Đi tìm khát vọng sáng tạo mới

Văn đàn Việt Nam lại vắng bóng một tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021). Ông đã để lại cho văn học Việt Nam một di sản lớn, giúp người đọc có thêm những đường dẫn tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc.

Từ những tiểu thuyết lịch sử...

Tôi chưa được đọc hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhưng qua 3 cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của ông, tôi đã được đưa vào những không gian nghệ thuật sâu thắm và huyền diệu, cùng với những ấn tượng không thể nào quên. Đây là bộ 3 tác phẩm đã nhận nhiều giải thưởng văn chương trong nước. Những tiểu thuyết này trước hết là viết về con người Việt Nam, với những số phận riêng và cả vận mệnh chung của đất nước.

Từ một ông vua lao vào công cuộc cải cách và bảo vệ đất nước như Hồ Quý Ly, cho đến một vũ nữ với thân phận nô lệ bị bóp nghẹt trong khao khát tự do. Hay từ cuộc đời người phụ nữ được trao quyền năng của “cô Mẫu” thượng ngàn, cho đến một viên quan ba người Pháp với tham vọng cải tạo người bản xứ nhưng đã “Việt hóa” từ khi nào không hay... Hầu hết những câu chuyện được kể và những con người sống trong đó là những mảnh ghép của lịch sử, mang dáng dấp, tinh thần của con người Việt Nam, cụ thể là ở vùng Bắc bộ. Nhưng với tài dẫn dắt của nhà văn, người đọc ở bất cứ nơi nào cũng nhận ra “tín hiệu” của một nền văn hóa Việt độc đáo và đậm nét. Và người Việt ở bất cứ phương trời nào cũng nhận ra được mình trên trang sách của Nguyễn Xuân Khánh. Ông đã viết thật mê hoặc về những tình yêu ngang trái, những tham vọng quyền lực vô biên, những bi kịch của đói nghèo, cho đến hiểm họa vong nô ẩn hiện từ cây đa, giếng nước đầu làng... Cách viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh rất tỉnh táo, tỉ mỉ cho người đọc hiểu từng chi tiết ông đưa vào câu chuyện. Song sự hấp dẫn nằm ở chỗ ông để cho nhân vật tự bộc lộ chính mình trong bộ khung của lịch sử, đem cái mong manh của tình cảm, số phận ra để đối đầu với lệ, luật, tôn giáo, chiến tranh... Nhưng trong sự trùng điệp giăng mắc của những mâu thuẫn, toan tính, thậm chí là tội ác, thì những con người luôn nổi bật lên với sức sống mãnh liệt tiềm tàng, với niềm tự hào về một kho tàng văn hóa không ai có thể chiếm đoạt được - bởi vì mỗi con người đều đã hóa thân vào với cội nguồn văn hóa ấy.

Đọc Nguyễn Xuân Khánh không chỉ để thưởng thức, để say mê đắm mình vào đó, mà còn phải thao thức, tìm tòi, “nghiền ngẫm” hiện thực. Đọc sách của ông, tôi phải đọc nhiều lần để tìm những điều bí ẩn còn ẩn giấu sau những lớp hiện thực đã được ông bóc tách và soi rọi, bằng một ngôn ngữ tiểu thuyết chân thực mà lắng đọng. Tác phẩm của ông không chỉ mở ra nhiều hướng tiếp cận trong nghiên cứu mà còn gợi mở, thúc đẩy những thế hệ sau ông niềm khát vọng sáng tạo mới. Khát vọng đủ lớn thì người viết mới đủ sức khám phá và tạo dựng cho mình một thế giới nghệ thuật mới.

