Đi tìm dấu tích phủ Mường Khoòng

Ít ai biết rằng, từ thời Lê trung hưng, trước khi có phủ Chúa Trịnh, phủ Chúa Nguyễn, đã từng có một phủ Mường Khoòng uy nghi của giới quý tộc người Thái tồn tại suốt mấy trăm năm. Hiện tại, nhiều di vật và nền móng của phủ Mường Khoòng vẫn đang được tìm thấy tại rừng Pù Luông (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Cuốn sách chữ Thái cổ

Trên căn nhà sàn bên bờ sông Mã, ông Hà Nam Ninh với tay lục tìm trên giá sách, đưa cho tôi một cuốn sách cũ kỹ, giấy mỏng tang đã ngả màu. Bìa đã sờn rách, bên trong chi chít những dòng chữ Thái ngoằn ngoèo kèm theo các hình vẽ, thi thoảng có vài trang viết chữ Nho vuông vắn, cứng cáp.

Nhẹ tay lật giở từng trang, tôi ấn tượng với hai trang giấy mở rộng có in ba hình bàn tay xòe rõ ngón. Một bàn in mực đỏ, hai bàn màu đen, to như bàn tay thật, xung quanh có chú thích bằng các chữ Thái.

Ông Ninh bảo: "Văn tự giao đất của các tạo mường, tạo bản ngày xưa đấy. Cũng đã gần 500 năm".

Do từng giảng dạy chữ Thái cổ cho hàng ngàn người Việt, có cả người Thái Lan, ông Hà Nam Ninh không khó khăn gì để giải mã những hình vẽ lạ lùng đó. Căn cứ thêm lời văn khấn do dòng họ Kha Đắm đang độc quyền lưu giữ, ông Hà Nam Ninh có thể tái hiện rõ ràng bối cảnh vùng đất mình đang sống từ 500 năm trước.

Cánh đồng Nong Bang, nơi có tòa Phủ Mường Khoòng (ảnh: Mạnh Hùng).

Năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê. Các quan lại trung thành với nhà Lê do An Thành hầu Nguyễn Kim chủ xướng đã tìm được hậu duệ nhà Lê ở vùng Bá Thước ngày nay, tiến hành sự nghiệp trung hưng.

Lúc này, quan tạo Mường Ánh (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) là Phạm Bá Tiến bị vu oan tội làm chết con voi chiến của nhà vua. Không đủ tiền nộp phạt, ông này bèn tìm đến quan tạo Mường Khoòng (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) là Hà Nhân Chính để cầu cứu. Tuy là quan Tư đồ nội dinh, tước Quận công, rất được trọng vọng, nhưng ông Hà Nhân Chính cũng không thể cáng đáng nổi khoản phạt vạ rất lớn.

Ông Hà Nhân Chính đành dẫn quan tạo Mường Ánh tìm đến bản Dộc nằm heo hút trong rừng sâu Mường Khoòng, tìm gặp một ông già áo vải tên là Hà Văn Yên. Ông Hà Văn Yên bằng lòng, đưa ông Phạm Bá Tiến đến hành dinh Yên Trường (huyện Thọ Xuân) gặp nhà vua, kể rõ chuyện người quản tượng khiến voi ngã chết ở khe dốc Kéo Đó, giải mối hàm oan.

Được giải oan, tạo Mường Ánh ngỏ ý đền ơn. Nhưng vàng bạc châu báu thì quan Dộc không ham, chỉ nhận một dẻo đất gần bờ sông Mã của Mường Ánh để tiện lối thuyền bè.

Do quan Dộc tự mình kén đất nên gọi là bản Kén. Văn bản giao đất được viết ngay tại tảng đá Mính trên dòng suối Pưng, đề ngày mồng 4 tháng 5, năm Lê triều thứ tám (tương đương năm 1541), có in hình bàn tay trái của tạo Mường Xại, bàn tay phải của tạo Mường Khoa và tạo Mường Ca Da làm chứng.

Con cháu quan Dộc (sau đổi thành quan Kén) hiện còn lưu giữ các văn bản chữ Nho chữ Thái này, là cuốn sách cổ mà ông Hà Nam Ninh vừa đưa cho tôi xem.

Vì sao một ông già áo vải nơi heo hút lại có ảnh hưởng lớn tới luật lệ của triều đình như vậy? Thì ra, vẫn theo sách cổ của người Thái, ông quan bản Dộc Hà Văn Yên vốn là bố nuôi của nhà vua. Trong một lần tình cờ, ông cứu giúp một người phụ nữ mang thai chạy loạn qua bản. Đưa người phụ nữ đến sống trong hang núi, đến ngày sinh hạ một bé trai, ông lại cất công đi khắp vùng tìm hiểu thân thế cho đứa trẻ.

