Đi tìm 'đại lão mộc trà' chốn sương ngàn

Đã từng được nghe kể nhiều về những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở vùng đất Huồi Tụ mờ sương nơi núi rừng Kỳ Sơn, nhưng tôi vẫn thật ngỡ ngàng. Vẻ đẹp cổ kính của những vùng chè cổ thụ có sức hút kỳ lạ, mê hoặc người xem. Những thân cây to lớn hơn thân người, sừng sững cùng mưa rừng gió núi đã hàng trăm năm, tiềm ẩn giá trị to lớn. Cùng với cây chè tuyết shan, cây chè cổ thụ được hy vọng sẽ góp thêm sinh khí mới cho Huồi Tụ trên con đường thoát nghèo...

Từng nhiều lần đến xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), nhiều lần nghe kể nơi đây có những vùng đồi, vùng rừng tồn tại những cây chè đã hơn trăm năm tuổi. Những lời kể lâu dần trở thành thôi thúc người nghe muốn được một lần khám phá. Từ thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, muốn đến được Huồi Tụ phải đi qua Phà Đánh với cung đường khá ngoằn ngoèo, dốc và nhiều khúc cua. May thay, đường đều đã được rải nhựa.

Từ xa, Huồi Tụ hiện lên dưới ánh nắng ban mai với những nóc nhà nằm trên đỉnh núi, lúp xúp ẩn hiện trong mây trời trắng xóa. Trước sự bủa vây của sương sớm, của biển mây, những ngọn núi chở trên mình các bản làng tựa những con thuyền nhỏ giữa đại dương mây bao la, tạo cảnh đẹp kỳ vỹ hút mắt. Làn gió sớm lành lạnh phả vào mặt, ánh nắng xuyên những rặng cây, những mảnh rẫy trơ gốc rạ trên các triền núi và lao vun vút theo tốc độ của xe di chuyển.

Từ trung tâm của xã Huồi Tụ rẽ vào bản Huồi Lê là đến Phà Bún. Số lượng những cây chè cổ thụ của Huồi Tụ hầu hết “tập trung“ tại bản Phà Bún, bản gần như 100% đồng bào Mông sinh sống. Từ trục đường chính, những con đường nội bản men theo triền núi, bao quanh những ngôi nhà của người Mông ẩn hiện dưới tán cây cối xanh mát, nổi bật là những cây cao vọt tầm, thân to lớn tỏa bóng sum suê.

Những vùng rừng có nhiều cây chè cổ thụ ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn).

Những vùng rừng có nhiều cây chè cổ thụ ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn).

Nhà của già Lỳ Súa Dài nằm ở ngay con dốc đầu tiên của đường dẫn vào bản. Già Lỳ Súa Dài năm nay 62 tuổi, dáng người tầm thước, rắn rỏi, khỏe mạnh. Mái tóc cắt gọn đã điểm nhiều sợi bạc, già Lỳ Súa Dài tiếp chúng tôi thật niềm nở. Ngồi ở mé thềm cạnh bậc cửa ra vào của căn nhà thưng những tấm ván gỗ đã ngả màu thời gian, cách một lối đi là một hàng chè cổ thụ thân rêu mốc, cây leo bám chằng chịt. Nhiều cành sà xuống ngang tầm mắt, đưa tay với có thể hái được lá. Hỏi về những cây chè cổ thụ, già Lỳ Súa Dài dẫn chúng tôi dạo quanh nhà, không quên mang theo chiếc gùi quen thuộc để hái ít lá chè om nước đãi khách.

Già Lỳ Súa Dài cho hay, từ lúc già sinh ra, lẫm chẫm biết đi thì những cây chè này đã cao lớn sừng sững. Theo lời cha ông truyền lại thì gần hai chục cây chè bao quanh nhà của già Súa Dài đã có từ ba, bốn đời người. Những người đi trước cũng không nhớ những cây chè do ai trồng hay là mọc tự nhiên giữa núi rừng. “Những cây này đều đã trên 100 năm tuổi, xanh tốt bốn mùa”, già Súa Dài cho biết. Thân cây tua tủa những chùm rêu bám, càng ngước nhìn lên, cành lá của cây tỏa bóng một khoảng rộng và mang trên đó cơ man các loại cây tầm gửi. Nhiều cây qua hàng trăm năm, quả rụng xuống cạnh gốc lại mọc lên nhiều cây khác tạo thành cụm hai cây, ba cây chen chúc nhau khiến một vòng tay người ôm không xuể.

Già Lỳ Súa Dài với tay hái từng nắm lá chè bỏ vào gùi, tôi xòe bàn tay để “so” độ lớn với những chiếc lá. Có những lá dài, rộng hơn bàn tay người, dày cứng, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của cây chè. Hoa và quả của những cây “đại mộc trà” này cũng to lớn khác thường.

