệ tỉnh Quảng Nam đang cố dụ ông ra ngoài. Chứng kiến cảnh này, muôn dân căm phẫn tận xương tủy. Bởi lẽ, đau đớn thay xưa kia tên này là học trò của ông Hý. Được ông cưu mang từ nhỏ, rồi ba lần bảy lượt cứu vớt khỏi loạn lạc. Nay lại bán nghĩa cầu vinh, tố giác rồi dùng tình nghĩa thầy trò cố thực hiện ý đồ đen tối kêu gọi ông ra hàng. Lập được đại công này hắn sẽ được quân Pháp trọng dụng”.

Uất ức vì bị trò cũ ám hại, vị anh hùng tuy sa cơ nhưng khẳng khái quyết không hàng quân tham tàn. Phía ngoài, kẻ bất nhân không dụ được vị anh hùng bèn dùng kế bẩn, cho một tiểu đội có võ nghệ thủ sẵn ám khí vào “mời thầy”, hòng sát hại ông. Nhưng ông dùng võ nghệ của mình quyết liệt “trả lễ” đả thương gần hết đám lính, đoạn nhanh chân thoát về sông Thu Bồn. Thế nhưng, sự quang minh của người hùng không qua được mưu hèn của kẻ bỉ ổi”.

“Bấy giờ, ông vượt sông lên khu đất Gò Đình (đoạn sông Thu Bồn phân cách huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn - PV) thì bị chúng dùng sống khống chế. Ông hiên ngang vung kiếm thủ tiết trước họng súng kẻ thù một cách anh dũng. Trước lúc chết, tên trò cũ hết lời năn nỉ dụ ông hàng. Nhưng đối với ông, bọn gian ác lừa thầy phản bạn dễ gì lung lạc được ông. Ông rút kiếm chửi thẳng mặt: “Bọn bay là một lũ quái thai, ta thà chết cũng vì chính nghĩa”, rồi tuẫn tiết”, ông Võ Kiểu phân tích rõ bi kịch người anh hùng.

Theo lời ông Chung Kim Khánh, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết thêm: “Ông giáo Thiệu (Võ Đình Hý) tài năng nhưng lại yểu mệnh. Tộc Võ ở xã Điện Phong là một gia tộc lớn, còn hiện tại con cháu của ông Võ Đình Hý đều đã rời bỏ địa phương vào Nam sinh sống từ lâu”.

Theo nhà nghiên cứu Võ Kiểu, cuộc đời ông Võ Đình Hý là cả trang giai thoại hào hùng được nhân dân đương thời nhất mực ca tụng, trăm dân ngưỡng mộ khóc thương. Nhưng qua thời gian, thăm trầm lịch sử, từ buổi sa cơ đến khi đã nằm sâu dưới ba tấc đất, tên tuổi ông chìm vào quên lãng một cách nhanh chóng đến kỳ lạ mà đến nay vẫn chưa lời giải đáp thỏa đáng, cho những ai trót mến mộ người anh hùng này.

Vị Chủ tịch xã đầu tiên

Trao đổi với chúng tôi, ông Chung Kim Khánh, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ông Võ Đình Hý là vị Chủ tịch xã đầu tiên của Điện Phong, ông được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Hiện tại, con trai ông Hý là ông Võ Văn Phi đang thờ phụng ông tại số 125 đường Nguyễn Bá Tòng (phường 11, quận Tân Bình, TP. HCM).

Trần Xem

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/di-tim-loi-giai-bi-an-cuoc-doi-vi-anh-hung-vung-dao-tuan-tiet-khi-bi-hoc-tro-cu-am-hai-17270.html