Đó cũng là lý do mà nhà văn đặt ra những vấn đề lớn trong từng cuốn tiểu thuyết của mình: Hồ Quý Ly là sự tồn vong của dân tộc trong lịch sử trung đại khi bản đồ Đông Nam Á cũng là những hướng tấn công của những cuộc thôn tính; Mẫu thượng ngàn là sự xuất hiện của đạo Công giáo và sự tồn tại của đạo Mẫu trong bối cảnh nông thôn thuần Việt; hay Đội gạo lên chùa là sự gìn giữ tâm Thiện của những người con nhà Phật trong cơn biến loạn của chiến tranh.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dành những trường đoạn viết về quê hương của Hồ Quý Ly, về dịch bệnh và nạn đói của một làng quê, hay niềm say mê đắm mình vào với tâm linh của một người phụ nữ được gọi là “bà Ba Váy”... Đi qua những trường đoạn thấm đẫm tính văn chương ấy là “thông điệp”: tất cả cho con người, tất cả vì con người. Con người, từ tên mõ vô danh cho đến hiện thân của “Mẫu” (là người được gọi là Mẫu khi đã được thăng hoa) đều phải được sống đúng với bản chất, với quyền năng và tình yêu mà cuộc sống đặt để cho mình.

Dung chứa nhiều giá trị

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn giữ được sự chuẩn mực trong cả lối sống và sáng tác. Bên cạnh những tiểu thuyết đã kể trên, ông còn có Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, Trư cuồng... đều được đánh giá rất cao. Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh khá dày, nhưng không có chi tiết hoặc nhân vật nào thừa, và tuy viết về lịch sử nhưng tư duy tiểu thuyết của ông rất mới và hiện đại. Chỉ khi hóa thân vào với nhân vật tiểu thuyết của mình, ông mới bộc lộ sự say mê bất tận về chất thơ, cái đẹp, sự lãng mạn cũng như giá trị nhân văn của cuộc sống.

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Thật vậy, ông chọn cách viết chân thật, nhưng tiết chế về cảm xúc; sức nén của tác phẩm chính là tạo một không gian nghệ thuật lớn hơn diễn biến đời sống rất nhiều lần, cho phép người đọc liên tưởng, kết nối với những vấn đề thời đại. Mẫu thượng ngàn, tiểu thuyết hiếm hoi viết về đạo Mẫu ở Việt Nam không chỉ là một “khảo sát” rất toàn diện về tín ngưỡng lâu đời của người Việt, mà còn thể hiện khát vọng giải phóng con người, giải phóng người phụ nữ trên nền xã hội thực dân nửa phong kiến. Qua đó, ông đã tôn vinh những giá trị cốt lõi của dân tộc, lấy đó làm sức mạnh để người dân giữ lấy những gì thuộc về mình, khẳng định quyền sống và quyền sáng tạo của con người. Thái độ khách quan của ông đã giúp người đọc có cảm nhận đúng đắn về lịch sử đất nước, cũng như giữ cho những giá trị văn hóa Việt trở nên trong veo dù nhìn ở góc độ nào, hay ở khoảng cách nào... Vì vậy, người đọc nhiều thế hệ, cả trong và ngoài nước đều yêu mến ông và tác phẩm của ông.

Âm thầm, lặng lẽ trong sáng tác, để cho trang viết tỏa sáng bền lâu và tươi mới, đó là thành công đáng mơ ước của người viết. Ở Nguyễn Xuân Khánh, ông chắt lọc hiện thực để tiểu thuyết hóa, làm cho chúng trở thành những tác phẩm kỳ vĩ, đồ sộ. Khi đưa bản sắc văn hóa dân tộc vào tác phẩm và tôn vinh những giá trị trường tồn này, nhà văn đã nhìn văn hóa như một chỉnh thể sống động, luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, không có gì thay thế được. Nhà văn, thông qua nhân vật và hiện thực, không thể từ chối những trang sử đau thương, những cuộc cọ xát và tiếp biến văn hóa rất dữ dội và đa chiều, những góc nội tâm sâu thẳm khi con người đối diện với dục vọng của chính mình... Song bên cạnh tính khách quan, ông còn thể hiện được sự bao dung trong tinh thần văn hóa Việt. Vì vậy, vấn đề tôn giáo tuy rất nhạy cảm, song qua ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh, đó là câu chuyện của tình yêu, của nhân loại hòa với tâm thức ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã vượt qua được sự ước lệ vốn được nhiều nhà văn sử dụng khi viết tiểu thuyết, nhất là đối với tiểu thuyết lịch sử, để có được những tác phẩm hiện đại đúng nghĩa, dung chứa được rất nhiều giá trị của dân tộc và nhân loại.

Trần Thu Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202106/nha-van-nguyen-xuan-khanh-di-tim-khat-vong-sang-tao-moi-3062512/