Đi tìm 'chiếc đũa' còn lại cho nông dân

Trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là một đòi hỏi tất yếu, nói cách khác, hai đối tượng này như 'đũa có đôi' cùng song hành chia sẻ lợi nhuận, giảm bớt rủi ro trong sản xuất để cùng phát triển.

Liên kết để cùng thắng

Khi Nhà máy Tanifood (ở ấp Bến Mương, xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) thuộc Công ty TNHH Tanifood, thành viên của Công ty cổ phần Lavifood) đi vào hoạt động hồi tháng 11.2018, nhiều nông dân ở xã Thạnh Đức và các địa phương lân cận có thêm hy vọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với nhà máy để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Ðể tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy Tanifood, cần khoảng 10.000ha đất, và trong tương lai cần hơn 30.000ha đất trồng cây nguyên liệu. Tanifood sẽ đầu tư về giống, kỹ thuật canh tác, phân bón, thuốc trừ sâu… để bảo đảm sản phẩm đầu vào có chất lượng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình liên kết sản xuất của Công ty Doveco (Ninh Bình). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình liên kết sản xuất của Công ty Doveco (Ninh Bình). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây chính là cơ hội để 8 hợp tác xã nông nghiệp và 9 tổ hợp tác trong sản xuất và dịch vụ nông nghiệp trên địa

Nếu không có những doanh nghiệp mạnh dạn tìm về nông nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ không thể đạt được những kết quả ngoạn mục như trong thời gian qua. Vì vậy, ngành chức năng, các địa phương phải có các chính sách, cơ chế khuyến khích những doanh nghiệp mạnh dạn tìm đường về nông nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

bàn huyện Gò Dầu liên kết sản xuất để tiêu thụ ổn định; mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trước mắt, những hộ có diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ tập trung trồng 2 loại cây ngắn ngày là khóm và thanh long ruột đỏ, nhà máy sẽ ký hợp đồng thu mua 2 loại nông sản này với giá sàn lâu dài.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã hình thành hơn 7.000ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó có 864ha lúa và 113ha cây màu sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; hơn 500ha sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất giúp nâng cao nhận thức của người dân về canh tác theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều đáng ghi nhận là, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng với nông dân tạo thành những “đôi đũa” hoàn hảo, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời mỗi năm sản xuất được 45.000 tấn lúa giống, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL với sự tham gia của hơn 40.000 hộ nông dân; Công ty TNHH Hưng Cúc (tỉnh Thái Bình) liên kết với 28 hợp tác xã sản xuất 2.500ha lúa chất lượng cao.

Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) tham gia vào chuỗi giá trị khép kín từ lĩnh vực thức ăn, nuôi trồng, chế biến thủy sản và xuất khẩu; ký kết hợp tác liên kết lâu dài, chặt chẽ với các trang trại và các hộ chăn nuôi cá, tăng diện tích liên kết nuôi trồng thủy sản nên trên 150ha.

Hài hòa lợi ích

Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2018, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên khá phổ biến. Thống kê cho thấy, cả nước có 6.800 mô hình liên kết với diện tích lên đến 1 triệu ha.

Điều đáng ghi nhận là, nhờ thúc đẩy liên kết nên đến nay, cả nước đã có gần 600.000ha cánh đồng lớn được xây dựng, trong đó diện tích lúa đạt 516.900ha, với khoảng 619.000 hộ tham gia. Ngoài ra, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm về đầu tư vào nông nghiệp. ảnh tư liệu

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, tất cả những doanh nghiệp nông nghiệp lớn đến thời điểm này đều ghi nhận những thành công bước đầu, chưa có sự đổ bể, họ đã đồng hành cũng nông dân tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ rất tốt, có những lĩnh vực trong năm qua phát triển tới 300% chính nhờ những nhân tố này.

Có những doanh nghiệp dám đầu tư 15.000 tỷ đồng xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại. Họ phải có niềm tin vào sự thành công bền vững trong tương lai mới có thể có những quyết định táo bạo đến như vậy.

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế. Đây là một trong những lý do khiến diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL có xu hướng giảm.

Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho thấy, vụ đông xuân 2017-2018, tổng diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL đạt 170.000ha, chiếm hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân của vùng (1,68 triệu ha). Nguyên nhân là do giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn "chưa có tiếng nói chung", khi giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thu mua để ép giá nông dân, còn khi giá lúa tăng cao, nông dân dễ dàng “bẻ kèo” bán ra bên ngoài. Điều này không chỉ xảy ra với các vùng trồng lúa mà còn rất phổ biến ở nhiều vùng liên kết sản xuất khác giữa nông dân và doanh nghiệp. Câu chuyện nông dân nhiều vùng trồng ớt ở miền Trung kêu trời vì doanh nghiệp không chịu thu mua dù đã ký hợp đồng hồi năm 2018 là một ví dụ.

Có thể thấy, nguyên nhân lớn nhất khiến hai chiếc “đũa” chưa thể thành đôi là do nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường chưa rõ; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường, công nghiệp phụ trợ…

Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/di-tim-chiec-dua-con-lai-cho-nong-dan-975216.html