Sau này, người con lớn lên được An Thành hầu Nguyễn Kim và các trung thần nhà Lê tôn lập làm vua, là vua Lê Trang Tông. Do được quan bản Dộc Hà Văn Yên nuôi giấu trong hang núi, nhà vua còn có tên là Chù Chốm (giấu giếm, trộm nuôi), đọc chệch thành Chúa Chổm. Nhà vua cũng tôn kính gọi quan Dộc là bố nuôi.

Nguồn gốc về cái tên Chúa Chổm này có lẽ là phù hợp hơn cả, so với một số giai thoại về việc đòi nợ vua và cái tên ngõ Cấm Chỉ - một ngõ phố nhỏ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bấy lâu nay.

Không chỉ cứu giúp ông tạo Mường Ánh, về sau, ông quan Kén còn cứu cả quan Thiếu úy, Quận công, Tư mã Hà Thọ Lộc (con trai Hà Nhân Chính, cũng gọi là tạo Mường Khoòng). Sách cổ của người Thái kể, ông tạo Mường Khoòng Hà Thọ Lộc là võ tướng có công lao lừng lẫy, nhưng trót phạm tội khi quân, bị bắt nhốt trong ngục chờ xử chém.

Lúc đó, quan Dộc đã già và Chúa Chổm Lê Trang Tông, Thái sư Nguyễn Kim đều đã mất. Vị vua nối ngôi không biết chuyện cũ của cha con ông Mường Khoòng, nên cứ chiểu theo luật mà xử. Người nhà ông mường Khoòng bèn tìm đến ông quan Kén.

Ông quan Kén dẫn người con trai thứ ba của tạo đến gặp nhà vua, đem hết những kỷ vật, giấy tờ ghi công trạng hạng nhất mà triều đình ban cho Mường Khoòng dâng lên.

Nhà vua thấy ơn của Mường Khoòng rất to lớn với triều đình, liền tha tội cho Hà Thọ Lộc, đồng thời ban thưởng thêm "52 khiêng (gánh) của cải" để mang về mường Khoòng.

Thiếu úy Hà Thọ Lộc thoát đại nạn liền sai con cháu lập lời thề ghi nhớ công ơn quan Kén, đời đời miễn thuế má lao dịch cho toàn dân bản Dộc, bản Kén. Ông lập văn tự, sai tất cả 9 người con đặt bàn tay hoặc điểm chỉ vào làm bằng chứng. Còn 52 gánh của cải vua ban, Hà Thọ Lộc sai người sửa sang lại Mường Khoòng nội phủ (tức là Phủ Mường Khoòng), vốn là nơi Chúa Chổm Lê Trang Tông từng ngự bàn việc nước.

Phủ Mường Khoòng

Chúng tôi cùng ngược trở lại làng Lọng (xã Cổ Lũng, Bá Thước), thăm lại nền móng ngôi nhà Phủ từng là nơi luận bàn việc quốc gia đại sự, khôi phục và hưng thịnh cả một triều đại lừng lẫy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nhà cũ không còn, khu đất rộng hơn 2 sào đã chia cho ba hộ dân sinh sống ổn định. Hỏi đến Phủ Mường Khoòng thì dân bản xứ đều nhớ. Nó nằm trên khoảng đồi cao ráo tương đối bằng phẳng nhìn ra cánh đồng rộng lớn Nong Bang màu mỡ nhất vùng. Họ cũng nhớ rõ nó đã bị phá dỡ vào năm 1953, sau chiến thắng ở đồn Cổ Lũng. Cột, mái, đồ đạc đã mất hết, còn sót lại ít chân cột lớn cháy hết phần trên mặt đất. Còn một voi đá, một ngựa đá, mảnh bia đá, hiện đang để tạm trong khuôn viên trường THCS Cổ Lũng hoặc rải rác trong nhà dân.

Những hình ảnh từ trang sách cổ của người Thái. (ảnh: Hà Nam Ninh).

Một số người dân bản Lọng, như anh Lục Văn Quản, ông Hà Sơn Tinh… lại cho rằng, phủ này vốn là ngôi nhà sàn rộng 5 gian 2 chái, cột kê, làm bằng gỗ trai nghiến, dùng cho dân phu ở khi có việc lớn trong vùng, nên còn gọi là nhà Phu.

Tuy nhiên, lần theo những trang sách cổ và những hồi ức của người cao niên trong vùng từng tham gia lễ hội Mường Khoòng, ông Hà Nam Ninh lại có nhận định khác. Ở Mường Khoòng mỗi năm có hai lần tổ chức lễ hội toàn mường. Lần thứ nhất vào tháng ba, lần thứ hai vào tháng tám. Địa điểm thờ có 3 nơi, đó là Xộp Ngài thờ thần Pu Mới, gọi linh hồn của Mường; nhà Phủ thờ thần vua quan, tạo mường; Mó Nủa thờ Long vương (thuồng luồng).