Già Lỳ Súa Dài cho biết thêm, những cây này đã gắn bó với gia đình tôi mấy chục năm qua, ngoài để nấu nước uống thì lá chè còn là vị thuốc chữa bệnh đau bụng, bệnh cảm cúm và rửa vết thương, vết côn trùng cắn.

Tôi hỏi cụ thể cách chữa trị, già nói khi đi nương rẫy về mà bị cảm cúm, hoặc đau đầu, đau bụng thì chỉ cần hái lá chè nấu nước uống, rồi xông hơi nước bốc lên, lấy nước chè tắm là khỏi. Nói rồi, già bước vào gian bên, nhóm củi đun nước nấu lá chè. Cách thưởng thức “đại mộc trà“ của người dân nơi đây cũng thật đơn giản, chỉ cần đun sôi nước, bỏ lá chè vào nồi, rồi để cạnh bếp dùng cho cả ngày.

Nâng bát nước còn bốc khói, mùi thơm không đậm như chè tuyết shan nhưng vị chát pha chút đăng đắng lại đậm đà hơn, khi vị chát đắng nhạt dần thì lại xuất hiện vị ngọt thanh dễ chịu.

Tôi hỏi già Súa Lỳ, bản Phà Bún có nhiều nhà còn cây chè cổ thụ không. Già nói, hầu như nhà nào cũng có. Có lẽ hơn một trăm năm trước, nơi đây là rừng chè, sau này con người đến khai hoang lập bản, dựng nhà cửa nên số lượng cây bị giảm nhiều. Rồi đứng ở cửa ra vào, già Súa Lỳ chỉ tay sang ngọn đồi đối diện cho biết, vùng đồi bên đó có nhiều chè cổ thụ hơn, nhiều cây gốc to gần bằng vòng tay người ôm. Nghe vậy, Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ Vừ Bá Lỳ nói thêm, Phà Bún là bản có nhiều cây chè cổ thụ nhất của xã. Có những vùng đồi chè cổ thụ mọc dày đặc, tạo thành cụm, thành quần thể rậm rạp. Để đến được đó cần phải cuốc bộ, leo dốc tầm nửa tiếng đồng hồ. Ngoài Phà Bún, cây chè cổ thụ còn có ở bản Na Ni, bản Huồi Ức 1 và Huồi Ức 2.

Già Lỳ Súa Dài hái chè cổ thụ trong vườn nhà rồi đi nấu nước đãi khách.

Tạm biệt già Lỳ Súa Dài, chúng tôi men theo con đường vừa được bê tông hóa tiến đến quần thể chè trăm tuổi của bản Phà Bún, khu vực giáp ranh với bản Huồi Ức 1. Dọc đường đi, gặp bà Hờ Vá Lỳ đang ngồi khâu vá bên thềm nhà, hỏi về những cây chè đại thụ, bà chỉ tay xuống con dốc đối diện trước nhà cho biết “dưới đó nhiều không đếm xuể“. Nói rồi bà cử con trai là Hờ Bá Hải làm “hướng dẫn viên“ chỉ đường. Qua một quãng đường đất dốc đứng, xuống lưng chừng vách núi là cả một vùng rậm rạp, thâm u, có những đoạn dù giữa trưa nắng nhưng ánh mặt trời chỉ le lói qua kẽ lá.

Mải mê nhìn theo hướng tay chỉ lên cao của người dân dẫn đường, say sưa ngắm những tán lá chè nằm trên cao vút, chi chít những bông hoa chè cổ thụ cánh trắng nhị vàng xen lẫn cơ man những quả xanh lúc lỉu, tôi khựng người khi bắt gặp thảm hoa dày đặc dưới chân mình. Trên mặt đất, xem lẫn cỏ cây và lớp lá mục là cơ man những bông hoa chè rơi rụng ken dày quanh gốc cây mẹ với bán kính vài chục mét. Thật không nỡ dẫm lên những bông hoa xinh đẹp, nhiều bông mới rụng cánh còn trắng muốt, nhụy hoa vàng ươm. Đi vào sâu hơn, bên cạnh những cây chè trăm năm thân bạc phếch, xù xì còn có những cây cổ thụ cũng to lớn không kém. Vị cán bộ xã chỉ một thân cây hai người ôm không xuể cho biết, đó là cây chôm chôm rừng.

