Đi tìm hơi thở của làng nghề truyền thống

Trong nhịp đập của thời đại, các làng nghề truyền thống đang dần mất đi chỗ đứng và vị thế của mình. Tuy nhiên vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, gắn cả cuộc đời với cái nghề của ông cha, hun đúc, giữ hồn cho làng nghề truyền thống.

Có dịp ghé thăm nhiều làng nghề ở các tỉnh miền Tây. Hành trình trải dài qua 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang. Trong những ngày đó, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ với nhiều nghệ nhân ở gần 20 làng nghề khác nhau, được tham quan và tận mắt chứng kiến quy trình làm nên những sản phẩm thủ công truyền thống. Điểm chung dễ nhận thấy, đa số làng nghề chỉ còn lác đác vài người già, trong khi lớp trẻ đi làm ở các khu công nghiệp bởi theo cái nghề “nay còn mai mất” thì biết lấy gì mà sống.

Giữ nghề không phải giàu hay nghèo

Tùy vào đặc thù, mỗi vùng ở miền Tây phát triển những làng nghề riêng biệt. Trong số đó, Tiền Giang sở hữu khá nhiều làng nghề như: dệt chiếu Long Định, tủ thờ Gò Công, nón bàng buông… Các địa phương khác có làng chằm nón lá An Hòa (Long An), làng thớt Định An (Đồng Tháp), làng dưa cải muối chua (Vĩnh Long), làng bánh tráng Mỹ Khánh (An Giang)…

Dù mai một dần theo thời gian nhưng cũng nhờ cái nghề của ông cha mà biết bao thế hệ đã trưởng thành, nhiều mô hình kinh tế bền vững cũng xuất phát từ các làng quê nghèo. Có những gia đình 3 đến 4 thế hệ theo nghề, họ kế tục rồi phát triển, dù không giàu nhưng vẫn truyền để giữ cái nghiệp của tổ tiên. Các nghệ nhân còn lại ở làng nghề đa số là những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời, mắt kém, tay run, thậm chí có những người đã mất trí nhưng họ không nỡ bỏ đi những thứ đã tâm huyết gầy dựng một đời.

 Làng nghề dệt chiếu.

Làng nghề dệt chiếu.

Cụ Phạm Văn Ba, 87 tuổi có gần 70 năm gắn bó với chiếc nón bàng buông, nhờ cái nghề “dầm mưa dãi nắng” mà một tay cụ đã chèo chống, nuôi 7 người con trưởng thành. Ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thảnh, tỉnh Tiền Giang, không chỉ có cụ Ba mà nhiều gia đình khác vẫn bám trụ và sống chung với nghề truyền thống.

Đến với làng đan cần xé thuộc xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chúng tôi được nghe cụ Trần Thị Sạnh, 80 tuổi kể lại những câu chuyện làm nghề ở mảnh đất quanh năm nắng gió. Theo lời cụ, từ ngày có các khu công nghiệp, lớp trẻ đổ xô đi làm hết, trong vùng chỉ còn người già tranh thủ làm cho vui tay vui chân. “Nghề vất vả nhưng đã theo thì nghiện, không bỏ được”, cụ nói.

Đối với các nghệ nhân lâu năm, giàu hay nghèo không còn là vấn đề quan trọng bởi những giá trị, bài học kinh nghiệm mới là thứ quý giá nhất mà họ muốn truyền lại cho con cháu đời sau.

Tìm lối ra cho nghề truyền thống

Không chỉ ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình đã xây dựng thành công thương hiệu, góp phần đưa tên tuổi của làng nghề ra thế giới. Chiếu Long Cang không chỉ là vốn quý của người dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An mà thương hiệu này đã chiều lòng được nhiều đối tượng và có mặt ở các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Phạm Minh Đức, một nghệ nhân bản lĩnh phất lên nhờ nghề dệt chiếu và cũng khuynh gia bại sản vì nó. Cơ sở của ông hiện là đầu mối chính thu gom chiếu cho các hộ dân trong vùng. Bình quân một tháng, gia đình ông tiêu thụ khoảng 20.000 chiếc chiếu, trừ chi phí, mỗi tháng ông thu về hơn 10 triệu đồng tiền lời.

Những nghệ nhân có tuổi nghề xấp xỉ tuổi đời.

Trăn trở từ cái nghề của quê hương, cô Nguyễn Thị Bạch Lan đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển quy trình làm bánh thủ công thành dây chuyền máy móc hiện đại. Lò bánh tráng Mỹ Lồng của cô Lan là một trong những cơ sở lớn tại xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nơi đây đã trở thành địa chỉ uy tín, cung cấp bánh cho các tỉnh miền Tây.

Nếu nhắc đến xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thì không ai không biết đến cơ sở Ba Đức với 9 chi nhánh lớn và nhiều cơ sở nhỏ trong vùng. Bằng tình yêu nghề, bản lĩnh, các nghệ nhân đã góp phần mang hơi thở từ một làng quê nghèo đi xa.

Dù nhịp sống thời đại ngày một thay đổi nhưng làng nghề truyền thống vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với người miền Tây.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/di-tim-hoi-tho-cua-lang-nghe-truyen-thong-159052.html