Tháng ba, cả ba nơi đều cúng thịt lợn. Tháng tám, Xộp Ngài cúng thịt bò đen, Mó Nủa cúng thịt trâu trắng, Nhà Phủ cúng thịt trâu đực. Chủ lễ là nhà ông tạo mường, thầy cúng phải là người thuộc dòng họ Kha Đắm. Dân trong mường gồm 54 bản, có đủ thành phần già, trẻ, gái trai, quan bản, tạo bản, mang theo quần áo, gạo tiền tập trung về vùng xã Chiềng (Cổ Lũng), trọ lại ba bốn ngày để tham gia thờ thần, giao lưu văn nghệ thể thao. Mỗi ngày thờ ở một địa điểm vào buổi sáng, sau đó thì xuống đồng vui chơi, thi thố tài năng và uống rượu cần, bàn bạc công việc của mường.

Ông Hà Nam Ninh cho biết thêm: "Nhà Phủ kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân mường Khoòng, gồm 3 gian, lợp lá cọ, cột chôn bằng gỗ kiêng vững chắc. Sàn lát bằng tre là ngà. Xung quanh thưng ván nửa dưới, còn nửa trên đan thưa như vách thưng các nhà thờ thần khác. So với nhà 3 gian thông thường thì nhà Phủ có phần rộng hơn.

Trong lòng nhà để sàn trống, không ngăn vách, nhưng vẫn bài trí theo từng gian. Phía trên cùng của mỗi gian đặt một cái bàn thờ. Trên mỗi bàn thờ đặt 1 cái ngai, sơn son thếp vàng. Tay ngai có hình rồng. Bàn thờ ở gian giữa là để thờ vua, bên phải thờ ông Quốc công, bên trái thờ ông Hà Thọ Lộc. Bốn cái lọng cắm xen kẽ giữa hai bàn thờ. Mỗi bàn thờ có hai câu đối. Dựa vào vách có gươm, giáo, bát xà mâu. Phía cuối nhà treo một trống đồng, một trống đại sơn son thếp vàng, một trống con. Dưới gầm sàn đặt hai cái sanh lớn.

Trước nhà đặt hai con voi, hai con ngựa đá. Con voi đá nặng khoảng năm, sáu tạ; ngựa đá nặng khoảng ba, bốn tạ. Hai con voi đá và hai con ngựa đá đặt vào từ thời Đô đốc Hà Mỹ Hào (con ông Hà Thọ Lộc), lấy từ núi Nhồi (huyện Đông Sơn), chở bằng thuyền theo sông Mã, đến cửa suối Nủa thì đặt lên bè cho trâu kéo, đoạn nào đường khó thì tời và khiêng bộ. Ngoài cổng đi vào dựng một bia đá ghi lại sự tích nhà Phủ bằng chữ Nho. Nhà Phủ được tu sửa, bổ sung nhiều lần. Đến thời Nguyễn, các ông lĩnh binh Hà Công Tú và tri châu Tân Hóa Hà Văn Cao đã trang bị nội thất cơ bản ổn định".

Nghĩa là, ông Hà Thọ Lộc có công trùng tu tòa nhà Phủ bằng 52 gánh của cải vua ban. Trước đó, tòa Phủ này do cha ông là Hà Nhân Chính dựng lên, để vua Lê và các trọng thần như Nguyễn Kim, Trịnh Duy Thuân, Trịnh Kiểm… luận bàn việc nước. Đây là vị trí hết sức thuận lợi, an toàn cho các hoạt động bí mật, quan trọng trong thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành sứ mệnh trung hưng nhà Lê, nhà Phủ Mường Khoòng trở thành một cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội văn hóa của cộng đồng của cả vùng này.

Một thời, nhà Phủ bị coi là tàn tích phong kiến, đã bị lãng quên, hủy hoại. Tuy nhiên, còn có nhiều nhân chứng sống đã từng tham gia lễ hội và một số sách vở chữ Thái, văn bản Hán Nôm giúp chúng ta có thể khôi phục lại được sự tích, thiết kế, trưng bày nhà Phủ, cách thức tổ chức lễ hội Mường Khoòng, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thêm một điểm đến tham quan du lịch di tích lịch sử, văn hóa tâm linh trong khu du lịch sinh thái Pù Luông.

Lê Quân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/antg-72-di-tim-dau-tich-phu-muong-khoong-516903/