Lưu luyến tạm biệt những “cụ“ chè trường thọ đã hàng trăm năm, chúng tôi quay lại lối đi cũ để trở về. Càng trở ra gần lối mòn càng có nhiều gốc chè cổ thụ đã bị chặt. Có nhiều gốc trở nên mục ruỗng, trở thành nơi sinh sống của rêu mốc, cây tầm gửi. Nhiều thân lại mọc ra tua tủa những nhành chè mới, non mơn mởn. Tôi hỏi vị cán bộ xã, vì sao người dân lại chặt bỏ nhiều cây chè cổ thụ như vậy, thì nhận được câu trả lời rằng nhiều người xem cây chè cổ thụ như những loại cây hoang dại khác. Ngoài việc sử dụng lá chè để làm nước uống thì những cây chè cổ thụ này chưa đem lại lợi ích nào về kinh tế cho người dân. Hơn nữa, hiện cùng ít người ưa dùng thứ nước từ cây chè trăm tuổi, chủ yếu là những người cao tuổi còn giữ thói quen xưa cũ. Bởi thế hàng loạt những cây chè dù đã trường tồn cùng mưa gió cả trăm năm nhưng càng ngày càng bị chặt bỏ nhiều. Ngay như những cây trong vườn của già Lỳ Súa Dài cũng vậy. Già cho biết trước đây có hơn hai chục cây, nhưng nay chỉ còn tầm mười lăm cây. Thi thoảng vì muốn có không gian xây dựng chuồng trại, hoặc mặt bằng thì lại chặt bỏ cây chè đại thụ. “Cũng tiếc lắm, nhưng cũng đành”, già Lỳ Súa Dài bộc bạch.

Cây chè bị chặt, còn trơ lại gốc và cành nhỏ.

Trên địa bàn xã Huồi Tụ, bên cạnh sự tồn tại của những vùng chè trăm năm tuổi còn có cây chè tuyết shan. Loài chè trẻ tuổi này đang được người dân 9/13 bản của Huồi Tụ trồng, đến hiện nay đã có khoảng 300ha.

Chè tuyết shan được xem như loài “hậu duệ” của chè đại thụ, nhưng nó đang chiếm ưu thế khi mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Vừ Bá Lồng dẫn chúng tôi đi thăm quan mặt bằng đã được san ủi sẵn sàng, chuẩn bị cho việc xây dựng, lắp đặt một xưởng chế biến chè trên địa bàn xã. Nơi miền núi cao cheo leo như Huồi Tụ, để tìm được một quỹ đất có mặt bằng phẳng không phải là chuyện dễ dàng. Hầu hết đều phải bạt núi, san gạt mới có thể xây dựng nhà cửa. Với nguồn cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm chè tuyết shan tươi của Tổng đội TNXP 8, nguồn thu từ cây chè tuyết shan đang dần giúp cho nhiều hộ gia đình của Huồi Tụ phấn chấn làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Bởi vậy, Chủ tịch xã Vừ Bá Lồng cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế của xã Huồi Tụ, cây chè tuyết shan đang được định hướng sẽ là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian tới sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích, ước đạt tầm 400ha.

Không chỉ ở Huồi Tụ, định hướng phát triển các vùng chè nguyên liệu cũng là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Kỳ Sơn. Trong đó, không chỉ có Huồi Tụ mà cả nhiều vùng khác như Na Ngoi, Nậm Càn, Mỹ Lý cũng sẽ phát triển cây chè tuyết shan.

Cùng với trồng chè, huyện sẽ thực hiện giao đất gắn với giao rừng đến từng hộ gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, hình thành và phát triển các vùng kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp tập trung quy mô chuỗi giá trị, kết hợp phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Thân cây chè cổ thụ in dấu thời gian hàng trăm năm.

Đây cũng là mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng bộ huyện Kỳ Sơn đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó trọng tâm sẽ là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm của huyện Kỳ Sơn. Trên cơ sở quy hoạch quỹ đất sản xuất nông lâm nghiệp phát triển các vùng sản xuất quy mô về các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của huyện như: Gừng, chè Tuyết Shan, dược liệu, mận tam hoa, đào lấy quả và cành hoa tết, khoai sọ, miến dong; các sản phẩm chăn nuôi: bò vàng, dê địa phương, gà đen, lợn đen… gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó là phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, tăng cường hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy tiềm năng lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Kỳ Sơn.

Trong những mục tiêu đó, những giá trị của các vùng chè cổ thụ trăm năm tuổi hoàn toàn có thể tham gia vào “guồng” phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ mà huyện đang hướng tới, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bởi thế, cần có sự bảo vệ những vùng chè cổ thụ, giữ lại vốn quý của thời gian, của thiên nhiên ban tặng, để cây chè cổ thụ có thể phát huy giá trị để những mai sau cây chè cổ thụ vẫn có thể hiển hiện, gắn bó cùng con người, tránh tình trạng chỉ còn là ký ức mỗi khi nhắc đến.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/di-tim-dai-lao-moc-tra-chon-suong-ngan-72294.html