Đi tìm điểm cân bằng mới giữa lãi suất và tỷ giá

Trong hai ngày (23 và 26-11-2018), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành chính sách bán ngoại tệ kỳ hạn nhưng được phép hủy ngang (cancelable forward) với giá 23.462 đồng/đô la Mỹ và sẽ đáo hạn vào ngày 31-1-2019. Đây là lần thứ hai NHNN triển khai nghiệp vụ này. Lần đầu tiên áp dụng là vào cuối năm 2015.

Dự trữ ngoại hối của NHNN có thể được bảo toàn ngay cả trong thời điểm mà cầu về ngoại tệ trong nền kinh tế đang ở mức cao. Ảnh: THÀNH HOA

Động thái này của NHNN được xem là một mũi tên nhưng trúng nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, nó tạo ra sự kỳ vọng hay định hướng cho thị trường rằng trong khoảng thời gian hơn hai tháng tới (từ ngày 23-11-2018 đến ngày 31-1-2019), tỷ giá sẽ không vượt mức 23.462 đồng/đô la Mỹ. Với mức giá bán ra giao ngay (spot) của NHNN trong ngày 23-11-2018 là 23.375 đồng/đô la Mỹ thì mức biến động của tỷ giá sẽ trong khoảng 0,37% tính từ ngày 23-11-2018 đến ngày 31-1-2019.

Thứ hai, cầu về tiền đồng trên thị trường tiền tệ đang ở mức cao trong thời gian gần đây, khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được giao dịch trên mức 4,75%/năm đối với các kỳ hạn dưới một tháng. Đây cũng là mức lãi suất mà NHNN đang bơm vốn ra thị trường thông qua thị trường mở (OMO). Do vậy, khi mua kỳ hạn thì các ngân hàng sẽ chỉ phải thanh toán tiền đồng cho NHNN sau hơn hai tháng tới thay vì hiện tại nếu bán theo hình thức giao ngay. Qua đó, sẽ tránh gây áp lực quá mức lên mặt bằng lãi suất hiện nay.

Thứ ba, thời điểm ngày 31-1-2019 cũng thường là lúc cung ngoại tệ tăng cao do kiều hối chuyển về nước dịp Tết Âm lịch. Do vậy, NHNN thường sẽ mua được ngoại tệ vào thời điểm này. Cung về ngoại tệ tăng lên sẽ khiến cho tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt và khi đó các ngân hàng có thể sẽ hủy việc mua kỳ hạn này. Chính sách này được xem là có thể dịch chuyển nguồn cung ngoại tệ trong tương lai về hiện tại. Nhờ vậy, dự trữ ngoại hối của NHNN có thể được bảo toàn ngay cả trong thời điểm mà cầu về ngoại tệ trong nền kinh tế đang ở mức cao.

Trong thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp (thị trường 1). Bên cạnh nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ tăng lãi suất thì nhóm các ngân hàng thương mại gốc nhà nước cũng “thoải mái” tăng theo.

Động thái này là khá lạ so với diễn biến thực tế của nhiều năm gần đây. Theo đó, khi lãi suất có nguy cơ tăng cao đồng loạt và diễn ra trên phạm vi rộng thì thông thường NHNN sẽ có “chỉ đạo mềm” cho nhóm các ngân hàng thương mại gốc nhà nước phải giảm lãi suất huy động để tránh nguy cơ leo thang trên toàn hệ thống và thiết lập một mặt bằng lãi suất huy động mới trên thị trường. Điều này được thấy rõ nhất là vào ngày 26-9-2016, sau khi nhiều ngân hàng (bao gồm cả các ngân hàng thương mại gốc nhà nước) tăng lãi suất huy động thì bỗng dưng bốn ngân hàng thương mại gốc nhà nước đồng loạt giảm lãi suất về cùng một mức giống nhau ở tất cả các kỳ hạn từ 1-6 tháng.

Diễn biến ở trên cho thấy NHNN đang chủ động để cho cả tỷ giá và lãi suất tăng. Động thái này rất khó có thể giải thích vào thời điểm hiện tại khi mà diễn biến của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hay chỉ số đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ (DXY) khá ổn định trong thời gần đây; trong khi đó lạm phát trong nước được kiểm soát ở mức thấp, bình quân chỉ tăng 3,59% trong 11 tháng của năm 2018.

Do vậy, động thái này của NHNN được xem là nhằm tạo ra một vùng đệm hay dự phòng cho những biến động mạnh của thị trường quốc tế có thể xảy ra trong năm 2019.

Ngọc Khanh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282511/di-tim-diem-can-bang-moi-giua-lai-suat-va-ty-gia-.html