Đi tìm cội nguồn của từ 'cán bộ'

Lâu nay về mặt ngôn ngữ, 'cán bộ' được xem là từ mượn từ ngôn ngữ Trung Quốc nhằm để chỉ những người làm trong tổ chức nhà nước. Nhưng giờ nghĩ lại, khi đọc trong các truyện xưa như Tam quốc, Thủy hử cũng đâu thấy các cụ nhà ta dịch 2 chữ cán bộ. Vậy chữ cán bộ có nguồn gốc thế nào?

Từ 'cán bộ' có cội nguồn từ ngôn ngữ Anh - Ảnh: Internet

Hôm qua 26.2, trang Facebook của Đại sứ quán Đức phần tiếng Việt có bài viết về phòng chống tham nhũng nơi cơ quan công quyền. Trong đó có đoạn xin được trích nguyên văn:

"Chống tham nhũng trong cơ quan công quyền là rất quan trọng. Lòng tin vào cơ quan công quyền bị suy giảm đáng kể vì tham nhũng và qua đó bộ máy hành chính mất đi tính hợp pháp của mình. Ở đây cách ứng xử của mỗi nhân viên là yếu tố quyết định. Nhân viên trong cơ quan hành chính công chịu sự điều chỉnh của luật pháp và pháp luật Đức. Hành động của họ phải công bằng, minh bạch và không tư lợi. Vì thế ở Đức những hành động tham nhũng bị phòng chống bằng các công tác kiểm tra, phát hiện và xử phạt. Thông qua quá trình nhận thức được tham nhũng, các hội thảo, các khóa bồi dưỡng và các khóa học tương tác, nhân viên hành chính công được thông báo về các nguy cơ và tình huống có thể xảy ra tham nhũng. Ngoài ra họ còn nhận được một bộ quy tắc ứng xử giải thích các nguyên tắc của ứng xử minh bạch. Cán bộ lãnh đạo nhận được một bản chỉ dẫn phải thực hiện những biện pháp nào để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng".

Về nội dung và ý nghĩa của đoạn trên thì đã rõ ràng rồi, không dám thêm bớt điều gì. Chỉ có lạ ở chỗ là họ dùng từ "cán bộ" vì trước giờ thì chỉ có các văn bản của người Việt hay Trung Quốc mới dùng từ có 2 chữ "cán bộ" mà thôi. Không ít người cứ đinh ninh rằng "cán bộ" là từ Hán Việt nên người Âu biết đâu mà dùng.

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2000, tr 207, tr 109 định nghĩa: “Cán bộ là người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức".

Lâu nay về mặt ngôn ngữ, "cán bộ" được xem là từ mượn từ ngôn ngữ Trung Quốc nhằm để chỉ những người có chức vụ trong một tổ chức. Nhưng giờ nghĩ lại, khi đọc trong các truyện xưa như Tam quốc, Thủy hử... thì cũng đâu thấy các cụ nhà ta dịch 2 chữ cán bộ. Vậy từ "cán bộ" có nguồn gốc thế nào?

Thực ra, người Trung Quốc cũng không phải người phát minh ra từ cán bộ. Thành ra hiểu "cán" là tài cán hay hiểu "cán" là gốc gác đều không đúng. Theo từ điển wikipedia tiếng Trung, cán bộ (干部) là từ được người Trung Quốc đọc dựa theo từ "cadre" của người Anh và cadre có nghĩa là khung cột, được hiểu theo nghĩa bóng là lực lượng nòng cốt. Như vậy từ cadre từ tiếng Anh, qua tiếng Hán rồi sang Việt Nam chuyển thành từ cán bộ và cái nghĩa là lực lượng nòng cốt ban đầu được hiểu thành "người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/tieng-viet-toi-yeu-c-164/di-tim-coi-nguon-cua-tu-can-bo-82716.html