Di tích núi Bân - nơi hội tụ hào khí dân tộc

Cách đây hơn 234 năm, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã lên ngôi tại Huế, lấy niên hiệu Quang Trung rồi xuất quân ra Bắc đại phá quân Thanh, thu giang sơn về một mối. Gắn liền với sự kiện trọng đại, ý nghĩa này là núi Bân, di tích lịch sử quốc gia thời triều đại Tây Sơn.

Khu lưu niệm hoàng đế Quang Trung được xây dựng năm 2008 tại núi Bân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với diện tích hơn 25.000 m2, quảng trường bao gồm tượng đài người anh hùng áo vải Quang Trung, sân hành lễ và không gian xanh. Trước đó, với những ý nghĩa lịch sử của mình, núi Bân đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988. Ngày nay, nơi đây là địa điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Huế cũng như tái hiện buổi lễ xuất quân ra Bắc đại phá quân Thanh vào mỗi dịp cuối năm.

Nhà nghiên cứu LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG, Tỉnh Thừa Thiên Huế: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tiếp tục làm được công tác khác như phục dựng nghi lễ của triều đại Tây Sơn như lễ đăng quang, lễ khải hoàn hay các chi tiết khác của triều đại này. Trong việc giáo dục truyền thống yêu nước di tích lịch sử núi Bân rất quan trọng, chúng ta tuyên truyền quảng bá được hình ảnh di tích trong lòng bạn bè người quốc tế.”

Thông tin khảo cổ phát hiện dấu tích được cho là đàn Nam Giao thời Tây Sơn tại núi Bân được công bố đã gây chú ý những người yêu văn hóa, lịch sử. Đây chính là địa điểm mà người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã tế cáo trời đất rồi sau đó lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Sau hơn một tháng khảo cổ với diện tích trên 140m2, nhóm chuyên gia đã phát hiện các dấu tích nền, móng, kè gạch của một đàn tế. Đây là một tín hiệu tích cực bởi lẽ những công trình gắn với triều đại Tây Sơn hầu như đã bị phá hủy hoặc chỉ tồn tại qua những giả thuyết nghiên cứu.

Ông NGUYỄN NGỌC CHẤT, Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Trước hết chỉ dừng ở mức độ điều tra, khảo sát, thám sát. Những kết quả đưa lại chỉ là nhận định ban đầu trên diện tích nhỏ hẹp thôi, nếu như để chúng ta có kết quả đầy đủ hơn về quy mô, kết cấu tính chất thì cần tiếp tục đầu tư cho công tác khai quật."

Ông PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Dự kiến sau khi chúng tôi hoàn chỉnh khảo cổ học để tìm kiếm đầy đủ thông tin thì sẽ có đợt chỉnh trang, tôn tạo di tích núi Bân – Đàn Nam Giao thời Tây Sơn gắn với quảng trường Quang Trung. Từ đó có thể hình thành một không gian, nhà trưng bày rồi tiến xa hơn là Bảo tàng về Quang Trung – Nguyễn Huệ thời Tây sơn gắn liền với đất Huế."

Một không gian văn hóa, thiết chế tưởng niệm, tôn vinh đóng góp của triều đại Tây Sơn đã được tính đến trong lộ trình phát triển không gian văn hóa phía Tây Nam thành phố Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Nhà nước công nhận núi Bân là di tích quốc gia hạng đặc biệt trong thời gian tới.

Thực hiện : Tiểu Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/di-tich-nui-ban-noi-hoi-tu-hao-khi-dan-toc