Di tích phải là nơi để hưởng thụ văn hóa lý tưởng

Chiều 2/3, Thường trực HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021 họp phiên thứ 28. Nội dung đáng chú ý tại phiên họp là phần chất vấn về công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Vân Anh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách chất vấn về những giải pháp quản lý, khai thác di tích phục vụ du lịch.

Đại biểu Nguyễn Vân Anh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách chất vấn về những giải pháp quản lý, khai thác di tích phục vụ du lịch.

Mở đầu chất vấn, bà Nguyễn Vân Anh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách đặt vấn đề: BR-VT có 219 di tích. Tuy nhiên, nhiều di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều di tích không phát huy được tiềm năng. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp chấn chỉnh bất cập.

Giải trình cho vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập dẫn đến di tích xuống cấp và bị xâm hại. “Một phần do kiểm tra, giám sát chưa sát sao, đội ngũ cán bộ quản lý kiêm nhiệm, không chuyên trách nhưng một phần do việc bàn giao di tích cho các địa phương quản lý chưa khớp so với trên thực địa”, ông Nguyễn Đình Trung lý giải.

Về giải pháp, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, hiện nay Sở VH-TT đã xây dựng kế hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy một số di tích có tiềm năng phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 634 tỷ đồng; phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành đo đạc, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Ngoài ra, Sở VH-TT sẽ tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ phụ trách công tác quản lý di tích ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý tình trạng lấn chiếm đất di tích; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách.

Tiếp tục truy vấn về vai trò quản lý, đại biểu Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội nêu rõ: Năm 2016, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh đã có báo cáo giám sát về công tác quản lý đối với các di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trong đó chỉ ra nhiều di tích bị lấn chiếm. Ban đã kiến nghị Sở VH-TT các giải pháp chấn chỉnh. Vì sao đến nay một số di tích bị xâm hại chưa được xử lý?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Trung đi thẳng vào các di tích cụ thể: Đối với di tích Bạch Dinh, các hộ thuê mặt bằng kinh doanh tại đây đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2016 nhưng họ không bàn giao mặt bằng. Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế, thu hồi mặt bằng. Còn việc một số hộ dân sinh sống, lấn chiếm ở các di tích khác như: Thích Ca Phật đài, Trận địa pháo cổ Cầu Đá, Dinh Cô, Niết bàn Tịnh xá... trong thời gian tới, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị để giải tỏa.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phần chất vấn.

Kết luận phần chất vấn, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Câu chuyện về sự xuống cấp, xâm hại di tích đã nói quá nhiều tại các cuộc họp, kỳ họp của HĐND tỉnh nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn. Đề nghị Sở VH-TT xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ, quản lý di tích; phối hợp với các đơn vị, địa phương cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất di tích. “Phải làm đến cùng, không nể nang và thiếu trách nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng gợi ý, đối với các di tích do nhà nước quản lý, Sở VH-TT phải lên kế hoạch, lộ trình đầu tư, tôn tạo trong 1-2 năm tới, nhằm biến các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thành những công viên xanh, điểm hưởng thụ văn hóa thực thụ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là điểm du lịch thu hút khách chứ không phải là những nơi lộn xộn như hiện nay.

Bài, ảnh: THI PHONG, MINH NHÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202003/di-tich-phai-la-noi-de-huong-thu-van-hoa-ly-tuong-893398/